Dạy - học ngoại ngữ, bao giờ đạt chuẩn?
(Cadn.com.vn) - Làm gì để học sinh (HS) học ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) sau tốt nghiệp THPT không còn rụt rè, ngần ngại khi giao tiếp với người nước ngoài? Đấy vừa là thực trạng cũng là mối bận tâm, trăn trở mà ngành GD-ĐT cả nước cũng như Đà Nẵng đang tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy-học tiếng Anh trong nhà trường.
Cần nhìn thẳng vào sự thật
Câu chuyện do đại diện ngành GD-ĐT TP nêu ra tại buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng với ngành GD-ĐT TP về việc thực hiện "Đề án Ngoại ngữ Quốc gia giai đoạn 2012-2016 và kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là ĐANNQG)" trung tuần tháng 10 vừa qua, khiến không ít người dự giật mình. Có thể nói, lần đầu tiên, thực trạng về tình hình dạy-học ngoại ngữ ở nước ta, trong đó có Đà Nẵng được phản ánh trung thực, đúng chất "nói thẳng, nói thật, không giấu giếm".
Cụ thể, trong quá trình rà soát năng lực của giáo viên (GV) tiếng Anh theo ĐANNQG, ban đầu, Bộ GD-ĐT đưa ra tiêu chí đánh giá theo Khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ chung của Châu Âu thì số GV dạy tiếng Anh trên phạm vi cả nước đạt chuẩn rất ít. Đơn cử tại Đà Nẵng, khi đưa 175 GV tiếng Anh đến một Trung tâm quốc tế để khảo sát về năng lực tiếng Anh, số GV đạt chuẩn chỉ đạt con số dưới 5! Trước tình hình này, các sở, ban ngành trong cả nước lên tiếng, Bộ GD-ĐT đã hạ chuẩn xuống bằng Thông tư 01. Theo đó, khung đánh giá năng lực ngoại ngữ của GV ngoại ngữ được dựa trên khung tham chiếu 6 bậc của Việt Nam. Việc khảo sát, đánh giá năng lực GV dạy tiếng Anh được giao cho các trường ĐH đào tạo chuyên ngữ trong nước. Và tất nhiên, khi để cho người Việt đánh giá người Việt, số lượng GV đạt chuẩn tăng lên...
Cũng theo số liệu mà ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng cung cấp, ngay sau khi Đề án "Dạy-học ngoại ngữ trong các cấp học của TP Đà Nẵng giai đoạn 2012-2020" được UBND TP phê duyệt, tháng 10-2012, Sở GD-ĐT TP phối hợp cùng trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng tổ chức rà soát năng lực ngoại ngữ của toàn bộ GV dạy tiếng Anh các cấp. Kết quả, chỉ có 24,2% GV tiếng Anh đạt chuẩn. 4 năm sau, con số này được tăng lên 80,2% (tháng 5-2016).
Cũng theo ngành GD-ĐT TP, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, quá trình đào tạo GV ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục, đào tạo ĐH ở nước ta trong nhiều thập kỷ qua chưa thật sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo đó, các GV tiếng Anh trong một thời gian khá dài chưa thật sự đủ chuẩn về phương pháp dạy học, thiếu môi trường tiếng để rèn luyện, bồi dưỡng; không có điều kiện để tiếp cận với người bản xứ nói tiếng Anh, phương tiện dạy học chưa hiện đại… Chính các yếu tố trên đã góp phần làm cho kiến thức ngôn ngữ, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói của GV bị giảm sút. Bên cạnh đó, có không ít GV dạy ngoại ngữ lớn tuổi vì những lý do khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc ngại đổi mới phương thức dạy học, không chịu khó bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp khiến cho những buổi dạy học ngoại ngữ trở nên nhàm chán, không lôi cuốn được HS. Thậm chí, có không ít trường hợp GV lớn tuổi phát âm không chuẩn, khiến những HS có năng lực tiếng Anh tốt cảm thấy mất lòng tin.
Ngoài hạn chế trên, cũng cần phải nói đến chương trình giáo dục phổ thông tiếng Anh, SGK và các tài liệu, phương tiện học tập ngoại ngữ ở nước ta thiếu sự điều chỉnh, đổi mới, nặng về lý thuyết, ngôn ngữ, chưa xem trọng tính thực hành cũng như môi trường giao tiếp... Song song đó, điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học ngoại ngữ, các phương tiện nghe, nói còn hạn chế, sĩ số HS/lớp khá cao..v..v.
Ai cũng muốn HS được học theo đường hướng giao tiếp, học để sử dụng được ngôn ngữ chứ không phải học chỉ để biết về ngôn ngữ đó, thế nhưng trên thực tế, việc dạy- học môn học này ở nước ta lại phụ thuộc quá nhiều cho thi cử. Đề thi thì lại chủ yếu tập trung thi viết, ngữ pháp, nghiêng nhiều về kiến thức hàn lâm. Trong khi đó, ngoại ngữ lại là môn học có những nét đặc thù riêng, đòi hỏi hội đủ 4 yếu tố: nghe, nói, đọc, viết.
Con số mà ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng đưa ra về kết quả môn tiếng Anh trước và sau khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia dù chưa minh chứng cho tất cả, nhưng cũng cho thấy, ý kiến việc dạy- học chủ yếu để phục vụ thi cử không phải không có căn cứ. Cụ thể, nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013-2014, tổng số TS dự thi môn tiếng Anh trên địa bàn TP đạt từ 5 điểm trở lên là 96,24%, thì qua 2 năm triển khai kỳ thi THPT Quốc gia, con số này tụt xuống còn 24,34% rồi 18,14%...
Các TS trao đổi sau khi kết thúc giờ thi môn Ngoại ngữ (ảnh minh họa). |
Cần đổi mới toàn diện
Sau kết quả điểm thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015, trao đổi về thực trạng dạy học- ngoại ngữ và những vấn đề liên quan đến ĐANNQG, bà Vũ Thị Tú Anh- Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Phó trưởng Ban Thường trực ĐANNQG 2020, cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến thực trạng dạy-học tiếng Anh như hiện nay là do năng lực xuất phát điểm tiếng Anh ở nước ta không cao. Theo đó, ĐANNQG ra đời nhằm mục đích nâng cao năng lực tiếng Anh cho người dạy-học. Với sự ra đời của đề án, đội ngũ GV dạy tiếng Anh được quan tâm, từng bước được bồi dưỡng, nâng cao.
Để nâng cao năng lực tiếng Anh cho người dạy lẫn người học, thiết nghĩ, cần phải có sự đổi mới đồng bộ, toàn diện từ chương trình, SGK, phương pháp giảng dạy- học phải đi kèm với việc có môi trường tiếng để GV và HS có cơ hội được thực hành, giao tiếp ngôn ngữ; đến phương thức kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, đội ngũ GV ngoại ngữ phải đạt chuẩn và phải thay đổi phương thức truyền đạt, giảng dạy theo hướng hiện đại. Bởi xét cho cùng, yếu tố quyết định đến chất lượng phụ thuộc phần lớn vào người dạy và khả năng, năng lực của người học.
P.T