Dạy học trực tuyến và truyền hình sẽ trở thành phương thức chính thức

Thứ năm, 04/06/2020 10:33

Ngày 3-6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về đánh giá chất lượng dạy-học trực tuyến với 63 Sở GD-ĐT cùng 34 cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong giai đoạn dịch Covid-19, ngành GD-ĐT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, tập đoàn công nghệ viễn thông, nhà mạng chung tay thực hiện khẩu hiệu “tạm dừng đến trường không dừng học”. Học sinh không đến trường nhưng vẫn tiếp cận với kiến thức, với thầy cô, được kết nối qua môi trường mạng. Mặc dù thời gian vừa rồi là giai đoạn khó khăn nhưng cũng là cơ hội tốt để ứng dụng công nghệ trong dạy và học.

Theo Bộ trưởng Nhạ, dạy học từ xa đã được triển khai từ lâu nhưng làm bài bản, rộng khắp thì đây là lần đầu tiên làm được. Với quyết tâm rất cao của toàn ngành, sự quan tâm, đồng hành của các công ty công nghệ, nhà mạng, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ sở giáo dục, phương thức dạy và học từ xa, học trực tuyến, qua truyền hình đã được tổ chức tốt và bước đầu có kết quả tích cực, được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá đạt kết quả bước đầu.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua khẳng định ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học qua đó giải phóng năng lượng lớn cho thầy cô, rất nhiều thủ tục hành chính được giảm, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên. Bên cạnh mặt tốt, việc triển khai dạy học trực tuyến cũng còn hạn chế cần khắc phục, trong đó làm sao để đảm bảo môi trường học an toàn cho học sinh.

Qua đây, ngành Giáo dục cảm ơn Bộ Thông tin và Truyền thông trong chỉ đạo, chia sẻ, hỗ trợ. Đây là nỗ lực chung không chỉ ngành giáo dục mà của các tổ chức, bộ ngành, Thủ tướng cũng đánh giá dạy học trực tuyến của ngành giáo dục đã có kết quả bước đầu, góp phần vào chuyển đổi số. “Ngành GD-ĐT coi đây là cơ hội cùng nhau quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số. Tới đây triển khai chương trình mới, Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc. Cùng tiếng Anh, chúng ta có thế hệ công dân toàn cầu, năng lực cạnh tranh tốt”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Theo ông, hội nghị hôm nay cùng nhìn lại những gì tốt tiếp tục phát huy, những gì chưa hoàn chỉnh tiếp tục hoàn chỉnh. Bộ đã tổ chức thí điểm tại 5 tỉnh với khoảng 20 trường học mô hình dạy học trực tuyến, để qua đó rút kinh nghiệm nhân rộng, với sự đồng hành, hỗ trợ của nhiều công ty công nghệ lớn, các nhà mạng. Cuối cùng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, qua hội nghị này, Bộ cũng sẽ hoàn thiện dự thảo quy chế dạy học trực tuyến, từ xa, trên truyền hình để làm cơ sở cho các nhà trường thực hiện.

Đây là lần đầu tiên có quy chế để chính thức hóa quá trình thực hiện phương thức dạy học này để ngành giáo dục quyết tâm thực hiện tốt, làm bài bản, có căn cứ pháp lý, coi đây là phương thức chính thức.

P.V

Đề xuất đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục nghề kinh doanh

Bộ GD-ĐT có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa “dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đây là lần thứ 2, Bộ GD-ĐT gửi văn bản kiến nghị này để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này. Cũng theo đó, bộ GD&ĐT cho rằng, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để. Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, ban hành văn bản thay thế Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm cho phù hợp với tình hình thực tế. Khi dạy thêm, học thêm được đưa vào luật, Bộ sẽ nghiên cứu quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thực hiện dạy thêm, học thêm trái quy định.

T.N