Đẩy mạnh thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi kinh tế xanh

Thứ sáu, 20/09/2024 06:46

Ngày 19-9, tại TP Đà Nẵng, Bộ Công Thương đã tổ chức 2 hội nghị chuyên đề cấp quốc gia, gồm: Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024, Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024.

Chia sẻ về mục đích tổ chức 2 hội nghị này, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhằm chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển dịch năng lượng nhằm hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững. Việc tổ chức các hội nghị này hướng về mục tiêu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững để cùng nhau thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ các hoạt động này từ Trung ương đến địa phương.

Sở Công Thương TP Đà Nẵng trao giải thưởng cho các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đoạt giải tại Cuộc thi “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023”.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.

Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Thị Lâm Giang, trong bối cảnh kể từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu; việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện đỏi hỏi nguồn lực rất lớn của xã hội và các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao cũng như bị giới hạn về tỷ trọng công suất trong hệ thống điện do các rào cản kỹ thuật trong việc vận hành ổn định hệ thống. Vì vậy, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi, Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Đây là chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu. “Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất xuất bền vững mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang nói.

Sở Công Thương TP Đà Nẵng trao giải thưởng cho các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đoạt giải tại Cuộc thi “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023”.

Là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện sản xuất xanh, phát triển bền vững, thời gian qua,TP Đà Nẵng đã phát triển theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, mang tầm quốc tế. Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng luôn xem việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cùng với sản xuất và tiêu dùng bền vững là những yếu tố then chốt. Lãnh đạo TP đã ban hành và triển khai các kế hoạch về thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030 và Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Các nhiệm vụ này đã được lồng ghép vào quy hoạch và các dự án phát triển của TP, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững trong tương lai. “Đặc biệt, Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng sẽ mở ra những cơ hội lớn cho TP, hướng tới các mục tiêu chiến lược về đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, truyền thông và quản lý khoa học công nghệ…”, ông Nguyễn Văn Trừ chia sẻ.

Một trong những doanh nghiệp chủ lực trong việc thực hiện 2 chương trình nói trên là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. EVN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức chính trị, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan truyền thông tổ chức các chương trình tuyên truyền về tiết kiệm điện, như “Giờ Trái đất”, “Gia đình tiết kiệm điện”, “Tiết kiệm điện trong trường học” và các cuộc thi về sáng kiến tiết kiệm điện… Đặc biệt, hàng năm, EVN tổ chức ký cam kết thực hiện đạt tối thiểu các chỉ tiêu tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTG đối với các nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ… Riêng tại các đơn vị thành viên trực thuộc EVN trên toàn quốc, EVN đã áp dụng triệt để mọi biện pháp tiết kiệm điện tại trụ sở, cơ quan làm việc của các đơn vị với chỉ tiêu tiết kiệm tối thiểu bằng 10%.

PHÚ NAM