Đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm Covid -19 trong cộng đồng

Thứ sáu, 07/08/2020 07:01

Với diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, số ca mắc được phát hiện tiếp tục tăng, số khu dân cư nguy cơ cao ngày càng nhiều, ngành y tế TP Đà Nẵng chuyển hướng xét nghiệm, tăng tốc độ để cho ra kết quả sớm nhất nhằm sàng lọc ca bệnh, cách ly vùng nguy hiểm. Trong khi đó, các bệnh viện phong tỏa đã lên phương án đón bệnh nhân trở lại sau khi hoàn thành việc khử khuẩn.

Cán bộ, nhân viên CDC Đà Nẵng làm việc không ngơi nghỉ trong nhiều ngày liên tục để đảm bảo đáp ứng việc xét nghiệm cho người dân.

Bắt đầu xét nghiệm nhóm

Gần nửa tháng qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng liên tục đỏ đèn 24/24 giờ. Với số lượng bệnh nhân mắc tăng theo từng ngày, khiến các nhân viên kỹ thuật tại đây làm việc quá tải, rất ít thời gian nghỉ ngơi. Cao điểm nhất, vào ngày 31-7 khi TP Đà Nẵng có 45 ca mắc được phát hiện trong một ngày, toàn bộ nhân viên của trung tâm, cùng đội ngũ nhân viên CDC tuyến quận huyện được huy động với nhiệm vụ xét nghiệm hơn 5.000 ca. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, hiện tại Trung tâm đã có 13 máy xét nghiệm RT-PCR và 3 máy chiết mẫu phẩm tự động. Đây là số máy được trang bị và mượn từ các đơn vị, địa phương để khẩn trương thực hiện xét nghiệm truy vết các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Với sự hỗ trợ này, năng lực xét nghiệm của CDC Đà Nẵng có thể lên đến 10.000 mẫu phẩm/ngày. Tuy nhiên, một khó khăn ở thời điểm hiện tại là đang thiếu nhân lực lấy mẫu ở cơ sở, cộng đồng. 60 nhân viên kể cả tại chỗ và lực lượng tăng cường vẫn đang “cày ải” xuyên ngày đêm để chạy đua lấy mẫu xét nghiệm. Càng ngày khu cộng đồng dân cư cần lấy mẫu xét nghiệm để điều tra, truy vết và khoanh vùng dập dịch càng tăng nên số nhân lực này đang phải làm việc quá công suất trong nhiều ngày liên tục.

Trước áp lực về nhu cầu xét nghiệm sàng lọc, sau khi xin ý kiến các chuyên gia viện dịch tễ, CDC Đà Nẵng đã bắt đầu thực hiện xét nghiệm nhóm theo hộ gia đình. Đây được đánh giá là cách làm vừa đảm bảo yêu cầu về độ chính xác vừa rút ngắn thời gian trong bối cảnh cấp thiết. Bác sĩ Thạnh cho biết, việc xét nghiệm nhóm chỉ áp dụng trong trường hợp lấy mẫu phẩm của một hộ gia định cụ thể để xác định nhanh việc lây nhiễm ở cộng đồng. Còn các trường hợp F1, người có tiếp xúc với nguồn lây, có biểu hiện nhiễm virus vẫn phải thực hiện xét nghiệm độc lập. Trường hợp hộ gia đình có 5 người trở lại, nhân viên CDC sẽ lấy các mẫu phẩm cho vào một ống rồi đưa về xét nghiệm. Nếu kết quả dương tính sẽ xét nghiệm từng trường hợp riêng lẻ. Phương pháp này ở các nước trên thế giới đã làm, giúp tiết kiệm hóa chất và đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm tại cộng đồng. Tùy vào từng ổ dịch cụ thể, CDC sẽ quyết định phương án lấy mẫu xét nghiệm. Đơn vị cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể gửi các trung tâm y tế quận huyện để triển khai. Để đảm bảo yêu cầu làm việc lâu dài tại khoa xét nghiệm, CDC Đà Nẵng cũng đang rà soát, huy động thêm tài trợ, tăng cường nhân lực để cán bộ chuyên môn làm việc 7 giờ sáng đến 19 hàng ngày. Sau khung giờ này sẽ ưu tiên thực hiện chiếu tia khử khuẩn phòng xét nghiệm và các labo xét nghiệm để đề phòng các nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên trong quá trình làm xét nghiệm.

Lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Sẵn sàng phương án mở cửa lại 3 bệnh viện bị phong tỏa

Tại Bệnh viện C Đà Nẵng, trong 2 ngày 5 và 6-8, có hơn 1.000 nhân viên y tế được lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2 với SARS-CoV-2. Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện - Giám đốc Bệnh viện cho biết, hiện có 1.025 người đang thực hiện lệnh cách ly, phong tỏa trong bệnh viện từ 0 giờ ngày 24-7. Các nhân viên đã được xét nghiệm lần 1 với SARS-CoV-2 và âm tính. Hiện Bộ Y tế đang yêu cầu xét nghiệm lần 2, nếu tất cả âm tính sẽ cân nhắc, xem xét bệnh viện mở cửa trở lại. Trong thời gian chấp hành lệnh phong tỏa, bệnh viện đảm bảo công tác điều trị cho 399 bệnh nhân bên trong, đồng thời tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện khử khuẩn, giãn cách trong cách ly, điều trị. Bệnh viện cũng đã sẵn sàng các phương án, kế hoạch tiếp nhận, thu dung bệnh nhân ngay khi được Bộ Y tế cho phép mở cửa đón bệnh nhân trở lại. Những vấn đề cần ưu tiên lúc hoạt động trở lại chính là phân luồng đón, đưa người bệnh, thực hiện giãn cách, bố trí bàn khám bệnh tầm nhiệt. Trong khi đó, tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, gần 400 người gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà vừa được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 với SARS-CoV-2. Đề án phân luồng đón tiếp người bệnh sau khi mở cửa trở lại cũng đã hoàn thành, đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế về “khám, chữa bệnh đảm bảo phòng, chống Covid-19”. Riêng Bệnh viện Đà Nẵng, công tác khử khuẩn đòi hòi kỹ lưỡng và mất nhiều thời gian hơn bởi đây được xem là ổ dịch Covid-19. Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, trước đây, Bệnh viện Đà Nẵng được xem là nơi chủ lực để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhất là các bệnh nhân nặng. Nhưng với diễn biến trong những ngày qua, ngành y tế buộc phải có phương án chuyển hướng điều trị bệnh nhân sang các cơ sở khác đồng thời thiết lập trạng thái an toàn trở lại cho Bệnh viện Đà Nẵng, chỉ để điều trị các bệnh nhân nặng không nhiễm Covid-19. Hiện nay, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vừa hoàn thành việc xây dựng khu hồi sức tích cực với đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, là điều kiện cần thiết để tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên nền bệnh nặng. Ngay sau khi số bệnh nhân còn lại được chuyển đi đến các cơ sở trên để đảm bảo điều trị, hoàn thành công tác khử khuẩn, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ mở cửa đón bệnh nhân, thực hiện nhiệm vụ khám, thu dung, điều trị bệnh nhân bình thường.

BẢO NAM

Tiếp tục phun khử khuẩn nhiều khu vực ở Đà Nẵng

Sau đợt khử khuẩn vào ngày 3-8, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục lên kế hoạch phối hợp với Quân khu 5 tiến hành khử khuẩn, tẩy độc các khu vực nguy cơ cao, không để cho dịch Covid-19 lây lan. Cụ thể, tại Q. Hải Châu các địa điểm sẽ phun khử khuẩn gồm: Trung tâm Y tế quận (đã phong tỏa), chợ Mới và khu dân cư lân cận, chợ Đầu mối, chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Cường, Quận ủy, Trung tâm hành chính quận. H. Hòa Vang phun toàn bộ xã Hòa Tiến, thôn Túy Loan Đông 1 (xã Hòa Phong, khu phố chợ), Trung tâm hành chính huyện. Tại Q. Ngũ Hành Sơn là Tổ 17, 54, 74 phường Hòa Hải, tổ 19 P. Mỹ An, tổ 11 P. Khuê Mỹ, Trung tâm hành chính quận, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn. Q. Cẩm Lệ sẽ phun khử khuẩn tại chợ Cẩm Lệ, Khu dân cư Bình Thái 3, Bình Thái 4 (P. Hòa Thọ Đông), Trạm Y tế phường Hòa An, Trạm Y tế phường Khuê Trung, Trung tâm Y tế quận và Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm. Tại Q. Liên Chiểu: Trung tâm hành chính quận, Ký túc xá Đại học Bách khoa, Ký túc xá Cao đẳng nghề, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch, Ký túc xá DMC, chợ Hòa Khánh, chợ Hòa Mỹ, chợ Nam Ô, chung cư Hòa Hiệp Nam, chung cư Hòa Minh, tổ 21, 51, 58, 59 (P. Hòa Khánh Bắc), CAP Hòa Khánh Bắc. Q. Thanh Khê, kế hoạch phun khử khuẩn, làm sạch môi trường thực hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, Trung tâm hành chính quận.