Dạy trẻ phòng vệ tránh xâm hại tình dục như thế nào?
(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, hàng loạt vụ xâm hại trẻ em được phát hiện gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận xã hội. Theo thống kê của Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNET), trung bình có hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục mỗi năm. Đã đến lúc rất cần sự vào cuộc ráo riết của gia đình, nhà trường, giáo dục các em nhỏ biết cách tự vệ, bảo vệ mình trước sự xâm hại của những đối tượng "biến thái". Câu hỏi đặt ra là gia đình, nhà trường có vai trò gì trong việc dạy trẻ phòng vệ chống xâm hại?
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, tại Đà Nẵng trong năm 2015 có 12 vụ xâm hại tình dục ở trẻ em được phát hiện, can thiệp và xử lý, năm 2016 là 10 vụ. Đa phần những vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở Hòa Vang, Liên Chiểu. 90% đối tượng có hành vi xâm hại là người quen, hàng xóm. Phần lớn trẻ em rơi vào tình trạng này là những trẻ em xuất thân trong những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly dị, cha mẹ đi làm ăn xa, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa, trẻ sống ở những vùng nông thôn nghèo khó, vùng dân tộc thiểu số... Do nhiều yếu tố, nguy cơ trẻ bị xâm hại luôn tồn tại: do tác động của các sản phẩm đồi trụy (phim, ảnh), chất kích thích (bia, rượu, chất gây nghiện...) từ đó dẫn đến yếu tố sinh học, và một phần do chính những nạn nhân bị xâm hại không được trang bị kiến thức phòng tránh.
Một buổi học ngoại khóa về phòng ngừa xâm hại tình dục ở Trường trẻ em Tomato tại TP Hồ Chí Minh. |
Có trường hợp ở P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, mọi chuyện chỉ bị phát hiện sau khi nạn nhân 12 tuổi đã bị xâm hại đến lần thứ 9. Đối tượng là người hàng xóm ngay sát nhà, sáng sớm, chờ khi mẹ của cháu bé đi chợ bán cá đã trèo tường sang và khống chế nạn nhân để làm trò đồi bại. Được sự can thiệp của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP, hiện tại nạn nhân đã tạm thời ổn định tâm lý và được chăm sóc sức khỏe định kỳ. Từ tháng 9-2016 đến nay, đã có 6 trường hợp trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm hại thuộc các địa bàn Q.Sơn Trà được can thiệp, trợ giúp. Tuy nhiên, cũng theo các cán bộ làm công tác hỗ trợ, tư vấn: khi đã bị xâm hại, các em hoặc là rơi vào tình trạng hoảng loạn, trầm cảm, mất tự tin khi tiếp xúc với người lạ, hoặc trở nên nổi loạn, khó kiểm soát cảm xúc. Cả hai chiều hướng đều khó can thiệp để các em phục hồi.
* Có rất nhiều trẻ nhỏ mặc dù đã được cha mẹ dạy các nguyên tắc như không để người khác phái ôm hôn, không tự ý đi ra chỗ vắng với ai đó..., nhưng khi ra chỗ công cộng, các con lại quên ngay. Đó là bởi vì ta yêu cầu trẻ thực hiện một hành vi, mà chưa tác động đủ vào nhận thức của con về vấn đề này. Có câu nói rằng: "Gieo nhận thức, gặt hành vi". Nghĩa là khi bạn khiến ai đó hiểu ra sâu sắc tại sao cần phải làm chuyện đó, tự họ sẽ làm mà không cần ai nhắc. Còn nếu bạn yêu cầu họ làm khi họ chưa đủ hiểu, họ sẽ làm theo kiểu "nay quên mai nhớ". Trẻ con lại càng như vậy! Những chương trình dạy trẻ bảo vệ bản thân bài bản trên thế giới đều bắt đầu và dành rất nhiều thời lượng để giúp trẻ hiểu khái niệm an toàn/ không an toàn, rồi mới đến các nguyên tắc cụ thể. Họ cho rằng việc nhận thức được khái niệm đó là điểm cốt lõi nhất ta phải dạy cho trẻ. Và họ dạy trẻ bằng cách gắn kết nó với những kinh nghiệm quen thuộc mà trẻ thường trải qua ở độ tuổi của mình. Ví dụ, họ đưa hình ảnh một bé gái đang khóc mếu máo do sờ vào lửa và bị bỏng, một bé trai với gương mặt đau đớn do bị gãy chân, một bé khác đang đứng ngơ ngác gương mặt đầy vẻ sợ hãi giữa một nơi hoang vắng âm u - đó là không an toàn. Họ cũng đưa những hình như bé được cha mẹ dắt đi, vẻ mặt đầy tự tin - đó là an toàn. Trẻ em nào cũng đã từng có ít nhiều kinh nghiệm với các hoàn cảnh tương tự, các con có thể nhớ lại cảm xúc trong hoàn cảnh đó nó ra sao, và vì vậy hiểu ra giữ cho mình an toàn/ không an toàn có hệ quả/ hậu quả như thế nào. Khi trẻ đã hiểu được khái niệm này, các tình huống liên quan đến xâm hại tình dục mới được đưa ra, và trẻ biết rằng nếu mình rơi vào tình huống như vậy thì sẽ rất đau đớn và tồi tệ, tệ hơn cả chuyện gãy chân, chảy máu... Các chuyên gia tâm lý cho rằng, các em bé bị lạm dụng tình dục từ nhỏ thường có biểu hiện lệch lạc về nhân cách, cô đơn, tự ti và có xu hướng sống cực đoan, những trẻ này lớn lên sẽ rất khó hòa nhập với môi trường sống chung. Bạn không thể chắc chắn được rằng, bước ra khỏi ngôi nhà thân yêu, con bạn sẽ gặp cạm bẫy nào, thì việc có được lòng tin và sự chia sẻ cao của con cái là vấn đề quan trọng nhất. Do vậy, để hạn chế tình trạng các em nhỏ bị xâm hại, giáo dục đúng cách sẽ là biện pháp mang tính hiệu quả nhất. Thúy Hồng |
Anh Nguyễn Anh Tú, cán bộ Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng cho biết, sự e ngại, không mạnh dạn cởi mở về các vấn đề giới tính giữa cha mẹ - con cái chính là thất bại cốt yếu đối với công tác tuyên truyền. Một đứa trẻ đang ở tuổi tìm hiểu những vấn đề xung quanh chúng - đặc biệt là về giới tính, như một chiếc ly rỗng, chúng sẽ tìm cách lấp đầy sự thiếu hiểu biết của mình từ những mối quan hệ xung quanh, do vậy nếu cha mẹ không đáp ứng được thì "cái ly rỗng" đó sẽ tò mò tìm ở bạn bè, phim ảnh, thậm chí là những người hàng xóm không thân thiết với chúng.
Và ngược lại, nếu cha mẹ là người bổ sung được cho trẻ những thiếu hụt này thì chúng sẽ không có xu hướng tìm đến người khác nữa. Như trường hợp của bé Q. (H.Hiệp Đức, Quảng Nam), thiếu sự quan tâm của cha mẹ, từ lớp 6 đã bắt đầu làm quen, nhắn tin và qua lại với người khác giới. Lợi dụng điều này, đối tượng đã lừa nạn nhân Q. sang biên giới Campuchia để xâm hại. Dù đã trốn thoát nhưng thời gian sau đó, hai mẹ con Q. lại bị một đối tượng khác liên tục đe dọa. Chỉ sau khi được can thiệp, hỗ trợ từ cơ quan chức năng, mẹ con Q. được chuyển ra Đà Nẵng thì cuộc sống mới yên ổn trở lại. Như vậy, khi cha mẹ không nắm bắt được diễn tiến tâm lý của trẻ thì đa phần đều bỏ qua giai đoạn định hướng này.
Tại Đà Nẵng, các buổi tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ dành cho các bậc phụ huynh cũng không nhận được sự quan tâm bởi đa phần cha mẹ không bao giờ nghĩ con mình, hoặc gia đình mình sẽ rơi vào trường hợp tương tự. Tuyên truyền theo cách chia nhỏ xuống nhóm cộng đồng được coi là phương pháp hiệu quả nhất, giả thuyết và chỉ rõ những nguy cơ khi trẻ ở nhà một mình, khi trẻ đi từ nhà tới trường, từ đó đặt cha mẹ vào những trường hợp đã rồi để khơi gợi sự quan tâm, lo lắng.
Những vụ việc - trong đó là trẻ em bị xâm hại, dẫn đến tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần chắc chắn sẽ để lại biết bao hệ lụy sâu sắc đối với những đứa trẻ còn đang "như búp trên cành". Tác động của những vụ xâm hại đó không chỉ là một vết thương không bao giờ lành với đa phần trẻ bị xâm hại, mà còn là báo động đỏ cho sự bàng quan, thiếu hiểu biết về cách nuôi dạy con. Như vậy, tiếng chuông đó chưa làm chúng ta cảnh tỉnh lẫn nhau được, vì ở đâu đó trong quá trình "truyền dẫn", âm thanh của nó bị đứt quãng đi vài đoạn, đó chính là khi những bậc làm cha mẹ chúng ta đã không chịu lắng nghe.
Ngân Hà