Dạy và… dỗ ở ngôi trường đặc biệt

Thứ tư, 02/07/2014 08:00

(Cadn.com.vn) - Không giống như những ngôi trường khác, thầy cô ở đây luôn trăn trở làm sao để học sinh của mình trở thành người tốt và sống lương thiện. Đó là Trường Giáo dưỡng số 3, nơi giáo dục những học sinh cá biệt.

Đại tá Phạm Văn Huynh trao chứng nhận hoàn thành khóa học trong trường giáo dưỡng cho một em học sinh. 

"Em vào trường được vài tháng rồi, lúc đầu cũng buồn nhưng chừ quen rồi. Vào đây em được học chữ, học nghề và được thầy cô, bạn bè quan tâm nên vui lắm"- em Lê Văn Tuyên (16 tuổi, trú H. Trà Lĩnh-Cao Bằng) bắt đầu câu chuyện của mình. Hẳn Tuyên chẳng nghĩ được rằng, việc được vào Trường Giáo dưỡng số 3 học tập lại có ý nghĩa với em như vậy. Bởi trước đó, cuộc sống của em gặp nhiều bất hạnh.

Lúc mới chào đời, ba mẹ đã bỏ đi, để Tuyên lại cho bà nội nuôi dưỡng. Nhưng rồi, bi kịch lại đến với em khi cách đây vài năm bà của Tuyên đột ngột qua đời. 14 tuổi em phải lang thang khắp nơi để kiếm sống và chẳng còn ai ở bên cạnh quan tâm, dạy dỗ. Tuyên lang thang đến nhiều địa phương xin ăn. Nhiều lúc đói quá nhưng không xin được gì em đã trộm cắp vặt và trong một lần đến Gia Lai, Tuyên đã bị bắt vì hành vi  trộm cắp.

"Đến nơi nào em chỉ biết xin ăn, nhiều lúc người ta không cho thì trộm cắp. Có khi em bị người ta đánh và em đánh lại"-Tuyên kể. Đó là khoảng thời gian khủng khiếp nhất đối với em, khi phải tự bươn chải để có cái ăn. Đơn độc trước cuộc sống đầy bất trắc, em nhiễm những thói hư tật xấu ngoài xã hội lúc nào không hay, trở nên lì lợm, ương ngạnh…Từ ngày được đưa vào Trường Giáo dưỡng số 3, được thầy cô quan tâm, giáo dục, Tuyên đã tiến bộ rất nhiều, không còn cái tính bất cần đời, ngang bướng như trước… 

Chẳng riêng gì Tuyên, tất cả các em vào Trường Giáo dưỡng số 3 học tập ít nhiều đều có "thành tích" bất hảo. Hiện nay, nhà trường đang quản lý hơn 400 em học sinh, mỗi em có một lý do khi đến đây. Nhiều nhất là trộm cắp chiếm hơn 61%, gây rối trật tự công cộng 22%, cố ý gây thương tích hơn 4% và trong đó có nhiều em phạm tội nghiêm trọng như hiếp dâm chiếm hơn 4% và giết người 0,22%.

Việc giáo dục, uốn nắn các em trở lại con đường sáng thật không dễ dàng. Khi mới vào trường, các em tìm mọi cách vi phạm nội quy, chống đối và khước từ mọi sự dạy bảo của giáo viên, nhiều em còn tổ chức đánh nhau. Để uốn những mầm non này phát triển theo hướng tốt đẹp, thầy cô giáo ở đây đã lao tâm khổ tứ không ít. Thượng úy Nguyễn Phước Hồng-giáo viên của trường tâm sự: "Vào đây trình độ của các em khác nhau, trong một lớp nhưng có em đã nắm được kiến thức lớp 5, có em lớp 2, nhiều em khác còn không biết chữ...

Ngoài ra khi mới vào trường, nhiều em học sinh có tâm lý rất phức tạp, có em bị trầm cảm, em thì quậy phá không chấp hành những nội quy của nhà trường. Vì vậy, chúng tôi phải áp dụng phương pháp vừa dạy vừa…dỗ các em. Thầy cô phải tìm hiểu tâm lý từng em để có cách giáo dục thích hợp. Các em được học văn hóa và học nghề, nhưng bài học quan trọng chúng tôi luôn thực hiện là dạy các em học cách làm người có ích. Làm công việc này, nếu không kiên trì thì thất bại".

Thầy cô giáo Trường Giáo dưỡng số 3 luôn hướng các em học sinh của mình trở thành người tốt.

Quả vậy, để giúp các em học cách làm người có ích, trường đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều phương pháp giáo dục thích hợp. Giáo viên cùng ăn, cùng sinh hoạt với các em, xây dựng cho các em sống có lòng tự trọng. Đại tá Phạm Văn Huynh-Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 3, 40 năm công tác tại trường, cho biết, trong những năm qua nhà trường đã tổ chức cho hơn 2.000 lượt các em học văn hóa, từ lớp xóa mù chữ đến lớp 9. Số các em không biết chữ trong một thời gian ngắn đã đọc thông viết thạo và làm được 4 phép tính.

Ngoài ra, nhà trường đã tổ chức dạy nghề hướng nghiệp cho 700 em học sinh, theo nhu cầu của thị trường như nghề may mặc, gò hàn, cắt tóc…, nhiều em sau khi ra trường đã có việc làm và cuộc sống ổn định. "Ngoài việc dạy chữ và dạy nghề, nhà trường chú trọng công tác giáo dục đạo đức, sức khỏe sinh sản. Trường thành lập tổ tư vấn để giúp các em giải tỏa những khúc mắc trong lòng và trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình trước cám dỗ của cái xấu. Nhà trường chỉ mong học sinh khi ra trường không tái phạm và sống được với nghề đã học ở trường như thế là thành công. Tuy nhiên, để các em không đi vào con đường cũ thì yếu tố gia đình rất quan trọng, bởi nhiều em vào đây đều do ba mẹ ly tán hoặc thiếu sự quan tâm, giáo dục"-thầy Huynh nói.

Dẫu biết sự thành bại khi giáo dục các thiếu niên từng vi phạm pháp luật còn phụ thuộc vào nhiều điều, nhưng các thầy cô Trường Giáo dưỡng số 3 hằng ngày vẫn kiên trì uốn nắn các em trở thành người có ích.

Hoàng Anh