Đề án phát triển sản phẩm sâm Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả
Ngày 11-1, UBND H. Nam Trà My cho biết, Bộ KH&CN vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh), thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án nhằm phát triển bền vững sản phẩm hàng hóa từ sâm Ngọc Linh theo chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác tiềm lực về khoa học công nghệ trong nghiên cứu sản xuất giống, dược liệu sâm Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc gia và sản phẩm chế biến từ sâm Việt Nam có chất lượng cao ở quy mô công nghiệp, chiếm lĩnh thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Ngoài ra, hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất giống sâm Việt Nam chất lượng cao đạt tổng quy mô 5 triệu cây giống/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất không dưới 1 triệu cây giống/năm. Hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất tập trung dược liệu sâm Việt Nam đạt tổng sản lượng 50 tấn/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất đạt sản lượng không dưới 5 tấn/năm. Hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao từ sâm Việt Nam đạt tổng quy mô giá trị tương đương với 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất sản phẩm từ sâm Việt Nam không dưới 100 tỷ đồng/năm. Theo đề án, sản phẩm dự kiến, về quy trình công nghệ phải có quy trình công nghệ và thiết bị phù hợp nhằm: Sản xuất giống sâm Việt Nam chất lượng cao, đạt quy mô tối thiểu 1 triệu cây giống/năm; sản xuất tập trung dược liệu sâm Việt Nam đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch đến sơ chế biến, bảo quản với quy mô tối thiểu đạt sản lượng 5 tấn dược liệu sâm Việt Nam/năm; sản xuất sản phẩm từ sâm Việt Nam, trong đó có tối thiểu 10 sản phẩm có doanh thu không dưới 100 tỷ đồng/sản phẩm/năm.
Ngoài ra, có hệ thống chính sách đồng bộ về sử dụng đất, tín dụng, thuế, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường để khuyến khích, hỗ trợ mọi đối tượng tham gia phát triển sâm Việt Nam. Chiến lược, hướng dẫn thực hiện việc bảo hộ, khai thác và thực thi có hiệu quả các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm phát triển bền vững sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam.
Nhằm tiến tới thực hiện hiệu quả đề án trên, HĐND H. Nam Trà My đã ban hành Nghị quyết số 2 về phát triển hạ tầng vùng sâm Ngọc Linh. Theo đó, đến nay đã hoàn thiện tuyến đường giao thông từ QL40B nối với trung tâm xã Trà Linh theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A. Bên cạnh đó đang xây dựng mới các tuyến đường Tắc Pong - Tắc Ngo hơn 8km, tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng; tuyến đường từ UBND xã Trà Linh đi Măng Lùng hơn 11,6km, gần 150 tỷ đồng; đường Măng Lùng đi huyện Đắc G'Lây (tỉnh Kon Tum) dài 10,4km, gần 130 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hỗ trợ, Nam Trà My sẽ đầu tư mở tiếp 5km đường nối từ làng Măng Tó (xã Trà Cang) lên trung tâm xã Trà Linh, giúp thông tuyến từ QL40B đi Trà Tập - Trà Cang - Trà Linh (dài 33,7km).
B.B
Địa hình khó khăn nên việc tiếp cận vùng sâm Ngọc Linh lâu nay còn nhiều hạn chế. Công nhân chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh- sâm Việt Nam.