Để đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu

Thứ bảy, 06/08/2016 11:06

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ Tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 theo hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì. Hội nghị vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

Báo cáo tổng kết năm học 2015-2016, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng đã nêu những kết quả nổi bật trong năm học vừa qua, như: Việc đổi mới hoạt động dạy và học, thi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục có chuyển biến tích cực... Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời làm tiền đề đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Triển khai đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học bước đầu có kết quả tốt, đã tác động tích cực đến quá trình dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các điều kiện đảm bảo chất lượng GD-ĐT được tăng cường. Chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học được quan tâm  đầu tư, tài chính cho giáo dục được ưu tiên. Chất lượng GD-ĐT từng bước được nâng lên. Công tác xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời được củng cố, từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng.

 Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế, yếu kém: Công tác xây dựng và thực hiện chính sách còn nhiều bất cập; công tác  quản lý và chỉ đạo, điều hành  hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch hệ thống, phát triển đội ngũ, phân luồng học sinh, dạy và học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tự chủ, hội nhập quốc tế, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức, công tác truyền thông giáo dục chưa tốt. 

Trong năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT đề ra phương hướng: Tăng cường kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chú trọng đạo đức lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm công dân đối với xã hội cho học sinh. Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp. 

Điểm cầu trực tuyến tại Đà Nẵng do Giám đốc sở GD-ĐT Nguyễn Đình Vĩnh và GS, TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng chủ trì.   

Ngành GD-ĐT đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016-2017:  Rà soát, quy hoạch mạng lưới giáo dục toàn quốc. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục... Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học. Tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT. Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở GD-ĐT. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngành GD-ĐT cũng đề ra 5 giải pháp cho năm học mới, gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD-ĐT. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chăm lo cho giáo dục là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội. Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thủ tướng đã phân tích rất cụ thể, sâu sắc về các kết quả đạt được, cũng như từng hạn chế, yếu kém của ngành giáo dục trong thời gian qua.

Thủ tướng lưu ý: Chương trình giáo dục phổ thông cần hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân, vừa đảm bảo tính hiện đại, hội nhập, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà phải toàn diện cả văn, thể, mỹ... Chú ý giáo dục thể chất để thế hệ thanh niên khỏe mạnh toàn diện. Chú ý dạy cho học sinh cái đẹp của quê hương, đất nước, cái đẹp của nghệ thuật, mỹ thuật. Chú ý dạy học tiếng Anh từ phổ thông. Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là với trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, phải tạo điều kiện để mọi người cùng học tập. Với giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp, phải đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động; trình độ đào tạo phải hướng tới công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia cộng đồng ASEAN; gắn kết đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của HS-SV với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội... Cần quan tâm chất lượng đào tạo tay nghề thực tế, khẳng định được giá trị “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” qua khả năng tìm việc làm và thu nhập, vị trí xã hội...

Thủ tướng đề nghị: Năm học mới, toàn ngành giáo dục cần tập trung triển khai sâu rộng các nhiệm vụ trọng tâm; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp; xây dựng các đề án, chương trình; phát triển đội ngũ trên toàn hệ thống chứ không chắp vá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý, tăng cường hội nhập quốc tế trong GDĐT. Thủ tướng mong muốn ngành giáo dục đào tạo cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. “Muốn xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc và mong muốn tất cả chúng ta cùng nhau hành động vì mục tiêu cao đẹp đó”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hồng Thanh