Để học sinh yêu, xem môn Lịch Sử là môn tự giác học

Thứ hai, 30/05/2022 11:30
Khi được hỏi về việc môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh bậc THPT (sau đây viết tắt là CTGDPT mới), hầu hết giáo viên dạy môn học này tại Đà Nẵng đều cho rằng, vấn đề môn Lịch sử phải là môn học cơ bản, cốt lõi trong CTGDPT đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 113 ngày 27-11-2015. Vấn đề cần bàn ở đây chính là làm sao để môn học này thực sự hấp dẫn, trở thành môn học tự giác đối với mỗi học sinh (HS) ngay khi bước chân vào lớp 1.
Một tiết Lịch sử đầy hứng khởi tại trường THPT Thái Phiên.
Một tiết Lịch sử đầy hứng khởi tại trường THPT Thái Phiên.

Nhận diện rõ nguyên nhân

Là giáo có viên thâm niên trên 20 năm với môn học này, theo thầy Hà Thúc Quang- Tổ trưởng môn Lịch sử trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng), với nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành còn nặng về kiến thức nhớ: sự kiện, số liệu, mốc thời gian; nặng tính hàn lâm; nội dung phản ánh chưa đạt đến mức độ nhất định sự toàn diện về khoa học lịch sử ở cấp THPT..., đã khiến nhiều HS nhìn nhận chưa đúng về môn học này, xem đây là môn học “khổ sai” về trí nhớ. Mặt khác, nhận thức của rất nhiều học sinh, phụ huynh và xã hội về môn Lịch sử là môn phụ, môn học thuộc lòng cùng với những kiến thức được học từ môn này chưa đáp ứng thực tế đời sống cũng như công việc sau khi ra trường khiến môn Lịch sử chưa được đặt đúng vai trò, vị trí của nó trong môi trường giáo dục phổ thông.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, theo thầy Hà Thúc Quang, cần thẳng thắn nhìn nhận phương pháp giảng dạy đối với môn học này hiện vẫn còn nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, chưa chú trọng đúng mức sự tương tác giữa thầy và trò cũng như chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, còn thiếu sự động viên tư duy phản biện độc lập trong quá trình dạy- học môn Lịch sử.

Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện- Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, Chánh Văn phòng Hội Khoa học Lịch Sử TP Đà Nẵng cho rằng, thực tế, phương pháp giảng dạy và nội dung giáo trình (SGK- PV) hiện hành còn khô cứng, nặng nề về tính học thuộc lòng, học vẹt, tính trải nghiệm, thực tế điền dã quá ít… đã khiến HS chưa nhận thức tầm quan trọng của môn học này trong đời sống của mỗi con người. “Lịch sử là môn khoa học phản ánh đầy đủ mọi phương diện về chính trị, kinh tế - văn hóa- xã hội, quân sự, nhân vật lịch sử, biểu cảm lịch sử của từng giai đoạn lịch sử. Người thông tường lịch sử, địa lý là những người rất trí tuệ…”- ông Thiện bày tỏ suy nghĩ.

Quyết liệt đổi mới phương pháp dạy - học

Để học sinh yêu và đam mê môn Sử, theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, cần nhanh chóng đổi mới phương pháp, giáo trình giảng dạy đối với môn học này. “Theo đó, nội dung chương trình giảng dạy phải tính toán cho được trong một bài giảng thì kiến thức chung bao nhiêu %, kiến thức trải nghiệm bao nhiêu %, kiến thức điền dã thực tế bao nhiêu %. Tôi đơn cử ví dụ, một bài giảng về câu chuyện, sự kiện lịch sử được giới hạn trong 45 phút thì 10 phút là kiến thức chung, 10 phút giới thiệu tổng quan về câu chuyện, sự kiện lịch sử, 10 phút minh họa hình ảnh trực quan, 10 phút dành cho việc trải nghiệm thực tế thông qua trình chiếu phim, hình ảnh tư liệu hoặc slide liên quan đến nội dung sự kiện, chuyên đề học và 5 phút còn lại dành cho hỏi- đáp, tương tác, phản biện giữa thầy-trò”. Cũng theo ông Thiện, phải đổi mới cho bằng được chương trình, nội dung và phương pháp dạy-học để làm sao giúp học trò nhận thức đây là môn học cơ bản, cung cấp kiến thức nền tảng, là “vốn sống” cho mỗi HS trong hành trang bước vào đời sau này. “Phải làm sao để Lịch sử trở thành môn tự giác học của mỗi học sinh ngay từ khi bước vào lớp 1”- ông Thiện trăn trở bày tỏ suy nghĩ.

Liên quan đến chủ trương của Bộ GD-ĐT khi để môn Lịch sử là môn tự chọn trong chương trình GDPT mới đối với bậc THPT, bắt đầu triển khai trong năm học tới đây, ông Thiện bày tỏ sự bức xúc: “Khi đưa ra quyết định đây là môn tự chọn đối với HS THPT, theo tôi, Bộ GD-ĐT phải có cuộc điều tra xã hội học đánh giá xem kiến thức mà HS bậc tiểu học, THCS tiếp thu, hấp thụ, cập nhật như thế nào. Thực tế, các em đã tiếp thu được tất cả kiến thức cơ bản, nền tảng của bộ môn này chưa? Nhận định của lãnh đạo Bộ rằng ở 2 bậc này các em được học các kiến thức cơ bản, toàn diện về môn Lịch sử là chưa có căn cứ”.

Được tập huấn về chương trình SGK mới đối với môn Lịch sử lớp 10 sắp triển khai trong năm học tới, thầy Hà Thúc Quang cho biết, chương trình SGK lớp 10 theo CTGDPT mới rèn luyện tốt kỹ năng kiến thức của HS; nội dung được thiết kế theo hệ thống các chủ đề, chuyên đề, học tập có tính chất chuyên sâu, kênh hình, hệ thống bài tập v.v… tốt hơn so với chương trình hiện hành. Theo đó, nếu để môn Lịch sử vẫn là môn độc lập, bắt buộc như hiện nay thì việc giảng dạy theo chương trình SGK mới này sẽ cải thiện rất nhiều tình hình dạy-học môn Lịch sử. Song hành với nội dung chương trình SGK mới đã được đổi mới, thầy Quang cho rằng, để HS thực sự yêu, đam mê môn Sử thì cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy- học với môn học này. Cụ thể, chú trọng kiểm tra đánh giá toàn diện quá trình tiếp thu kiến thức của HS, tạo điều kiện cho các em được tự đánh giá dưới các hình thức khác nhau theo nhóm học. Cần áp dụng các cách thức dạy- học khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả như: áp dụng CNTT, hệ thống phần mềm để giảng dạy; khai thác hiệu quả kênh hình, đồ dùng dạy học, sử dụng phim và đầu tư nguồn sử liệu để bổ trợ thêm cho SGK; cần chuyển dạy-học theo kiểu đối phó để thi cử sang học để hiểu biết lịch sử, hiểu biết xã hội, hiểu biết về quá khứ, hiện tại, về những vùng đất, con người, nền văn hóa, văn minh dân tộc và nhân loại…; cập nhật thông tin thời sự để giúp cho bài học lịch sử có tính liên hệ với thực tế. Song hành cùng đó, GV cần tăng cường giảng bài theo hướng sinh động, hấp dẫn, biểu cảm… “Đứng trên bục giảng mà người dạy không biểu cảm, không cảm xúc thì làm sao truyền cảm hứng đến người học. Để tạo ra biểu cảm tương tác với HS trong giờ học Lịch sử là không hề đơn giản, phụ thuộc vào kỹ năng của người thầy... Ngoài ra, cần coi trọng tính tương tác giữa thầy-trò, đề cao tính phản biện của HS; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tiếp cận với các nhân vật lịch sử còn sống, đừng để việc dạy-học Sử dừng lại trên những trang sách”- thầy Hà Thúc Quang chia sẻ suy nghĩ.

Một số giáo viên dạy Lịch sử trên địa bàn TP cho rằng, trong nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận giáo viên dạy Lịch sử chưa thể toàn tâm, toàn ý đổi mới phương pháp dạy học đối với môn học này chính vì bị áp lực bởi chương trình hiện hành cùng cách đánh giá, thi cử hiện nay. Vì vậy, cần thiết đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, thi cử. Làm thế nào đó để HS khi học môn Sử là học để hiểu biết, nắm căn bản Lịch sử Việt Nam và thế giới, học để trở thành một công dân tốt, giàu lòng yêu nước, yêu dân tộc, chớ không phải học để đối phó thi cử như hiện nay.

Trả lại đúng vai trò, vị trí môn Lịch sử trong CTGDPT mới là tâm nguyện thiết tha không chỉ của những giáo viên dạy Sử mà còn của những người làm công tác nghiên cứu trên lĩnh vực khoa học lịch sử và toàn xã hội. Cần xác định vị trí đặc biệt quan trọng của môn học này trong CTGDPT mới đúng tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và đúng tinh thần Nghị quyết số 113 đã được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2015.

P.THỦY