Để mỹ thuật Đà Nẵng đến gần hơn với công chúng

Thứ tư, 18/12/2013 09:37

(Cadn.com.vn) - Sáng nay (18-12), Hội Mỹ thuật TP  Đà Nẵng tổ  chức  Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2013-2018, nhằm đánh giá các hoạt động mỹ  thuật nhiệm kỳ 2007-2013, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới. Trong đó, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, là cần sớm có một nơi trưng bày cố định, thường xuyên để các tác phẩm mỹ thuật có thể đến gần hơn với công chúng.

Một phòng triển lãm mỹ thuật tại Đà Nẵng.

Trong 5 năm qua, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng đã có 35 cuộc triển lãm trong và ngoài nước, do Hội và cá nhân thực hiện, bình quân mỗi năm có 5 cuộc triển lãm. Trong đó có nhiều cuộc triển lãm với quy mô lớn thu hút sự quan tâm của công chúng như: Triển lãm “Mỹ thuật Đà Nẵng 1975 – 2010” , “Mỹ thuật Đà Nẵng 1997–2011”. Bên cạnh đó, các hội viên cũng tham gia sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật theo những chủ đề lớn như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long” do Cục Mỹ thuật và  Nhiếp ảnh Bộ Văn hóa phát động năm 2008; “Lực lượng vũ trang- Chiến tranh Cách mạng” do Tổng cục Chính trị-Bộ Quốc phòng tổ chức...

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ  thuật TP Đà Nẵng cho biết: “Đáng chú ý, trong những năm qua, việc thâm nhập thực tế là một hoạt động rất được chú trọng, nên các hội viên Hội Mỹ thuật  đã ý thức và tham gia các đợt thực tế do Bộ Quốc phòng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Liên hiệp các Hội VHNT  TP Đà Nẵng tổ chức tại Hà Nội, Nha Trang, Tam Đảo, Đại Lải, Vũng Tàu, Đà Lạt... Cụ thể, trong năm 2009, nhận lời mời của Hội Mỹ thuật nước CHDCND Lào, Hội  Mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức Đoàn họa sĩ gồm 5 hội viên đi thực tế và hoạt động giao lưu với các họa sĩ Lào, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền vững hai nước Việt–Lào. Trong năm 2012, Liên hiệp Hội có tổ chức thực tế theo chủ đề “Hành trình theo chân Bác” qua các tỉnh Quảng Tây như Quế Lâm, Liễu Châu, Long Châu... và phát động thực tế dài ngày tại các vùng nông thôn của H.Hòa Vang. Qua đó, các hội viên đã thu thập được nhiều tư liệu, vốn sống, vận dụng để đưa vào sáng tác, nâng cao chất lượng các tác phẩm tham gia các cuộc trưng bày triển lãm và phục vụ quần chúng...”.

Lễ hội – tranh Tường Vinh.

Nhận xét về phong trào mỹ thuật Đà Nẵng, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định: “Có những nghệ sĩ lớn lên từ bản địa, có những người từ Nam ra,  Bắc vào. Tất cả đều muốn giữ một nét riêng của cội rễ, lại muốn làm rạng danh của mảnh đất có quá khứ oanh liệt và hào hùng. Lối vẽ tôn trọng hiện thực thị giác của Lê Đợi, Hoàng Đặng, Trần Nhơn đem lại những bối cảnh nửa thực nửa hư, có tính ấn tượng tình cảm hơn là mô tả. Dư Dư lại nhìn cảnh vật như một tổng thể kết cấu bằng các đường đan chéo luôn khép kín tâm tư. Tường Vinh bám vào hội lễ truyền thống đã tạo ra các bố cục nhiều hình và sôi động. Vũ Dương giản lược hình thể và thể hiện tính sầu bi tinh tế của sinh hoạt gia đình. Duy Ninh, Phan Ngọc Minh, Nguyễn Trọng Dũng là những họa sĩ biểu hiện trừu tượng. Lối vẽ này không quan trọng đối tượng vẽ ra, mà quan trọng ở sức truyền đạt tổng thể bức họa...”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, có mặt trong những cuộc triển lãm gần đây cũng cho rằng, chưa bao giờ tác phẩm của Đà Nẵng dồi dào và đa dạng đến thế. Điều này chứng tỏ bản lĩnh, sức sáng tạo đáng nể của các họa sĩ thành phố. Ông nói: “Để phát huy tối đa tiềm lực của lực lượng sáng tác mỹ thuật tại Đà Nẵng, cần tạo điều kiện để các họa sĩ được thể hiện nhiều hơn. Đây cũng là ước vọng của các họa sĩ Đà Nẵng. Nhưng trong điều kiện hiện nay, ước vọng chính đáng này không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều. Trước mắt, các họa sĩ cần một nơi trưng bày cố định, thường xuyên để các tác phẩm của họ có thể đến gần hơn với công chúng”.

Thuyền – tranh Duy Hối.

 Hướng đến nhiệm kỳ 2013-2018, Hội Mỹ thuật TP có kế hoạch định kỳ mỗi năm/ lần mời các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà lý luận phê bình mỹ thuật đến thăm và giao lưu với hội viên.  Định kỳ 2 năm một lần phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Mỹ thuật TPHCM và các sở, ban, ngành hữu quan, tổ chức thực tế sáng tác và triển lãm mỹ thuật, để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong công tác xây dựng hội cũng như nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho hội viên.

Qua đó giới thiệu được tác phẩm của hội viên đến với công chúng và tạo điều kiện cho hội viên có tiêu chuẩn để được kết nạp vào Hội thành phố và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Phối hợp với các cơ quan của thành phố, các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức giới thiệu, trưng bày triển lãm Mỹ thuật, triển lãm chuyên đề, triển lãm cá nhân mỗi năm từ 4 đến 5 cuộc, nhằm giới thiệu đến công chúng thành quả lao động sáng tạo của hội viên, đồng thời quảng bá hình ảnh của thành phố đến với du khách gần xa. Chú trọng đến công tác xã hội hóa, công tác phối hợp để tổ chức được nhiều hoạt  động mỹ thuật, phổ biến tác phẩm, thúc đẩy phong trào sôi nổi hơn...

P.M

Đến nay, Hội mỹ thuật TP Đà Nẵng có  59 hội viên. Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng có 25 hội viên. Những năm qua, Hội Mỹ thuật đã có nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định được vị thế của một đô thị lớn trên bản đồ mỹ thuật cả nước. Qua nhiều năm tham gia các cuộc Triển lãm khu vực và toàn quốc; lực lượng Mỹ thuật Đà Nẵng đã giành được nhiều giải thưởng cao, huy chương, bằng khen, tiêu biểu như:  Giải thưởng quốc gia: Giải thưởng Nhà Nước, Giải C Triển lãm Mỹ thuật Quân đội toàn quốc 2008, Huy chương Đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010; Giải thưởng khu vực: 10 giải gồm: 4 Giải C, 6 Giải Tặng thưởng; Giải thưởng VH-NT 5 năm thành phố  Đà Nẵng lần thứ II (2005-2009), đạt 8 giải, gồm: 3 giải B, 2 giải C, 3 giải Khuyến khích.  Năm 2012, nhà điêu khắc Phạm Hồng được trao Giải thưởng cấp Nhà nước.