Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII:

Đề nghị cho phép người đồng tính thực hiện quyền cơ bản của mình

Thứ sáu, 15/11/2013 12:09

(Cadn.com.vn) - Một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi - hôn nhân đồng tính – đã được các đại biểu (ĐB) đề cập cởi mở chiều 14-11 tại tổ, khi thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).

Đề nghị bỏ quy định cấm hôn nhân đồng tính

Đa số các ĐB tán thành với sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành; đáp ứng kịp thời yêu cầu khách quan của thực tiễn đời sống xã hội. Đồng thời dự án luật cũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Liên quan đến quy định tuổi kết hôn, các ĐB Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng quy định của dự án luật về điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ phải “đủ 18 tuổi trở lên” là phù hợp với thực tế hiện nay. ĐB Dương phân tích: “18 là độ tuổi trưởng thành, đảm bảo về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, người nam đã phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật. Quy định như dự án luật sẽ bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ”.

Xung quanh quy định về việc mang thai hộ, các ĐB Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa), Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) tán thành với việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, các ĐB cho rằng dự án luật cần quy định chặt chẽ, cụ thể vấn đề này.

Quy định về việc kết hôn giữa hai người đồng tính cũng được nhiều đại biểu quan tâm góp ý kiến. Các đại biểu nhất trí với việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nhằm giúp những người đồng tính thực hiện quyền cơ bản của mình; giảm thiểu sự phân biệt kỳ thị đối với những người cùng giới. Bên cạnh đó, một số nước trên thế giới cũng đã thừa nhận việc chung sống vợ chồng giữa những người cùng giới tính – ĐB Huỳnh Tuấn Dương nói.

Cũng trong buổi chiều, các ĐB đã thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Kiện toàn nhân sự

Trước đó, sáng 14-11, với tỷ lệ 85,94% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nên giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Nên sinh ngày 14-7-1957, quê ở Tây Ninh, là Ủy viên T.Ư Đảng khóa XI; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; hiện là Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo T.Ư.

Cũng trong buổi sáng 14-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc Tờ trình báo cáo Quốc hội về kiện toàn nhân sự UBTVQH và một số Ủy ban của QH. Theo Tờ trình, việc kiện toàn nhân sự đã được QH quyết định từ kỳ họp thứ nhất. Tuy nhiên, do tại kỳ họp thứ nhất, nhân sự Ủy viên UBTVQH và Ủy ban Pháp luật vẫn còn thiếu 1 người, nay cần bổ sung cho đủ. Do đó, UBTVQH báo cáo QH kiện toàn nhân sự Ủy viên UBTVQH (chức vụ Trưởng ban Dân nguyện là Thành viên UBTVQH nay còn thiếu) và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bằng nguồn nhân sự tại chỗ đã được quy hoạch.

UBTVQH cũng báo cáo Quốc hội cho phép tăng thêm nhân sự là 1 Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; 1 Phó Chủ nhiệm các Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng; 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại và 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Các nhân sự này được quy hoạch và dự kiến bổ nhiệm từ nguồn tại chỗ, đáp ứng yêu cầu công việc của các Ủy ban hiện nay.  

B.T

4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

Sáng 14-11, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại Kỳ họp thứ 6 sẽ có 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình. Theo thông lệ tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ có báo cáo về những vấn đề nổi lên được tập hợp qua nội dung các vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn và Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời các câu hỏi của ĐBQH. Theo tổng hợp, các câu hỏi gửi tới Thủ tướng Chính phủ chủ yếu là về vấn đề kinh tế. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 3 ngày (19, 20, và 21-11).

Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo giới ngày 14-11.