Đề nghị quy định rõ hơn về đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính hải đảo
(Cadn.com.vn) - Ngày 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thảo luận dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP) thông qua truyền hình trực tuyến với Đoàn ĐBQH 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điểm cầu Đà Nẵng do ông Huỳnh Nghĩa, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì.
Dự thảo Luật TCCQĐP gồm 13 chương, 155 điều quy định về nguyên tắc tổ chức, cách thức phân định đơn vị hành chính, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.
Ông Huỳnh Nghĩa chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. |
Tại hội nghị, các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến, tập trung vào 7 nhóm nội dung của dự thảo Luật. Ý kiến các ĐB đều thống nhất tên gọi dự thảo Luật là "Luật Tổ chức chính quyền địa phương". Về phạm vi điều chỉnh, ý kiến các ĐB thống nhất như dự thảo, đồng thời đề nghị quy định rõ hơn trong Luật về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn về chính quyền địa phương ở những đơn vị hành chính hải đảo. Về bố cục dự thảo, có ý kiến ĐB cho rằng bố cục chưa rõ ràng, khó theo dõi, chưa thuận tiện cho việc áp dụng đồng thời đề xuất nhiều phương án để đảm bảo tính hợp lý, tính khoa học hơn.
Về mô hình TCCQĐP, có ĐB đề nghị có sự phân biệt giữa mô hình TCCQĐP tại địa bàn đô thị và tại địa bàn nông thôn để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý tại từng địa bàn. Ý kiến khác lại đề nghị giữ nguyên mô hình như hiện nay, cấp nào cũng có HĐND và UBND, chỉ điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị. Nhiều ĐB đề nghị làm rõ hơn nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tính thống nhất của quyền lực Nhà nước.
Các ĐB đề nghị quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng đơn vị hành chính; làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND vì đây là những thiết chế quan trọng hợp thành cấp chính quyền địa phương; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và vai trò cá nhân của Chủ tịch UBND. Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong một số lĩnh vực như: ngân sách, xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, ý kiến các ĐB thống nhất điểm mới của dự thảo Luật là HĐND các cấp chỉ quyết định dự toán thu chi ngân sách cấp mình mà không quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, bổ sung quy định về HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của địa phương trong phạm vi được phân quyền.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định việc thành lập thôn, tổ dân phố theo đề nghị của UBND cùng cấp vì thôn, tổ dân phố không phải là một đơn vị hành chính, không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật TCCQĐP. Các ĐB cũng tham gia nhiều ý kiến đóng góp về cơ cấu tổ chức của HĐND, cơ cấu tổ chức của UBND về số lượng, tiêu chuẩn và tham gia góp ý về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...
Ý kiến các ĐB đã được UBTVQH ghi nhận, tiếp thu và nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
M.Hằng