Đề nghị tăng cường cho lực lượng kiểm ngư
Để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 13-9-2017, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi). Hội nghị do ông Nguyễn Thanh Quang-UVBTV Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì với sự tham dự của đại biểu các ngành, cơ quan liên quan.
Trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Thanh Quang. |
Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) gồm 9 chương, 110 điều, quy định về hoạt động thủy sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thủy sản, trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy sản. Góp ý đối với các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu (ĐB) Trịnh Quang Vinh (Chi cục Thủy sản) đề nghị bổ sung về giải thích từ ngữ đối với từ "GT" (tổng dung tích) vì tại khoản a, điểm 1, điều 47 về giấy phép khai thác thủy sản có nội dung này nhưng không giải thích thì người đọc khó hiểu đúng và thực hiện đúng. Góp ý về thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản (khoản 5, điều 43), ĐB Nguyễn Tống Khương (BĐBP TP) cho rằng quy định thời gian giao, cho thuê lần đầu là 30 năm, có thể gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm là quá dài vì cần xem xét trong những điều kiện khẩn cấp cần trưng dụng mặt nước biển để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai trên biển, do đó đề nghị điều chỉnh thời gian cho thuê lần đầu không quá 20 năm, tổng các lần gia hạn không quá 10 năm. Về thời hạn cấp giấy phép khai thác thủy sản, các ĐB Nguyễn Tống Khương, Trịnh Quang Vinh cho rằng quy định cấp lần đầu mức 60 tháng (điểm a, khoản 6, điều 47) là chưa phù hợp, chỉ nên quy định không quá 12 tháng vì điều kiện để được cấp giấy phép khai thác thủy sản là tàu phải có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (có giá trị trong 12 tháng). Góp ý về điều 83 quy định đối với tàu cá nước ngoài ra, vào cảng cá tại Việt Nam, ĐB Khương đề nghị cần phân biệt 2 loại: Đối với tàu cá nước ngoài lần đầu vào cảng cá Việt Nam, thuyền trưởng phải thông báo trước ít nhất 72 giờ cho đơn vị quản lý cảng cá và phải có giấy phép nhập cảnh. Đối với các tàu cá nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam, vào cảng cá để bán sản phẩm, mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm thì chỉ cần thông báo trước 12 giờ. Đại diện Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đề nghị quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của đơn vị quản lý cảng cá (điều 81) và đề nghị bổ sung quyền của đơn vị quản lý cảng cá về: Khai thác hạ tầng; không cho thuê, rời cảng đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành việc thu và nộp nghĩa vụ tài chính; xử lý, phối hợp giải quyết các vụ việc về TTATXH trong khu vực cảng cá...
Về một số nội dung khác, các ĐB đề nghị bổ sung chính sách đầu tư phát triển hoạt động thủy sản, đánh bắt thủy sản, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản và hiện đại hóa tàu cá. ĐB Lê Văn Quang (Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP) đề nghị tăng cường cho lực lượng kiểm ngư về phương tiện, con người và các chính sách hỗ trợ vì lực lượng này không chỉ bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn tham gia tích cực hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (điều 21), đa số các ĐB thống nhất phương án 1 là thành lập ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để địa phương chủ động trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho công bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Thanh Quang ghi nhận, cảm ơn các ý kiến đóng góp của các ĐB và cho biết Đoàn ĐBQH TP sẽ tiếp thu, tổng hợp và phát biểu góp ý tại kỳ họp Quốc hội, góp phần hoàn chỉnh dự thảo Luật.
K.T