Để nỗi đau không còn dai dẳng
(Cadn.com.vn) - Khi tôi đặt bút viết bài viết này cũng là lúc thế giới đang hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông". Ở Việt Nam, sự kiện được tổ chức vào ngày chủ nhật giữa tháng 11 hàng năm, nhằm giúp mỗi người dân nhìn lại bức tranh toàn cảnh về nỗi đau dai dẳng do TNGT để lại cho toàn xã hội.
Chạnh lòng những nỗi đau
5 năm trước, vụ chị Tăng Thị Ánh (47 tuổi, trú P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) bị xe ben cán chết trên đường Ngũ Hành Sơn, để lại 3 cháu nhỏ mồ côi. Ngày ấy, các con chị vừa phải đội khăn tang cho cha, lại thêm vành khăn trắng cho mẹ. Buổi sáng giữa tháng 4-2009, sau khi cho heo ăn xong, chị Ánh bê thúng bánh cuốn ra trước cổng Trường THPT Ngũ Hành Sơn bán cho học trò, thì tai họa ập đến. Chị còn ôm chặt rổ bánh nằm lăn trên vũng máu khi bị chiếc xe ben cán qua người.
Gia đình chị Ánh quê ở H. Hậu Lộc, Thanh Hóa. Năm 2001, chồng chị là anh Phạm Quang Tùng bị ngã chấn thương sọ não qua đời. Lo thuốc thang, ma chay cho chồng xong, chị cùng các con phải tha hương vào Đà Nẵng kiếm sống bằng nghề đi xin nước gạo nuôi heo và bán bánh cuốn dạo. Từ khi chị mất, cháu đầu là Phạm Thị Thúy, năm nay 22 tuổi cùng 2 em là Phạm Thị Nhung và Phạm Thị Thắm phải bươn chải đủ nghề rau cháo nuôi nhau và dành dụm trả tiền hàng chục triệu đồng mẹ vay ngân hàng trước khi qua đời.
Một vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi lái xe vừa xảy ra trên đường Nguyễn Hữu Thọ đầu tháng 11-2014. |
Cũng vì TNGT, hoàn cảnh gia đình chị Lê Thị Trang và anh Phạm Văn Châu, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu khiến bao người phải rơi nước mắt. Từ một chàng trai cường tráng, sau vụ TNGT cuối năm 2010, anh Châu liệt tứ chi, ngồi bất động trên xe lăn. Ngày anh gặp nạn, chị Trang chưa kết hôn với anh, nhưng chị vẫn quyết tâm sẽ cưới và lo cuộc sống cho anh cùng người mẹ chồng mù lòa, vẽ ra một "câu chuyện cổ tích" giữa đời thường. Vốn là cô công nhân dệt, Trang trọ gần nhà anh Châu rồi đem lòng thương yêu anh, nhưng quen nhau được vài tháng thì anh bị TNGT, nằm bất động gần tháng trời ở bệnh viện. Có lúc tưởng anh không qua khỏi, người mẹ khuỵu hẳn, chị Trang cũng sụp đổ theo. May thay, sau ca phẫu thuật ở cổ, anh Châu đã bước qua lưỡi hái tử thần và giữa năm 2012, hai người quyết định tổ chức đám cưới, làm mâm cơm đạm bạc mời người thân, bà con xóm giềng.
Ngày tháng cứ qua đi, bao gia đình, người thân của những nạn nhân bị TNGT vẫn phải cặm cụi bươn chải sống giữa đời, song nỗi đau của quá khứ vì TNGT cứ dai dẳng mãi. Không chỉ gia cảnh chị Ánh, chị Trang, ở Việt Nam, bình quân có gần 10.000 người chết mỗi năm do TNGT, để lại nỗi đau lớn cho xã hội...
Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra tải trọng xe trong năm 2014. |
Có tín hiệu vui, nhưng vẫn nhiều trăn trở
Nhằm kéo giảm TNGT, đầu năm 2014, Chính phủ, Ủy Ban ATGT quốc gia đã đặt ra tiêu chí: Nỗ lực phấn đấu giảm cả 3 tiêu chí về TNGT - số vụ, số người chết và người bị thương so với năm 2013 để các địa phương phấn đấu. Tại Đà Nẵng, công tác đảm bảo TTATGT tại Đà Nẵng được Thượng tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT đánh giá tổng thể: Năm qua, lực lượng CSGT đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo TTATGT, từ khâu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến công tác TTKS, xử lý vi phạm, nhất là các tuyến trọng điểm, những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT với nhiều chuyên đề, đợt cao điểm. Tín hiệu mừng nhất là TNGT năm 2004 giảm sâu cả 3 tiêu chí so với năm 2013, trong đó giảm 54 vụ, giảm 35 người chết và 31 người bị thương (từ đầu năm đến nay địa bàn xảy ra 161 vụ TNGT, làm chết 86 người, 147 người bị thương). "Đạt được kết quả đáng mừng này, bên cạnh tăng cường TTKS, xử lý vi phạm, đáng nói nhất phải kể đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, bởi đây là cách chuyển tải thông điệp đầu tiên đến mỗi người dân để họ có ý thức mỗi khi dắt chiếc xe nổ máy đi ra đường" - Thượng tá Lê Ngọc nói.
* Chiều 14-11, Ban ATGT Q.Cẩm Lệ đến thăm hỏi và tặng quà 7 gia đình nạn nhân bị TNGT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn; Đoàn viên thanh niên và Phụ nữ Đội CSGT CAQ Cẩm Lệ đi thăm và tặng quà cho 2 gia đình ở P.Hòa An và P.Hòa Thọ Đông có người thân chết và thương tật do TNGT. Đinh Nga |
Bên cạnh kết quả tích cực, Thượng tá Lê Ngọc cũng chia sẻ những trăn trở, rằng vẫn còn một số bộ phận người dân ý thức rất kém khi tham gia giao thông. Bởi qua phân tích, điều tra 156 vụ TNGT xảy ra thì có tới gần 50% số vụ người điều khiển phương tiện chấp hành Luật giao thông không nghiêm, như chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia, vượt đèn đỏ, không quan sát, đi không đúng phần đường, chuyển hướng sai quy định... Trong khi đó, tình trạng người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm (MBH) vẫn còn nhiều, nhất là các tuyến đường vùng ven, khu dân cư mới. Điều đó cho thấy, người dân đang đánh cược tính mạng của mình, vì đây là một trong những nguyên nhân có nguy cơ cao dẫn đến tử vong hoặc chấn thương sọ não nếu gặp TNGT. Theo lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115, trong số những ca cấp cứu nạn nhân gặp TNGT bị chấn thương sọ não thì có tới gần 70% là người điều khiển phương tiện không đội MBH. Còn nhớ, tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo TTATGT, TTĐT năm 2013, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP từng chia sẻ: "Lúc tham gia giao thông, trẻ em cấp mầm non, tiểu học thấy người lớn vi phạm đi không đúng phần đường, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, các cháu "rút thẻ đỏ" khiển trách ngay. Điều đó nói lên rằng, còn nhỏ nhưng các cháu đã rất có ý thức xây dựng văn hóa giao thông, thì người lớn cần phải nhìn lại mình".
Ở một phương diện khác, theo ông Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng, chất lượng xe cơ giới khi tham gia giao thông không đảm bảo các tiêu chí an toàn cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Qua hơn 17.500 lượt xe kiểm định lần 1 tại đơn vị kiểm định số 1 từ đầu năm đến nay thì có tới gần 4.600 lượt phương tiện không đạt tiêu chuẩn chung (chiếm trên 26%), trong đó cụm, hệ thống không đạt nhiều nhất là hệ thống phanh, chiếm 46.98%); hệ thống điện, đèn 42.73% và hệ thống lái 25.41%. "Đây là những cụm, hệ thống gây mất an toàn cao khi tham gia giao thông và hay để xảy ra những vụ TNGT đáng tiếc. Vậy nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ đơn vị, lái xe chưa nghiêm túc, xem thường sự an toàn", ông Hương nói.
Năm 2014, Chính phủ lấy chủ đề năm ATGT là "tăng cường quản lý hoạt động vận tải và siết chặt kiểm soát tải trọng xe", và tại Đà Nẵng, hoạt động cân tải trọng cũng đã được ngành giao thông triển khai thường xuyên từ đầu tháng 4 đến nay. Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở GTVT, qua kiểm tra trên 5.000 phương tiện của đội kiểm tra liên ngành, có 1.200 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng đã bị lập biên bản, xử lý. Dù đơn vị vận tải, lái xe biết nếu mắc lỗi sẽ bị phạt rất nặng, song vì lợi nhuận trong kinh doanh, họ vẫn cố phớt lờ luật pháp, trong đó có cả trăm trường hợp cơi nới thành thùng hàng, chở vượt tải từ 100% đến 300%.
Nếu nói rằng, văn hóa giao thông đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH và là tiêu chí đánh giá trình độ văn minh của một quốc gia trên đà phát triển, thì thực trạng văn hóa giao thông của Việt Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng vẫn còn nhiều điều trăn trở. Nhân sự kiện "Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT" năm nay, chúng tôi thiết nghĩ, mỗi người hãy nên trang bị ngay cho mình một ý thức chấp hành Luật giao thông, bởi thảm cảnh TNGT đang từng giờ, từng ngày đe dọa cuộc sống, tương lai của mỗi người...".
Công Hạnh