Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII:

Đề phòng việc xã hội hóa các công trình quan trọng

Thứ ba, 26/05/2015 08:04

(Cadn.com.vn) - Chiều 25-5, Quốc hội thảo luận ở tổ, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015; Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013.

Làm rõ vấn đề đóng mới tàu sắt cho ngư dân

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thống nhất 8 nhiệm vụ, giải pháp mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã báo cáo. Đồng thời, ĐB đề nghị cần tăng cường quản lý ngân sách quốc gia, đẩy mạnh quản lý lĩnh vực đầu tư công nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm; cần có chính sách cụ thể, mạnh mẽ xây dựng nông thôn mới, tập trung cải cách hành chính, tinh giảm biên chế; đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, nhất là tình trạng giàu lên bất thường, tài sản bất minh.

ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, vì việc triển khai Nghị định này rất chậm và quá nhiều vướng mắc, đến nay trên cả nước thì các ngân hàng thương mại mới ký hợp đồng tín dụng cho 31 tàu với 271 tỷ đồng và dư nợ cho vay thực tế mới 72 tỷ đồng.

Cũng đề cập vấn đề này, Trung tướng, Chính ủy Tổng Cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề đóng mới tàu sắt cho ngư dân. Cho đến nay vẫn chưa có được chiếc tàu sắt nào thì thiếu sót thuộc về ai và ai là người phải chịu trách nhiệm? ĐB Lê Văn Hoàng đề nghị Chính phủ cần dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho biển Đông, nghiên cứu chương trình dân sự hóa Trường Sa, đồng thời cần quyết liệt tạo cơ chế, chính sách cho bà con ngư dân đóng mới tàu sắt.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị cần lưu ý hai vấn đề cơ bản là sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, cả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu, giá nông sản giảm nhưng chi phí sản xuất không giảm khiến nông dân gặp khó khăn; tình hình nhập siêu đang trở lại với tốc độ cao, 4 tháng đầu năm nhập siêu tương đương 6% kim ngạch xuất khẩu, vượt ngưỡng 5% do Quốc hội đề ra.

Cũng đề cập đến vấn đề nông sản, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, việc thương lái nước ngoài có mặt trên khắp đất nước với tư cách là khách du lịch và vô tư mua hàng trực tiếp tại cơ sở không phải mới xảy ra mà đã được báo chí đánh động ít nhất từ năm 2009. Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 năm 2012, đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn.

Tuy nhiên mãi đến ngày 12-3-2014, Bộ Công Thương mới có công văn gửi các Sở Công Thương địa phương yêu cầu báo cáo hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản của nước ngoài trên địa bàn là quá chậm. Nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam hầu như hoàn toàn bị thao túng và chịu phần thiệt. ĐB cho rằng, trong việc thiệt thòi này đã đành là có trách nhiệm của người nông dân, nhưng vấn đề là vai trò quản lý Nhà nước ở chỗ nào và người đứng đầu ngành công thương có làm tròn trách nhiệm của mình không?

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu tại buổi thảo luận.

Nguy cơ sân bay, bến cảng bị thao túng

Về vấn đề phát triển nông nghiệp, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng: Nền nông nghiệp trong nước không thích nghi được hội nhập, chúng ta bán cái chúng ta có mà chưa bán cái người ta cần  “Nông dân đang làm theo phong trào. Ví dụ, vấn đề bỏ mọi thứ để đi trồng cây mắc ca. Chúng ta cứ để nhân dân làm cái gì cũng phong trào tự phát hết. Cái này đề nghị cần mổ xẻ kỹ để có chính sách cho nông nghiệp”, ĐB Lịch nói.

Đánh giá KT-XH 2014 và đầu năm 2015, ông Huỳnh Thành Lập (Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM) lo ngại về nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm (nhập siêu 3 tỷ USD); tăng trưởng XNK chủ yếu là doanh nghiệp (DN) nước ngoài chi phối; DN trong nước nhập siêu gấp 4 lần so với cùng kỳ 2014. Vì sao xuất khẩu nông sản, khoáng sản nhiêu liệu giảm sút, tăng trưởng ở mức thấp? Đáng quan tâm nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá, kinh tế vĩ mô của chúng ta chưa vững chắc. “Vấn đề nhập siêu đang gây áp lực về tỉ giá, ảnh hưởng đến niềm tin vào đồng tiền Việt Nam. Điều này sẽ dẫn đến mất kiểm soát tiền tệ. Trong khi đó, đóng góp của DN tư nhân và nhân dân giảm, đóng góp của FDI lại tăng. Điều này chứng tỏ, thiếu tính tự chủ của nền kinh tế”, ĐB Ngân bình luận. Ngoài ra, ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích, nền kinh tế nông nghiệp tăng trưởng đã thấp mà còn thiếu ổn định. “Vì vậy, đề nghị QH kỳ này nên có Nghị quyết về tam nông. Vấn đề công nghiệp hóa, tri thức hóa nền nông nghiệp Việt Nam là điều đáng được quan tâm hàng đầu. Cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp vì ngành nông nghiệp đang gặp nhiều hạn chế. Chưa biết chừng sẽ có lúc chúng ta lại đi nhập lương thực, thực phẩm”, ĐB Ngân nói.

Đặc biệt, ĐB Trần Du Lịch, cảnh báo: “Tôi cảnh báo chủ trương xã hội hóa bến cảng, sân bay, nhà ga, đường sá... Chủ trương thì đúng nhưng dường như một số doanh nghiệp trong nước đang muốn quản lý, kiểm soát các công trình đó. Nó nôm na là anh đi vay tiền để làm chuyện này. Đề nghị Chính phủ kiểm soát kỹ vấn đề này, chúng ta không thể để tiền tín dụng ngân hàng chạy đi mua sân bay. Tiền đó phải để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chứ không chỉ để anh dùng tiền ngân hàng để kiểm soát sân bay, bến cảng, đường sá được. Chúng ta chỉ khuyến khích anh mua nhưng anh phải bỏ tiền của anh ra. Tôi đề nghị Chính phủ cần phải quan tâm đặc biệt, khuyến khích anh mua nhưng phải là tiền thật của anh”, ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.

l Trước đó, sáng 25-5, các đại biểu làm việc tại Hội trường nghe tờ trình dự án Luật thống kê (sửa đổi) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Báo cáo trước QH vào sáng 25-5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, Luật Thống kê năm 2003 đã bộc lộ bất cập với thực tiễn. Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) được sửa đổi lần này, bổ sung căn bản, toàn diện, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sửa đổi những quy định hiện hành còn có hạn chế, không thống nhất, không phù hợp với thực tế.

Về dự thảo Luật ATVSLĐ, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cùng nhiều ĐB khác cho rằng: “Cần quy định trách nhiệm của các bộ ngành, các cấp trong vấn đề bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động; phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý ATVSLĐ. Theo ĐB, hiện nay trách nhiệm đang còn đùn đẩy giữa các bộ. ĐB Trần Xuân Vinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề nghị: “Dự thảo luật nên quy định chỉ những người lao động nước ngoài đã được đào tạo, có chứng chỉ ngành nghề, vào làm việc được Việt Nam cấp phép thì mới được nhận hỗ trợ. Ngoài ra, đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với hành vi cố tình không hỗ trợ, không bồi thường cho người lao động bị tai nạn.

Phạm Hữu Hoa – Lê Hoàng Sa