Để văn học trẻ đứng vững trong lòng độc giả

Thứ hai, 14/08/2017 14:59

Hiện nay, dạo quanh các nhà sách tại một số thành phố, nhất là TP Hồ Chí Minh, người đọc dễ dàng nhận ra khu vực bày bán sách Văn học Việt Nam của những tác giả trẻ, được quen gọi thế hệ 8x, 9x và 10x. Hầu hết đây là những tản văn nhẹ nhàng, mẫu chuyện đời thường rất chân thực liên quan đến các bạn trẻ ở độ tuổi học sinh cấp 3, sinh viên, nhân viên văn phòng... Xuất thân của những tác giả trẻ này cũng khá đa dạng, có tác giả với năng khiếu văn chương, khi tham gia vào mạng xã hội đã nhanh chóng trở thành "hiện tượng" văn học trong lòng giới trẻ. Hoặc có những tác giả rất đa tài, năng nổ trong nhiều lĩnh vực khác như làm MC, viết kịch bản, ca sĩ... chiếm được nhiều cảm tình của các bạn trẻ. Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh, được nhắc đến nhiều nhất là tản văn "Buồn làm sao buông" của tác giả Anh Khang. Mặc dù đã xuất bản từ năm 2014, đến nay đã có hơn 70.000 bản sách được in và bày bán. Cơn sốt "Buồn làm sao buông" với nội dung và câu từ đã trở thành một hiện tượng, "kim chỉ nam" cho các bạn trẻ khi gặp trắc trở chuyện tình cảm lứa đôi. Thêm vào đó, các tác giả trẻ ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi và đa dạng cách tiếp cận bạn đọc của mình. Theo ghi nhận, nhiều cây viết trẻ đã khai thác sâu, đậm những nội dung rất gần gũi, gắn liền với đời sống tình cảm, tinh thần của giới trẻ hiện nay và biết cách "chăm sóc" độc giả của mình từ ngoài đời cho đến trang mạng xã hội...

Đánh giá chung về văn học trẻ hiện nay, các nhà phê bình văn học cho rằng, các bạn trẻ đang dần khẳng định tên tuổi của mình trong lòng bạn đọc. Do vậy, văn học trẻ với những thay da đổi thịt ít, nhiều đã tạo được dấu ấn rất tích cực trong làng văn chương hiện đại. Song, bên cạnh mặt tích cực, có thể nhận ra, một số tác giả trẻ đã quá trau chuốt cho hình ảnh bên ngoài, số lượng sách ấn hành mà chưa dành nhiều thời gian để tập trung trau chuốt nội dung, chất lượng của một tác phẩm văn học. Giới phê bình văn học đánh giá, có một bộ phận tác giả trẻ tập trung viết quá nhiều vào đề tài tình yêu đôi lứa, đổ vỡ của tình đầu; một số vẫn sa đà vào lối văn chương truyền thống, thiếu sáng tạo... mà chưa chịu khó tìm tòi và áp dụng các thủ pháp hiện đại. Dường như trong dòng văn chương hiện nay đang thiếu những cảm xúc vui vẻ, rộn ràng và tin yêu của tuổi trẻ, nhưng lại thừa thãi những buồn chán, thất vọng và cô đơn... Mặc dù văn học luôn cần hướng đến những vết thương riêng, những nỗi đau riêng, tuy nhiên mọi thứ cần có liều lượng và những yêu cầu khắt khe của riêng nó.

Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang cho rằng, nhà văn là người tạo ra tác phẩm, nhưng nhà văn lớn là người tạo ra độc giả. Sự tôn trọng duy nhất mà nhà văn dành cho độc giả chính là sự khó chịu, là những đòi hỏi không bao giờ được thấp hơn thị hiếu của độc giả. Trước tác phẩm của bạn, có thể lớp độc giả ấy chưa xuất hiện, nhưng sau tác phẩm của bạn, lớp độc giả ấy được hình thành. Bạn phải luôn đòi hỏi bản thân cao hơn, bước qua những giới hạn của chính mình và cùng lúc đó bạn nâng tầm độc giả lên... Rồi dần dần, tác phẩm đó sẽ trở thành lạc hậu và dọn đường cho một tác phẩm khác.

Theo ông Trần Xuân Tiến, giảng viên Trường Đại học Văn Hiến, người viết trẻ cần ý thức hơn những sản phẩm của mình thông qua những phản hồi của độc giả lẫn các nhà phê bình văn học. Không thể cứ mãi dựa dẫm vào hai chữ "giải trí" để tự cho phép mình cái quyền làm nhạt nhòa dần những giá trị cốt lõi của văn chương như giá trị thẩm mỹ, giá trị nhận thức... Nếu cứ giữ mãi "một màu" như hiện tại, các tác phẩm văn chương trẻ sẽ làm hạ thấp dần phông nền của văn hóa đại chúng vốn đã chịu nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận. Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, cho rằng, văn chương tạo ra bằng cảm xúc và ngôn từ. Kiến thức phong phú chưa bằng tri thức thông thường. Văn chương là từ cái tôi mà ra, dẫu biết rằng áp lực xuất bản được sách hay không là rất lớn khi phải đưa ra cái thị trường cần. Tuy nhiên, cái tôi vẫn là chủ đạo phải đưa ra khỏi thị trường để có sự cân đối. Các bạn trẻ hiện giờ có kiến thức văn chương cực kỳ phong phú bài bản, do tiếp cận hầu hết nền văn hóa các nước mà thế hệ tôi trước đây rất khó tiếp cận. Không ai cấm đoán tự do sáng tác nhưng cần điều chỉnh cái tôi của mình như thế nào cho phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.

G.T