Để xảy ra dịch bệnh tại cơ sở của mình, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm

Thứ năm, 27/05/2021 07:05

* Thiết lập các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra, vào TP

* Từ 6 giờ ngày 28-5, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, grap, shipper… được phép hoạt động trở lại

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên, do tình hình tại một số địa phương đang rất phức tạp nên từ 6 giờ ngày 28-5, Đà Nẵng chỉ cho phép hoạt động trở lại đối với xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe máy, xe mô tô công nghệ; còn các hoạt động khác như quán ăn, uống phục vụ tại chỗ vẫn phải tạm dừng cho đến khi có thông báo mới.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo cuộc họp.

Thông tin trên được Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Đà Nẵng thống nhất tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị, địa phương trong chiều 26-5. 

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, trong 24 ngày triển khai phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Đà Nẵng có những kết quả nhất định, đặc biệt 8 ngày liên tiếp gần đây không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong đó ngày 26-5 không phát hiện ca nhiễm mới. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, đến thời điểm này, TP vẫn chưa có đủ cơ sở để khẳng định địa bàn TP đã sạch các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tổng thể tình hình dịch bệnh tại các địa phương trong nước đang diễn biến rất phức tạp, nhất là sự bùng phát của các ổ dịch và số ca nhiễm mới rất lớn, và Đà Nẵng khó có thể nằm ngoài quy luật ấy. “Vừa qua, chúng ta có được kết quả ấy là do chúng ta quyết liệt, làm nhanh, làm sớm, nên bước đầu ngăn chặn được, tuy nhiên không ai có thể khẳng định được trong vài ngày tới lại không tiếp tục xảy ra các ca mắc mới trong cộng đồng”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nói. Cho biết nhấn mạnh điều này là để TP nhìn nhận một cách tổng thể hơn để đưa ra các giải pháp mới. Mặt khác, theo Bí thư Thành ủy, hiện nay, duy nhất chỉ Đà Nẵng có xu hướng nới lỏng, còn các địa phương khác đều có xu hướng siết chặt vào, kể cả các địa phương có số ca nhiễm ít. Do đó đề nghị BCĐ đánh giá tình hình, qua đó có cái nhìn tổng thể để triển khai các bước tiếp theo.

Cơ bản thống nhất với các nhận định và một số các biện pháp cụ thể của BCĐ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đồng thời đề nghị các địa phương tiến hành thiết lập các chốt kiểm soát ở các cửa ngõ ra vào TP (cả đường bộ, đường hàng không và các bến tàu). Lý do được đưa ra là bởi, trước đây TP vừa phải tập trung lực lượng cho công tác phòng, chống dịch trong nội đô; vừa phải căng mình cho các công tác bảo đảm ANTT cho bầu cử. Nhưng thời điểm này, không có nhiệm vụ nào quan trọng, cao hơn là nhiệm vụ chống dịch. “Đây là nhiệm vụ hàng đầu, còn tất cả các nhiệm vụ khác phải song hành thực hiện. Chúng ta đang muốn làm sạch bên trong nội đô TP thì chúng ta phải có những giải pháp cụ thể để hạn chế, ngăn ngừa việc xâm nhập từ bên ngoài vào. Phải có cả biện pháp bên trong và bên ngoài”, Bí thư Thành ủy nêu quan điểm. Về giải pháp, Bí thư Thành ủy đề nghị phải thay đổi phương thức khi kiểm soát người vào, người ra khỏi, đó là sử dụng công nghệ thay vì các giải pháp thủ công như trước đây. Cụ thể là thực hiện khai báo y tế bằng điện tử, quét mã QR; song song với đó là kiểm soát người đi từ vùng dịch về bằng các giải pháp công nghệ mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa từ xa.

Đồng tình với đề xuất tiếp tục siết chặt quản lý tại các khu cách ly tập trung, các khu vực phong tỏa, thực hiện linh hoạt các giải pháp về phong tỏa cứng, phong tỏa mềm theo tình hình thực tiễn. “Đây là bài học mà Đà Nẵng rút ra được từ 24 ngày qua, khi mà TP không thực hiện giãn cách toàn xã hội mà thực hiện các biện pháp phong tỏa như hiện nay đã đem lại hiệu quả nhất định”, Bí thư Thành ủy nói.

Liên quan đến xét nghiệm, Bí thư Thành ủy đề nghị cần đẩy nhanh tốc độ, hoàn thành việc xét nghiệm tại các khu công nghiệp (KCN), trong các nhà máy và đại diện cho 30% hộ gia đình tiếp theo. Trong đó, riêng KCN An Đồn, TP sẽ tiếp tục xét nghiệm lần 2, còn các KCN khác thì chủ các doanh nghiệp phải tự xét nghiệm cho công nhân của mình; đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh phát sinh, lây lan trong chính cơ sở của mình và cộng đồng. “TP đã làm sạch địa bàn tại các KCN rồi, giờ trách nhiệm giữ sạch, an toàn là do chủ các doanh nghiệp, vì vậy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Khi các KCN vỡ trận sẽ là một cuộc khủng hoảng, do đó phải giữ vững được mặt trận này. Không giữ được KCN là vỡ trận và hậu quả sẽ rất lớn”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nói…

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, Trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP nhìn nhận, kết quả đã đạt được là rất đáng mừng, nhưng điều này cũng rất dễ gây ra sự chủ quan, lơ là trong nhân dân. Vì vậy, chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, chủ động hơn nữa trong thực hiện các biện pháp đã làm. Trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác quản lý tại các khu cách ly, các KCN, nhà máy, xí nghiệp, nơi tập trung đông người. Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Công thương, Sở LĐ-TB-XH và các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các đơn vị, doanh nghiệp theo thẩm quyền. “Thống nhất từ 6 giờ ngày 28-5, TP sẽ cho xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe grap, shipper… hoạt động trở lại với điều kiện phải đảm bảo các an toàn về phòng, chống dịch bệnh, có giải pháp quản lý khi cần truy vết”, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh nói.

DOÃN HÙNG

Ngày thứ 8 Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

Theo Văn phòng UBND TP, trong 24 giờ qua, TP không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, và ngày 26-5 là ngày thứ 8 Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Tính từ 3-5 đến 26-5, Đà Nẵng ghi nhận 154 ca mắc Covid-19. Hiện 1.799 trường hợp F1 và 2.535 trường hợp F2 đang được cách ly, giám sát theo quy định. Tổng lượt người được xét nghiệm từ ngày 3-5 đến nay là 345.667; trong đó, riêng công nhân tại các KCN, đến chiều 26-5, có gần 39 ngàn người được lấy mẫu xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính.