Đề xuất đầu tư hơn 90.000 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo

Thứ tư, 14/07/2021 09:19

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 58, chiều 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình).

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Nỗ lực giảm nghèo bền vững 

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chương trình gồm 4 dự án và 11 tiểu dự án. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình: 90.260 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 50.000  tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu: 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 30.000 tỷ đồng); Ngân sách địa phương: 21.760 tỷ đồng (vốn đầu tư: 10.350 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 11.410 tỷ đồng); Huy động hợp pháp khác: 18.500 tỷ đồng (vốn đầu tư: 11.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 7.500 tỷ đồng). Chính phủ kiến nghị Quốc hội phê duyệt tổng kinh phí ở mức tối thiểu cho Chương trình theo Tờ trình của Chính phủ; giao Chính phủ hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để bổ sung cho Chương trình và có giải pháp huy động vốn ODA, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình.

Thẩm tra đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình nhưng đề nghị tên của Chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” để bảo đảm sự thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng Chương trình này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về công tác giảm nghèo bền vững đồng thời đề nghị đổi tên của Chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình tiếp tục tập trung đầu tư vào địa bàn nghèo, hộ nghèo, vừa giải quyết nghèo đa chiều về thu nhập và các chiều thiết hụt khác nhằm đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều hàng năm từ 1 - 1,5%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bố trí đủ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho Chương trình mà Chính phủ đã dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 20.000 tỷ đồng trên cơ sở đã bổ sung các nội dung bảo đảm thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, các chiều thiếu hụt của dịch vụ xã hội cơ bản... Ngoài ra, Chính phủ cần cân đối các nguồn lực riêng chăm lo cho người nghèo, cần đánh giá tiêu chí tính thêm nghèo đa chiều.

Nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế xã hội nông thôn

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 2025 (gọi tắt là Chương trình). Nội dung trọng tâm của Chương trình tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Mục tiêu đến năm 2025, cấp xã phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp huyện phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 

Về vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đưa ra hai phương án. Phương án 1 đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua, trong đó, mới cân đối bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng.

Phương án 2: Để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới đảm bảo bền vững, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ mới, tăng cường huy động sự đóng góp của xã hội... phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; theo ý kiến của đa số thành viên Chính phủ, nhu cầu vốn ngân sách Trung ương cần thiết bố trí cho Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 51.500 tỷ đồng, tăng 11.868 tỷ đồng so với Phương án 1.

Về phạm vi thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước, trong đó, địa bàn đầu tư: khoảng 6.516 xã và 594 đơn vị cấp huyện. Địa bàn đầu tư của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại (Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) khoảng 1.751 xã đặc biệt khó khăn (bao gồm: 1.551 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) và khoảng 70 huyện nghèo.

QUỲNH NHƯ – TTXVN