Đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển
Ngày 12-5, phát biểu thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; đồng thời góp ý một số nội dung trọng tâm.
Tại khoản 4, Điều 4 về thu nhập miễn thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển là một bước tiến tích cực trong việc khuyến khích đầu tư hoạt động này. Tuy nhiên, theo đại biểu, thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển công nghệ, chưa đủ sức tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng kéo dài tối đa không quá 5 năm.
Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kịp thời các chủ trương về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, đại biểu kiến nghị mở rộng đối tượng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần góp vốn, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; các dự án nghiên cứu tự triển khai của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bổ sung các nội dung: “Các khoản chi phí phát sinh từ hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu và đào tạo nhân sự cho doanh nghiệp mới thành lập được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế” vào khoản 1 Điều 9 của dự thảo luật, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp mới thành lập.
Về thuế suất quy định tại Điều 10, thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng dựa trên doanh thu, đại biểu cho rằng, cách tiếp cận này dựa trên doanh thu, chưa thực sự công bằng và không phù hợp với tình hình thực tế của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ cao.
Đối với các doanh nghiệp này, doanh thu chưa ổn định vì phần lớn doanh nghiệp thường phải chịu lỗ trong những năm đầu do chi phí đầu tư lớn, thường phải đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, thị trường và quản lý.
Việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi đạt ngưỡng lợi nhuận tối thiểu giúp giảm bớt áp lực tài chính, cho phép họ tập trung nguồn lực vào phát triển sản phẩm, dịch vụ và mở rộng thị trường. Đến khi doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khởi nghiệp và bắt đầu có lợi nhuận cao hơn, họ sẽ đóng góp đáng kể vào ngân sách thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác.
Do đó, đại biểu kiến nghị sửa đổi dự thảo theo hướng áp dụng thuế suất dựa trên lợi nhuận và bổ sung vào Điều 14 về miễn thuế, giảm thuế một khoản: “Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi đạt ngưỡng lợi nhuận trước thuế tối thiểu là 1 tỷ đồng. Thời gian miễn thuế không được vượt quá 3 năm kể từ khi thành lập, trừ các ngành nghề ưu tiên theo quy định của Chính phủ.”
Đồng thời kéo dài thời gian miễn thuế và bổ sung vào Điều 14 quy định: “Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn tối đa 5 năm đầu kể từ năm đầu tiên có lợi nhuận đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo và các ngành ưu tiên theo quy định của Chính phủ”.
Theo ĐNO