Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:

Đề xuất nhiều giải pháp phát triển KT-XH

Thứ ba, 09/06/2015 08:24

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ. Qua thảo luận đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và nhiều ý kiến khác thể hiện sự phấn khởi với kết quả sau 4 tháng đầu năm thực hiện, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, lo lắng.

Đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề phiên họp. Ảnh: TTXVN

Môi trường kinh tế “có vấn đề lớn”

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, sự phục hồi kinh tế hiện nay nhờ “uống thuốc khỏe”, mà chủ yếu là sự ứng phó thụ động tình huống suy thoái xảy ra, chứ chưa vận hành lành mạnh theo một lộ trình với những biện pháp chủ động, đồng bộ. Phục hồi chủ yếu vẫn chỉ là tăng trưởng số lượng, chưa thay đổi chất lượng và sức cạnh tranh. Cơ cấu và mô hình tăng trưởng cũ sau hai năm tái cơ cấu hầu như vẫn chưa có chuyển biến căn bản. Tình trạng mất cân đối giữa khu vực sản xuất nội địa và khu vực FDI ngày càng sâu sắc. Năng lực sản xuất khu vực doanh nghiệp nội địa vẫn yếu, gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm để trở lại tình trạng bình thường.

Trong khi đó, khu vực FDI tiếp tục tăng trưởng nhanh. Về nguyên tắc, việc gia tăng xuất khẩu từ nguồn FDI là xu hướng phổ biến và tích cực, song điều cần nhấn mạnh là sự gia tăng ấy phải trên nền tảng năng lực và hiệu quả phát triển của khu vực nội địa không ngừng tăng trưởng. Môi trường kinh tế trong nước đang có vấn đề lớn, việc phá sản, dừng hoạt động của doanh nghiệp nội địa tiếp tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, tỷ trọng khu vực FDI trong GDP không ngừng tăng nhanh, đặc biệt trong cơ cấu xuất nhập khẩu. Năm 2014, khu vực FDI chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu và hơn 65% kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.

Điểm bất cập lớn nhất là chất lượng xuất khẩu vẫn tập trung hàng nông sản sơ chế, trong khi đó lại nhập hàng trung gian nhiều, chủ yếu là linh kiện lắp ráp, phụ kiện gia công và đầu vào cơ bản cho nông nghiệp. Cơ cấu nhập khẩu như vậy chỉ để phục vụ một nền kinh tế thụ động, việc tham gia vào chuỗi giá trị mới của thế giới rất hạn chế, trình độ công nghệ sản xuất vẫn dưới mức trung bình của các nước. Trong khi đó, xuất khẩu hàng tiêu dùng nhiều, chủ yếu là hàng gia công dệt may, da giày.

Đến nay nợ xấu trong nền kinh tế lên đến hàng trăm ngàn tỷ, đã bị Cty Quản lý tài sản (VAMC) “bắt nhốt” lại. Nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Điều quan ngại là chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, vì qua gần 3 năm, VAMC mới bán được 2-3% nợ xấu thì bao giờ mới xử lý hết nợ xấu? Đến bao giờ thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp được giải phóng khỏi nợ xấu, để nhanh chóng phá tan được cục máu đông hàng trăm ngàn tỷ đồng để cứu vãn nền kinh tế hiện nay?

* Trước tình hình Biển Đông đang có những diễn biến ngày càng phức tạp, Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn, thay đổi thực trạng, xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, tại buổi thảo luận, các đại biểu khẳng định, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các quyết sách đã và đang thực hiện cho tới nay. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, đòi hỏi nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, đồng tâm nhất trí xây dựng tiềm lực quốc gia để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển... Trước hết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động xây dựng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ và thực thi pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không làm phức tạp thêm tình hình. Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường đấu tranh ngăn chặn các hành vi phi nghĩa của Trung Quốc ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, nợ công đang tăng ở mức độ cao đến 15-20%/năm trong một thập niên gần đây. Tỷ lệ nợ công trên GDP đang mấp mé vạch “đỏ” 65%. Nhưng nguy hiểm hơn là ở chỗ tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách đã vượt ngưỡng 25%, dự kiến đến năm 2015 sẽ chạm mức gần 30%. Đây chính là mối nguy trực tiếp và đáng lo ngại nhất cho nền kinh tế, là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay.

Về giải pháp, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu thay vì hướng sự quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng “thuần túy”. Tư duy lại phương pháp xử lý nợ xấu là phải theo nguyên lý thị trường, gắn với tình trạng thị trường bất động sản để tránh nguy cơ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu.

Tập trung giải quyết vấn đề nợ công không phải bằng cách buộc Chính phủ giảm đi vay mà bằng cách quản lý đầu tư công chặt chẽ, đúng pháp luật và có tầm nhìn. Tiếp cận chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, nâng cấp khu vực doanh nghiệp nội địa, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tạo kết nối với các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, đang tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm trên phạm vi toàn cầu. Cải cách Nhà nước để Nhà nước phục vụ doanh nghiệp.

Kiên trì nguyên tắc thị trường

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã góp ý cụ thể vào nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo điều hành trong những tháng còn lại của năm 2015. Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) đánh giá những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta đã có những đóng góp lớn cho việc phát triển đất nước nhưng vẫn còn khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng.

Để phát triển doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh lành mạnh và phân tầng doanh nghiệp; có cơ chế phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp. Trước yêu cầu hội nhập kinh tế, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận đầy đủ thông tin về các hiệp định, thị trường và khuyến khích lực lượng này bằng hình thức lấy một năm là Năm doanh nghiệp, doanh nhân - đại biểu đề xuất.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ 2015 và hoàn thành việc phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cơ bản đồng tình với 7 nhóm giải pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nỗ lực cải cách nhanh, mạnh mẽ và toàn diện về thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách theo nguyên tắc của kinh tế thị trường; hoàn thiện và bổ sung cơ chế chính sách để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện cho khối doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Ngoài những yếu tố về vốn, kỹ thuật, nhân lực, cần đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện về quỹ đất đủ lớn cho đầu tư sản xuất. Mặt khác, để tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015, đại biểu đề nghị: Cần tiếp tục xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. 

Đẩy nhanh tái cơ cấu nền nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đánh giá nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi, nhưng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, tăng trưởng nhiều năm liên tục suy giảm; tiêu thụ nông sản một số mặt hàng gặp nhiều khó khăn như: Gạo, cao su, trái cây. “Đây là điệp khúc của nhiều năm nhưng không có giải pháp khắc phục”- đại biểu đánh giá.

Phân tích những ảnh hưởng và tình hình trong giai đoạn tới, đại biểu Nguyễn Cao Phúc đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó tập trung giải quyết những vướng mắc hiện nay là công tác quy hoạch sản xuất. Cần xác định rõ lợi thế, thế mạnh, các sản phẩm của vùng, địa phương, quốc gia để chuyển dịch cơ cấu một cách hợp lý, bền vững; mở rộng quy mô và vận dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, giống, để nâng cao giá thành sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, làm bà đỡ cho nông dân trong việc mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

Đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) nhìn nhận tái cơ cấu nền nông nghiệp không chỉ là thay đổi phương thức tổ chức sản xuất mà mục tiêu quan trọng hơn là đa dạng hóa, nâng cấp sản phẩm, nâng cao giá trị, tổ chức tiêu thụ được sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy, tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ là nhiệm vụ, trọng trách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà đó là trách nhiệm của liên ngành.

Để đẩy nhanh tái cơ cấu nền nông nghiệp, đại biểu Trần Dương Tuấn đề nghị Chính phủ cần xem xét, chỉ đạo, có cơ chế phối hợp trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Chính phủ xem xét cho thành lập tổ công tác liên bộ để phối hợp trực tiếp giải quyết các vấn đề khó khăn, đặc biệt là đề xuất cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đại biểu cho rằng cần quan tâm tới các địa phương đã có đề án tốt đang tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng để nhân rộng mô hình...

Lo ngại trước thực tế nông dân làm theo phong trào, dẫn đến hàng hóa nông sản bị ế ẩm, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) đặt câu hỏi: “Vậy vai trò định hướng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương để đâu mà lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm”. Đại biểu Đương đề xuất tăng cường xuất khẩu hàng nông sản theo hướng mở rộng thị trường tiêu thụ, hợp tác mạnh mẽ với các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch. Trong sản xuất nông nghiệp, tìm nhu cầu thị trường để xác định địa chỉ tiêu thụ, từ đó ấn định quy mô sản xuất cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp.

Phạm Hữu Hoa – Thu Thủy

Lo lắng về kinh tế vì nhập siêu từ Trung Quốc

ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) lo lắng một vấn đề quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam trong các năm gần đây cho thấy, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng. Từ 12,4 tỷ USD năm 2010 lên 16,3 tỷ năm 2012. Tăng nhanh đến 29 tỷ USD trong năm 2014. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc đã tăng từ 28 tỷ USD năm 2010 lên 41 tỷ USD năm 2012, gần 59 tỷ USD năm 2014. Chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Nếu nhìn riêng ở số liệu xuất khẩu, năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đạt 14,9 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm. Nhưng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Việc mất cân đối rất lớn trong giao dịch thương mại với Trung Quốc là vì chúng ta đã nói nhiều, bàn nhiều nhưng chưa có một giải pháp hữu hiệu thật sự.

“Tôi muốn đề cập đến một vấn đề theo tôi là lớn hơn, nguy hiểm hơn tới nền kinh tế Việt Nam. Phát sinh sự chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu theo công bố của Tổng cục thống kê hai nước. Các số liệu này luôn chênh lệch từ trước tới nay, theo khuynh hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam, chỉ lấy riêng số liệu của năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc thì Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỷ USD, cao hơn trên 30% so với con số công bố của Tổng cục thống kê Việt Nam. Trung Quốc lại xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỷ USD, cao hơn đến 45% so với con số của Tổng cục thống kê Việt Nam. Có nghĩa là riêng năm 2014 thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỷ USD mà chúng ta công bố, một khoảng chênh lệch gần 15 tỷ USD, có nghĩa là nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, không chỉ là 30% theo con số công bố của ta”, ĐB Mai Hữu Tín đặt vấn đề.

Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, chi phí vận chuyển và bảo hiểm chiếm khoảng 6,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Với hai nước láng giềng có chung biên giới rất dài như Việt Nam và Trung Quốc thì chi phí vận chuyển và bảo hiểm thực tế không thể lớn hơn tỷ lệ 6,6% này được. “Do vậy, nếu Việt Nam ghi nhận 14,9 tỷ USD xuất khẩu cho Trung Quốc thì con số mà Trung Quốc ghi nhận nên vào khoảng 15,9 tỷ USD. Nhưng con số Trung Quốc ghi nhận lại là 19,9 tỷ USD, cao hơn khoảng 4 tỷ USD. Giữa hai nước còn có hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch ở biên giới không được ghi nhận đầy đủ và chắc chắn chiếm một phần trong khác biệt 4 tỷ USD này. Phần còn lại là gì? Chỉ có thể giải thích là phần lớn con số này đến từ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu lậu sang Trung Quốc. Tại sao có xuất khẩu lậu, trong khi chúng ta hết sức khuyến khích xuất khẩu? Hầu hết mặt hàng xuất khẩu chịu thuế suất xuất khẩu bằng 0 và nhà xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng. Lời giải thích hợp lý kế tiếp chỉ là, đó là các mặt hàng Việt Nam cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu phải chịu thuế. Đó là những mặt hàng nào? Theo tôi, đó là tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam”, ĐB Tín đặt câu hỏi .

Về nhập khẩu, ĐB Mai Hữu Tín cho biết, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc mà Việt Nam ghi nhận đã bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm, lẽ ra phải cao hơn giá trị Trung Quốc ghi nhận. Nhưng số liệu Việt Nam ghi nhận lại thấp hơn của Trung Quốc đến khoảng 20 tỷ USD chỉ trong năm 2014. Một con số khổng lồ.

“Nói rõ hơn, chỉ riêng năm 2014 chúng ta có con số hơn 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lọt vào lãnh thổ Việt Nam, không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam, tức không hề chịu thuế, không phải qua các hàng rào quản lý kỹ thuật của Việt Nam và tha hồ tung hoành, cạnh tranh không công bằng với hàng hóa từ các nguồn khác, nhất là hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Như vậy, nếu sử dụng số liệu xuất nhập khẩu chỉ riêng với Trung Quốc theo Tổng cục thống kê Trung Quốc để tính lại cán cân thương mại của Việt Nam với các nước thì chúng ta chưa từng xuất siêu trong các năm từ 2012 - 2014 như chúng ta đã công bố. Chúng ta vẫn tiếp tục nhập siêu trong hơn 20 năm qua với con số nhập siêu riêng cho năm 2014 lên đến khoảng 13 tỷ USD. Theo chúng tôi biết thì con số nhập siêu không chính thức này tiếp tục tăng rất nhanh trong những tháng đầu năm 2015 ngoài việc gây khó khăn, thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Việt Nam thì số lượng hàng nhập khẩu khổng lồ này chắc chắn gây áp lực lớn lên tỷ giá đồng tiền Việt Nam mà chúng ta đang hết sức cố gắng giữ ổn định” – ĐB Mai Hữu Tín nói.

Lê Hoàng Sa (ghi)