Đếm ngược thời gian

Thứ tư, 01/01/2014 09:05

(Cadn.com.vn) - Con dao nhọn lại cứa thêm một vệt thật sâu lên thân cột. Đã là cái vạch thứ 7, vậy là chỉ còn một tháng nữa tôi sẽ đón anh về. Ai đó ví von thời gian như bóng câu qua cửa, với tôi thời gian của sự đợi chờ dường như dài vô tận.

Chúng tôi cưới nhau vào tháng 4 âm lịch. Anh chỉ có vỏn vẹn một tháng về phép. Hết một tuần làm đám hỏi, sắm sanh lễ vật cho đám cưới. Nhà trai, nhà gái tiếng là chung một tỉnh mà cách xa gần trăm cây số. Tôi bị say xe, sau bữa rước dâu mất đến vài ngày đầu óc mới hết chòng chành. Bận chào hỏi họ mạc, quanh đi quẩn lại đã hết nửa cái phép. Thương vợ chân yếu tay mềm, chiều nào anh cũng tất bật lợp lại mái ngói, sửa lại nhà bếp, chẻ đống củi lớn sau nhà... Để rồi vợ chồng vừa mới bén hơi đã dùng dằng đưa tiễn. Trên đường ra ga tàu, tôi giấu mặt sau vai anh, mắt ướt nhòe.

Nhà chồng tôi làm nông, quanh năm bận việc đồng áng. Bố mẹ chỉ có mình anh nên thương con dâu còn hơn con gái. Biết tôi bén hơi chồng, tối tối mẹ chồng lại tỉ tê kể chuyện tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ của anh, đôi khi hai mẹ con mang ra cùng ngắm nghía, bình phẩm những tấm ảnh đã ngả màu chụp cậu con trai tinh nghịch từ lúc biết lẫy biết bò đến lúc biết cày bừa như bao trai tráng khác. Mỗi lần nhận thư anh, cả nhà cứ đọc đi đọc lại đến thuộc làu từng câu, từng chữ. Hay tin Tết này anh về, hàng xóm ghé chơi, bố mẹ chồng tôi cứ rộn ràng báo tin vui.

Đã sang tháng Chạp, mẹ chồng tôi đem nếp cái hoa vàng ra phơi, sàng sẩy kỹ rồi rang với cát đến khi nổ bỏng xòe hoa. Tôi lấy mật mía với mạch nha trộn nước nấu trên lửa liu riu cho đến khi sánh lại rồi trộn đều với bột bỏng nếp đã xay mịn, thêm chút gừng nướng chín thái mỏng, thả vào đậu phụng rang giã nhỏ, nhào cho thật dẻo. Nghe lời mẹ bảo, làm nhiều một chút để mang về đơn vị mời anh em. Trời lạnh thế này, ăn miếng chè lam, cái lạnh cũng bị xua đi trong thoáng chốc.

Canh giữ biên cương.

Anh là lính biên phòng, đơn vị đóng quân ở Tây Nguyên. Đang vào mùa rét, không biết áo có đủ ấm trên đường tuần tra? Tôi vừa nhen lửa vừa thả hồn mơ màng. Ước gì được chắp thêm đôi cánh, tôi sẽ bay đến bên anh, nắm thật chặt tay anh cùng dạo bước bên những vạt cúc quý vàng ruộm, cùng ngắm những đàn bướm đủ màu dập dờn bay trên những đóa cà-phê trắng ngần. Anh gọi điện về, đau đáu: “Rét quê mình có ngọt không em?”. Tôi dỗi hờn: “Còn xanh lắm, đã chín đâu mà ngọt hả anh”. Anh cười độ lượng, thầm thì: “Để anh gửi nắng về bên em nhé!”.

Cầm trên tay miếng chè lam, lại nhớ trước ngày xuất giá, mẹ tôi dành rất nhiều tâm huyết truyền cho con gái thành thạo nữ công gia chánh. Mẹ bảo, chỉ cần nhìn cách con dâu làm chè lam là mẹ chồng đủ biết cô ấy có nhẫn nại hay không. Người giữ lửa gia đình phải là người vén khéo, biết nâng niu trân trọng những giá trị cuộc sống. Cũng như vị ngọt bùi, thơm thảo của món chè này vậy.

Tình yêu của chúng tôi nồng đượm cùng hương vị chè lam. Hai năm trước, anh về quê tôi thăm nhà người đồng đội. Cũng vào độ cuối năm, trời rét đậm. Ngồi bên bếp lửa xay bột bỏng nếp, tôi cứ có cảm giác như có ai đang đăm đắm nhìn. Quay lại thấy một chàng lính trẻ nụ cười tươi với chiếc răng khểnh duyên duyên lạ. Mẹ tôi đãi khách bát nước chè xanh vàng óng cùng thanh chè lam mới nấu. Anh chưa nếm đã khen tấm tắc khiến đôi má tôi đỏ bừng.

Một tuần có 7 ngày, một ngày 24 giờ, một giờ 60 phút, một phút 60  giây, anh về phép Tết hơn nửa tháng, tôi sẽ tính toán thật chi ly để tiêu pha thật dè sẻn đến từng giây phút bên nhau. Anh sẽ chở tôi trên chiếc xe đạp vi vu trên triền đê để nghe gió kể về nỗi nhớ cồn cào, quặn thắt của người vợ trẻ lúc xa chồng. Chúng tôi sẽ lội xuống ruộng sâu cùng bắt cua đồng về nấu ngó sen. Hai vợ chồng sẽ thức trọn đêm canh nồi bánh chưng trong thời khắc giao thừa. Ngôi nhà này rồi sẽ ấm áp hơn với tiếng cười con trẻ. Đứa bé sẽ thừa hưởng lúm đồng tiền của mẹ và chiếc răng khểnh của cha...

Ngoài sân, những nụ hồng đang cựa mình rung cánh, như muốn cùng tôi đếm ngược thời gian, đón chờ xuân yêu đương đang tới.

Đỗ Thị Ngọc Diệp