Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ tài ba Huy Du

Thứ tư, 06/12/2017 11:25

"Đêm nhạc Huy Du - Việt Nam ơi! Ta bước tiếp" tôn vinh sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ tài ba Huy Du sẽ diễn ra tại Hà Nội tối 15-12. Đây cũng là chương trình âm nhạc đặc biệt nhân kỷ niệm 10 năm ngày ông ra đi về cõi vĩnh hằng (2007-2017). Chương trình do Nhà hát Tuổi trẻ (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam tổ chức. "Đêm nhạc Huy Du - Việt Nam ơi! Ta bước tiếp" sẽ gồm 22 ca khúc theo 5 chủ đề "Tổ khúc người lính", "Quê hương trong kháng chiến", "Khúc hát quân hành", "Khúc lãng mạn tình ca", "Bài ca chiến thắng". Trong đó, các ca khúc sẽ được dàn dựng, phối khí lại theo phong cách trẻ trung, mới mẻ, không cầu kỳ nhưng vẫn hấp dẫn, toát lên khí thế, cái hồn của tác phẩm. Nhạc sĩ Huy Du tên thật là Nguyễn Huy Du, bút danh Huy Cầm, sinh năm 1926 tại Hà Bắc (nay là Bắc Ninh). Từ nhỏ ông đã chơi đàn violin, thổi sáo trúc với những giai điệu dân ca ngọt ngào của vùng Kinh Bắc. Sau này, dù tiếp xúc với âm nhạc phương Tây, nhưng từng ca từ, giai điệu âm nhạc của ông vẫn mang đậm hồn dân tộc.

Nhạc sĩ Huy Du là nhạc sĩ quân đội, chuyên sáng tác những ca khúc cách mạng, bản hùng ca về người lính. Ông được mệnh danh là người thắp lửa cho các ca khúc cách mạng. Có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng của ông được nhiều thế hệ người Việt Nam biết đến như: "Đường chúng ta đi" (thơ Xuân Sách), "Nổi lửa lên em", "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát", "Cùng anh tiến quân trên đường dài" (thơ Xuân Sách), "Bế Văn Đàn sống mãi", "Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi"... Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm lãng mạn, trữ tình như "Chiều không em" (thơ Thụy Kha), "Tình em" (thơ Ngọc Sơn), "Có một thời", "Bạch Long Vĩ đảo quê hương"... cùng nhiều tác phẩm khí nhạc, nhạc phim và ca khúc thiếu nhi.

Nhạc sĩ Huy Du đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam gia tài gần 400 ca khúc, ca khúc hợp xướng, hợp xướng có dàn nhạc đệm và không có dàn nhạc đệm... Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về văn học nghệ thuật năm 2000 cho các tác phẩm "Bế Văn Đàn sống mãi", "Đường chúng ta đi", "Anh vẫn hành quân", "Cùng anh tiến quân trên đường dài", "Nổi lửa lên em".

T.P