Đèn lồng xuất ngoại

Thứ ba, 11/04/2017 09:23

(Cadn.com.vn) - Đèn lồng xưa nay được biết đến là một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mang tính sáng tạo của người dân Hội An (Quảng Nam). Nó không chỉ là sản phẩm du lịch nổi tiếng trong nước, mà còn xuất khẩu ra nhiều nơi trên thế giới.

Bảo tồn và phát huy di sản truyền thống

Những chiếc đèn lồng màu sắc lung linh được làm từ những chất liệu truyền thống như tre, gỗ, vải lụa, tơ tằm,... tuy mộc mạc dân dã, nhưng lại thu hút được sự quan tâm của khá nhiều du khách nước ngoài. Nắm bắt được điều này, ông Phạm Văn Hà (trú 72-Trần Nhân Tông, P. Cẩm Châu, TP Hội An) đã khôi phục và gây dựng lại ngành nghề truyền thống của gia đình nói riêng và người Hội An nói chung.

Ông Hà và những người góp sức đưa đèn lồng xuất ngoại.

Với vốn liếng ít ỏi được góp nhặt trong suốt thời gian theo nghiệp cơ khí, cùng với những máy móc thô sơ và đức tính cần mẫn, sáng tạo ông Hà đã kêu gọi nhân công lành nghề trong địa phương nghiên cứu và thành lập ra cơ sở sản xuất đèn lồng thương mại Hà Linh nổi tiếng đất Hội An. Lúc mới đi vào hoạt động, cơ sở chỉ sản xuất theo kiểu thủ công thông thường từ 5 đến 6 loại sản phẩm truyền thống, Các sản phẩm này được làm từ chất liệu dân gian,  mua ngoài thị trường về dán tạo thành những chiếc đèn lồng sơ khai nhằm cung ứng cho các cửa hàng bán quà lưu niệm trong thành phố, trang trí các sự kiện trong địa phương, chùa,... vào những ngày lễ trọng đại trong năm. "Cơ sở sản xuất đèn lồng của gia đình thành lập vào thời gian này quy mô chỉ khoảng 40 nhân công. Sở dĩ tôi làm lồng đèn với mong muốn kế thừa sự nghiệp của gia đình và tạo ra điều kiện việc làm, kiếm thêm thu nhập cho người dân địa phương"-  ông Hà tâm sự.

Nhưng theo thời gian nhận thấy những điểm bất tiện trong việc di chuyển đèn đi xa và định hướng sản phẩm du lịch địa phương. Những khách nước ngoài khá thích thú lồng đèn truyền thống, nhưng họ ngại mang đi vì nó rất kềnh càng. Vì thế lồng đèn đã được nghiên cứu và nâng cấp với nhiều mẫu mã tinh tế, đa dạng. Sản phẩm được đầu tư, chăm chút, tỉ mỉ hơn từ chất liệu cho đến kiểu dáng, màu sắc và quan trọng có thể xếp gọn để dễ dàng mang đi"- ông Hà chia sẻ.

Khi đã cải tiến hơn về mẫu mã chiếc đèn và nhận được tín hiệu tốt từ phía khách hàng đánh dấu cho sự thành công bước đầu của cơ sở, ông Hà tiếp tục đầu tư vào sản xuất đèn lồng theo dây chuyền, được du khách trong và ngoài nước biết đến như một địa chỉ quen thuộc khi đến Hội An.

Đèn lồng Hội An so với những loại lồng đèn khác được đánh giá là mang lại những giá trị tạo hình, thẩm mỹ và văn hóa thuần Việt. Trung bình mỗi năm, cơ sở Hà Linh sản xuất từ 5.000 đến 10.000 chiếc đèn. Vào thời điểm giai đoạn đỉnh cao đèn lồng tại đây sản xuất được trên 20.000 chiếc với đủ các kích cỡ, kiểu dáng mang đến doanh thu hàng tỷ đồng cho chủ cơ sở. Nhờ thế, những công nhân tại xưởng được giải quyết vấn đề việc làm và có nguồn thu nhập ổn định.

 Mặt khác, để nghề truyền thống không bị mai một, ông Hà nhận những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong vùng hoặc yêu nghệ thuật để đào tạo và truyền lại những bí quyết sáng tạo nên chiếc lồng đèn truyền thống, sau đó lành nghề sẽ giữ lại làm việc và hướng dẫn tại xưởng.

Thành phố Hội An thường hay tổ chức những hội thi nhằm tôn vinh nghề truyền thống và phát huy sức sáng tạo của nghệ nhân, ông Hà đã tham gia nhiều cuộc thi với những mẫu lồng đèn do ông tự thiết kế và nhiều lần được giải cao. Cụ thể, gần đây nhất sản phẩm lồng đèn đĩa bay của ông được  bình chọn là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Du khách được hướng dẫn làm đèn lồng.

Phát triển, đưa thương hiệu Việt đến thế giới

Với ông Hà, điều quan trọng để đèn lồng có chỗ đứng lâu dài chính là sự chất lượng. Bên cạnh đó, giá cả cũng hợp lý và luôn sáng tạo trong viêc nâng cấp, cải tạo lại mẫu mã. Ngoài ra, nên đẩy lùi tư duy chặt chém du khách. Nhờ lối tư duy kiểu mở đó, đèn lồng của ông Hà không chỉ chinh phục được thị trường trong nước, mà còn mở rộng ra thị trường thế giới như Ý, Đức, Pháp, Mỹ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc,... Đặc biệt, trong đó thị trường Châu Âu chiếm thị phần khá cao. Mỗi năm, cơ sở sản xuất đèn lồng của ông Hà cho xuất xưởng khoảng 3 đến 5 vạn chiếc.

Ngoài ra, là người tiên phong trong việc liên kết với các công ty lữ hành, mang lồng đèn truyền thống đất Việt đến gần với du khách ông Hà cùng vợ đưa ra ý tưởng "đón tiếp du khách đến để tham quan quá trình sản xuất, trực tiếp hướng dẫn du khách sản xuất ra chiếc lồng đèn truyền thống, sau đó có thể gửi lại để trưng bày làm kỷ niệm hoặc có thể mang đi". Ý tưởng này khá thành công và tạo được sự thu hút của du khách thập phương.

Dù sản xuất với số lượng lớn, song ông Hà luôn dặn dò các thợ thủ công phải biết trân trọng  những giá trị văn hóa đích thực, không nên chỉ chú trọng số lượng và lợi nhuận mà đánh rơi uy tín, chất lượng nhằm góp phần tạo dựng thương hiệu đèn lồng Hội An - Việt Nam trên thị trường các nước. Không những thế, Hà Linh luôn là một trong những thương hiệu tiêu biểu đại diện Hội An đưa sản phẩm truyền thống đi tham dự triển lãm, hội chợ,... trong và ngoài nước.

Thanh Hương