Đến Lý Sơn nghe truyền thuyết cá voi cứu người

Thứ tư, 22/04/2015 10:59

(Cadn.com.vn) - Chuyện cá Ông (cá Voi hay Ngài Nam Hải) trong giông bão rẽ sóng cứu người giữa biển khơi không còn xa lạ với người dân đảo Lý Sơn. Hàng trăm năm nay, huyền thoại Ông cứu người, cứu thuyền được lưu truyền tại các vạn chài trên đảo. Nhiều lăng, miếu, đền thờ được lập nên để lưu giữ xương cốt và là nơi thờ cúng ghi tạc công đức của "ngài Nam Hải" đã chở che, bao bọc cho ngư dân đất đảo trước thiên tai hoạn nạn giữa biển khơi.

Cụ Võ Hiển Đạt (84 tuổi) một trong những vị cao niên bậc nhất vạn chài thôn Tây xã An Vĩnh trên đảo Lý Sơn kể: "Hồi nội tôi còn sống, tôi được nghe ông kể lại chuyện cách đây hàng trăm năm, sau những ngày biển động dữ dội ngư dân không thể ra khơi chài lưới. Khi sóng dữ vừa dứt, phía Tây Nam đảo xuất hiện một vật lạ to như tòa nhà lúc chìm lúc nổi, nhiều ngư phủ tiếp cận thì phát hiện đó là "Ngài" (cá Ông-P.V), trên lưng loang lổ vết thương đang thoi thóp gắng gượng cập bờ. Theo suy đoán của nhiều người, vì ra tay cứu thuyền ngư dân trong cơn sóng dữ nên "Ông" bị thương và kiệt sức. Vừa được ngư dân dìu cập được bờ, "Ngài" dùng sức lực còn lại nhảy lên khỏi mặt nước thổi cột nước cao cả trăm mét trước khi lụy.

Dân vạn chài trên đảo góp tiền xây lăng thờ cúng "Ngài". Ngôi mộ chôn ngài đào sát mép biển có chiều dài gần 40 m, rộng 10 m, sâu 7 m. Để hoàn tất ngôi mộ, bốn người đào liên tục trong nhiều ngày mới xong". Ngày chôn ngài là sự kiện trọng đại đối với ngư dân các vạn chài trên đảo với nhiều nghi lễ nghiêm trang. Sau khi chôn cất, người dân xây dựng tạm lăng thờ, 10 năm sau, Lễ cải táng ngài diễn ra qui mô, dân vạn chài góp tiền, góp công xây dựng Lăng Tân (hay lăng Đồng đình Đại Vương) bề thế để hằng năm cúng tế ngài theo nghi thức dân gian địa phương.



Lăng Tân-nơi đang lưu giữ và thờ cúng ngài Đồng đình Đại Vương.

Ông Nguyễn Hạp (75 tuổi), ở thôn Đông, xã An Hải, Ban quản lý Đình Làng An Hải, cho biết: theo phong tục của ngư dân trên đảo, ngoài ngày rằm, mồng một hàng tháng, trước khi vươn khơi Hoàng Sa-Trường Sa, các ngư dân đều mang lễ vật đến tạ và mong "Ngài" che chở độ trì để tàu về tôm cá đầy khoang, riêng 2 ngày trong năm (ngày 19 và 20 tháng Chạp âm lịch), cửa "hậu cung" mới mở để người quản lăng và các bậc cao niên trong làng vào lau chùi bụi bặm bám trên xương cốt ngài...

Về các vạn chài trên đảo Lý Sơn, đến đâu cũng nghe chuyện cá Ông cứu người, cứu thuyền trong bão dữ. Lão ngư Nguyễn Sướng, 75 tuổi, người làng An Vĩnh vẫn còn nhớ như in chuyện mình cùng các ngư dân được cá Ông cứu nạn trong giông tố: "Cách đây hơn 30 năm, tôi và vài ngư dân trong xóm chèo thuyền thúng ra khơi câu mực, bất ngờ giông tố nổi lên, chiếc thuyền thúng với 3 ngư dân bị sóng biển nhấn chìm trong tích tắc. Anh em co cụm cột tay nhau bằng dây neo để vật lộn với sóng biển, nếu rủi ro xảy ra cơ may để người nhà tìm thấy xác. Trong hoạn nạn chúng tôi chỉ biết cầu khấn "Ngài" hiển linh giúp đỡ. Vừa dứt câu cầu khấn, chúng tôi thấy người nhẹ bẫng như được nâng lên khỏi mặt nước và được đưa vào vùng nước cạn"...

Hướng mắt về phía biển, cụ Sướng chắp tay thành kính: "Biển giả là như vậy, khi êm đềm thì bao dung như lòng mẹ, nhưng khi giông tố mịt mù nổi lên là hiểm nguy không kể, với ngư dân chúng tôi niềm tin vào các "Ngài" là có thật, bởi hàng trăm ngư dân trong ranh giới giữa cái sống và cái chết đã được "Ngài" cứu giúp toàn mạng trở về với gia đình và người thân".

Tại Lý Sơn hiện có 13 lăng, miếu đền thờ cá Ông (đó là chưa kể những cá voi mới được ngư dân lai dắt từ các ngư trường về chôn cất sau này chưa cải táng). Trong đó lăng Tân là nơi đang giữ lưu và thờ tự bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam được ngư dân Lý Sơn tôn vinh là lăng  Đồng Đình Đại Vương-vị thần quyền lực nhất trên biển Đông.

Phạm Minh