Đến nơi chỉ có mây mù

Thứ bảy, 03/02/2024 11:00
Hai ngọn núi Thiên Môn Sơn và Thiên Tử Sơn ở Trương Gia Giới thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) là hai ngọn núi đầy bí ẩn. Chỉ khi đặt bước chân tìm đến, mới có cảm giác như đang lạc vào tiên cảnh, nơi đi chênh vênh theo vách đá, nơi mây mù hòa quyện. Và có lý do tìm đến bởi chính nơi này, chính xác là những dãy núi ở Thiên Tử Sơn là nơi thực hiện bộ phim “Tây Du Ký” với cảnh Hoa Quả Sơn nơi bầy khỉ sinh sống, nơi Tôn Ngộ Không trở về mỗi khi giận Đường Tam Tạng. Ở đó còn là bối cảnh trong tập 10, 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh. Và nữa, trong bộ phim “Avatar” với cảnh núi chông chênh, cảnh bay lượn cũng thực hiện ở nơi này.
Thiên hạ đệ nhất kiều.
Nơi đóng phim “Avatar”.

Thiên Môn Sơn hay còn gọi là cánh cổng trời tâm linh của người Trung Quốc nằm trên đỉnh núi Thiên Sơn, tỉnh Hồ Nam. Nơi đây cách trung tâm Trương Gia Giới 8km về phía Bắc. Sự kỳ vỹ ở đây chính là tạo cho du khách đi ít đi, Có tới 10 hệ thống thang cuốn đặt trong lòng núi, một cáp treo ngắn để khách lên núi. Bởi với độ cao 1.500m, ở nơi này gần như mặt trời mọc sớm và lặn trễ gần một giờ đồng hồ không dễ cho các bước chân chinh phục. Độc đáo của ngọn núi này chính là có con đường lên tới đỉnh với 99 khúc cua dài 11 km. Nơi cao nhất của con đường ở mức 1.300 m so với mực nước biển. Việc xây dựng con đường này bắt đầu từ năm 1998 và phải đến năm 2006 mới hoàn thành. Và muốn tới cổng trời phải đi 999 bậc thang. Tất nhiên là khi chạm tới cổng trời, nơi núi mở rộng ra một vòm trời bao la bạn sẽ òa vỡ với cảm giác chinh phục.

Không thể không khâm phục việc xây dựng nhưng vẫn bảo vệ từng nhành cây của nơi này. Con đường lên Thiên Môn Sơn bám vào vách núi sau khi thoát ra khỏi cáp treo. Cây cối tự nhiên được bảo quản nên có khi con đường được tạo lỗ trống cho cây, từ trên nhìn xuống chính là con đường bộ kỳ vỹ dài 11 km với 99 vòng cua choáng ngợp. Và rồi, trước mắt là một mặt bằng thoáng rộng, một bậc thang vòi vói với 999 bậc để chạm vào cổng trời làm bằng đá có ba chỗ để nghỉ chân. Cổng trời Thiên Môn Sơn cao 130m, rộng 57m, theo sự tích thì tạo thành sau một trận đại hồng thủy.

Cổng trời.

Lại đi tiếp, chính là đến nơi đặt một con thiềm thừ đá nặng cả trăm ký cho bạn vuốt cầu may. Nơi này bạn sẽ nhìn ngắm được cảnh trong phim “Avatar”, một cửa trời rộng, vách núi dựng... Sự kinh ngạc chính là những cầu thang cuốn nối tiếp nhau để đến hành lang bộ, có một cầu kính chênh vênh dài khoảng 50 mét, và nơi này nhìn lên đỉnh núi cao trên 1.500 mét, chứng kiến các vận động viên Base Jumping. Base Jumping là biến thể của môn nhảy dù mang đến cảm giác mạnh tột cùng cho người tham gia chỉ trong vài giây. Nhưng người chơi bộ môn này lại không nhảy từ máy bay mà từ nóc các tòa cao ốc, cầu và vách đá dựng đứng.

Kết thúc cuộc hành trình Thiên Môn Sơn chính là leo lên đỉnh, vào nhà ga cáp treo để đi cáp treo dài 7.455m, với 98 ca-bin, từ trên cao ca-bin đưa bạn nhẹ nhàng xuống tận bên dưới.

Nhưng ấn tượng chính là đến Thiên Tử Sơn, và cách đi thật sự rã rời đôi chân. Thiên Tử Sơn vốn được gọi là núi Thanh Nham, mãi đến năm 1353, thủ lĩnh người Thổ Gia, Đại Khôn, thống lĩnh tộc dân của mình chiếm núi xưng vương, sau đó tự xưng mình là “Thiên tử”. Sau này, cuộc khởi nghĩa này bị vua Chu Nguyên Chương đánh bại, Đại Khôn chết đi, con dân của ông bèn đặt lại tên núi là Thiên Tử Sơn để tưởng nhớ.

Cầu kính.

Đỉnh núi chính có độ cao 1.262,5m, nơi này đa dạng cảnh quan, rừng thông và sương mù. Ngày chúng tôi đến trời mưa, và tại đây có bán vớ nhựa bao giày để giày khỏi ướt, bán cả gậy chống. Mọi người nói rằng Thiên Tử Sơn là các khối đá dưới đại dương, chính việc biến đổi đã trồi lên và các khối đá kỳ ảo với hình dáng các loại thú, ba chị em... đã trải qua 380 triệu năm. Có một chuyến tàu điện để chở bạn đi vòng núi ngắm cảnh, hoặc vẫn có thể đi bộ tùy thích.

Chuyến đi bắt đầu bằng lên xe buýt. Cứ tưởng xe chở tới nơi, nhưng không phải vậy, chỉ là chỗ lưng chừng núi qua những cánh rừng nguyên sinh, những vòng cua nguy hiểm. Xuống tuyến thứ nhất, lại lên tuyến buýt khác. Hai ngọn núi cùng một nơi: Trương Gia Giới, nhưng mỗi ngọn núi mỗi vẻ đẹp khác nhau. Thiên Tử Sơn tạo cho chúng tôi cảm giác mạnh chính là cuộc hành trình đi bộ dọc theo núi. Chỉ con đường đến một cây cầu đá tự nhiên nối liền hai vách núi với chiều dài cầu là 25 m và nằm ở độ cao 357 m. Đây cũng chính là cây cầu đá tự nhiên cao nhất ở Trương Gia Giới và với độ cao ấy lẫn chiều dài cầu cũng đã đem lại danh hiệu Thiên hạ Đệ nhất Kiều... Một điều đặc biệt là hai ngọn núi được cầu nối liền vốn dĩ là cùng một ngọn núi. Nhưng dưới sự bào mòn của sức nước và sức gió, núi đã bị tách ra làm đôi và chỉ còn được nối liền bởi Thiên hạ Đệ nhất Kiều. Trên chênh vênh ấy, đi giữa mù sương và rừng thông, phải len với cả ngàn du khách chỉ để được ngắm cây cầu tự nhiên, quên mất đôi chân đã mỏi.

Thiên hạ đệ nhất kiều.

Ngay cả khi thấm mệt, chúng tôi quyết định trải nghiệm đi xuống bằng thang máy nhanh nhất thế giới. Thang máy Bách Long bắt đầu xây dựng vào năm 1999 và lần đầu tiên được mở cửa cho công chúng vào năm 2002. Thang máy ngoài trời cao nhất và tốc độ nhanh nhất thế giới được đặt theo chiều dài vách đá dựng đứng, đưa du khách lên tới đỉnh núi chỉ trong vòng 1 phút. Khu vực này còn là nguồn cảm hứng cho việc sáng tạo các dãy núi Hallelujah trong bộ phim nổi tiếng “Avatar”. Đạo diễn bộ phim nổi tiếng này khá thâm ý khi liên kết hình ảnh những ngọn núi thẳng đứng với tên ca khúc Hallelujah. Thiên Tử Sơn có vô vàn núi đá đẹp, ngay cả khi xuống thang máy, trước mắt là cả dãy núi sừng sững, khiến có cảm giác như đang ở trong phim trường “Tây Du Ký”.

Đã đi nhiều nơi chốn, nhưng quả thật cuộc hành trình lên hai ngọn núi ở Trương Gia Giới là một cuộc hành trình vô cùng tuyệt vời.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG