Đèo cao quán chật

Thứ hai, 16/01/2023 20:04
Muốn lên miền tây bắc Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên có hai lối đi, một từ Mỹ Sơn qua đèo Phường Rạnh nhưng đường đèo rất khó đi, nên người ta thường chọn ngả đường Hương An lên Tây Viên, Đông Phú rồi qua ngả đèo Le.
Từ đỉnh Đèo Le.
Du khách vượt đèo Le bằng xe đạp thể thao.

Chỉ dài chừng vài cây số nhưng đèo Le là chiếc cầu nối quan trọng giữa một bên là đồng bằng, bên kia là vùng bán sơn địa chập chùng đá tảng, thấp thoáng dưới xa là một miền quê lặng lẽ mộc mạc nghĩa tình: Ai lên Trung Phước đèo Le/ Làm ơn cho gởi nắm chè mồng năm, bên kia bến đò Trung Phước là làng Đại Bường bốn mùa cây trái nằm sau lưng núi.

Tiếp đến là Nông Sơn với bến đò Cà Tang đẫm nước mắt năm nào, từ đây có thể đi tiếp lên vùng thượng nguồn sông Thu Bồn: Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi. Phía tây nam đèo, sừng sững bóng núi Hòn Tàu, một chiến khu nổi tiếng thời đánh Mỹ, phía bên kia kéo một hình cánh cung, là nơi mà người anh hùng phong trào nghĩa hội Nguyễn Duy Hiệu lập căn cứ.

Thế núi thế sông đưa đẩy cho đèo Le trở thành một vị trí chiến lược để lịch sử những năm tháng lửa khói đều chọn vùng đất này làm thế cố thủ rồi chờ đợi thời cơ để tiến công. Thời chiến tranh, những khi Quốc lộ 1 bị cắt, bộ đội vùng trong cũng vượt qua đèo rồi men theo sông Thu Bồn để tiến về Đà Nẵng...

Thích thú với dòng suối mát.

Ngày nay khách đi đường thường hẹn nhau lên đèo mà nghỉ. Lưng chừng đèo có một vài hàng quán là nơi khách có thể nghỉ lại để thưởng thức đặc sản nổi tiếng: gà luộc trộn với rau răm và cháo gà. Con gà đèo Le thơm ngon không nơi nào bằng, là thức ăn hấp dẫn cho khách qua đường khi đói lòng. Cạnh bên hàng quán là dòng suối Mát chảy từ trên núi xuống nước trong vắt mát lạnh mời gọi khách đường xa tắm rửa để giũ sạch bụi đường và quên mệt nhọc của cuộc hành trình. Suối Mát len lỏi qua những lèn đá, những tảng đá lớn có thể làm chỗ nghỉ khi tắm suối lên, ngồi nhâm nhi món đặc sản của đèo.

Cứ mỗi lần qua đèo, tôi vẫn thường ở lại bởi trong sương khói mong manh hình ảnh đìu hiu của những túp lều thường gợi lại cảm giác đèo cao quán chật trong thi ca cũ. Và trong tâm trí luôn có mối cảm hoài mơ hồ nửa nhớ, nửa quên bởi những điều thuộc về lịch sử, văn hóa gắn với địa danh này.

Có đêm tôi ngồi trên tảng đá bên suối, thế mà có ông lão lò mò lên tìm chỉ để chuyện trò. Ông lão quê dưới chân đèo nhưng đã vào Nam lập nghiệp. Năm nào cũng về quê mà trong những lần ấy, ông đều dành một đêm ở lại trên đèo bởi cả thời tuổi trẻ của ông đã gắn chặt với nó. Ông lão rành rẽ vùng đất xứ sở và kể rất nhiều chuyện. Nào là nhà thơ Khương Hữu Dụng thời còn trẻ đã từng dựng chòi tranh bên sườn núi chỉ để làm thơ. Có những bài thơ làm xong rồi thả trôi theo dòng nước.

Từ đỉnh Đèo Le.

Thiên nhiên với giọt tranh của tiếng mưa rơi ngoài ngàn vẫn còn in bóng trong thơ ông nhiều năm sau này, nhất là những năm tháng cuối đời... Còn nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân thời Pháp thuộc đã tản cư về đây. Để đắp đổi qua ngày, ông đã mở một tiệm hớt tóc bên đường (nói là tiệm chứ thật ra là cái chòi tranh mà thôi!). Tiệm của thầy Xuân khi nào cũng đông khách nhưng khổ nỗi thầy hớt tóc rất chậm, có khi ba tiếng mới xong một người bởi cái tật mê kể chuyện.

Những truyện Tàu như Đông Chu liệt quốc, Tam quốc chí, Hán Sở tranh hùng, Thủy hử... thầy kể làu làu từng trích đoạn lớp lang, vừa kể vừa dừng lại bình phẩm. Bên cạnh những lời bình của Kim Thánh Thán, thầy có những nhận xét hóm hỉnh theo kiểu người Quảng Nam lưu lạc. Tài kể chuyện của thầy thật đáo để và hấp dẫn lôi kéo người nghe. Khách đến hớt tóc thì ít mà người đến nghe thì nhiều. Thính giả cũng đủ loại người, mê đến độ nhiều người giành nhau thắp đèn hột vịt cho thầy kể chuyện đến khuya...

Đêm xuống rất nhanh, sương phủ đã dày đặc cả rừng núi, tôi bắt đầu thấy lạnh. Thế mà ông lão vẫn say sưa kể chuyện như thể bất cứ điều gì gắn với đèo Le ở nơi ông đến cồn cào những kỷ niệm xao động nhất của đời người. Tôi cứ ngồi mơ màng trong sương đục, không còn nhìn thấy khuôn mặt ông lão nữa nhưng tâm trí vẫn dõi theo một điều từ những câu chuyện ấy, để mai mốt đến đèo Le vẫn có cớ mà thêm yêu, để lòng vui như nắng trên đèo...

HỒ SĨ BÌNH