Người dân vùng núi Nghệ An trắng đêm chạy lũ
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn cộng với việc nhiều nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ khiến các địa phương ở vùng núi Nghệ An bị ngập nặng. Lũ lên nhanh khiến người dân trở tay không kịp, trắng đêm lực lượng chức năng hỗ trợ bà con chạy lũ.
Một người tử vong, 1 người mất tích
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (BCH PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh Nghệ An, do ảnh hưởng của mưa lũ từ bão Wipha (bão số 3), hiện trên địa bàn tỉnh đã có 1 người tử vong là bà Vừ Y Xìa (78 tuổi, trú tại bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai) bị đất, đá vùi lấp lán; 1 người mất tích là bà L.Y.D. (70 tuổi, trú tại bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn) trên đường đi rẫy về khi qua khe Huồi Yên tại bản Huồi Pốc thì bị nước cuốn trôi và 4 người bị thương. Ngoài ra, Quốc lộ 7 đoạn qua Kỳ Sơn cũ cũng bị chia cắt, giao thông đình trệ. Hàng trăm hộ dân vùng ven sông rơi vào cảnh màn trời chiếu đất chỉ trong một đêm.
Lũ lên nhanh khiến những hộ dân ở vùng núi và gần sông trở tay không kịp, nhiều gia đình chỉ kịp ôm theo một số tài sản quan trọng, bỏ lại tất cả để tìm nơi trú ẩn. Theo thống kê của BCH PCTT-TKCN&PTDS tỉnh, tính đến trưa 23-7, toàn tỉnh có 417 nhà bị hư hỏng, 3.237 nhà bị ngập nước. Hàng trăm hộ dân buộc phải di dời đến nơi trú tránh an toàn...
Mưa lớn cũng khiến nước trên các sông suối dâng cao gây chia cắt cục bộ. Hiện xã Tương Dương có 21 thôn, bản; Tam Quang 29 hộ; Mường Xén 9 khối; Hữu Khuân 44 hộ; Keng Đu, Mỹ Lý, Hữu Kiệm, Bắc Lý, Mường Típ, Nhôn Mai, Tam Quang 3 bản, Con Cuông 340 hộ; Châu Khê (cô lập 3 hộ, ngập 67 hộ, đã di dời 67 hộ) đã bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn. Mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng nề hàng nghìn ha nông nghiệp lúa, rau màu; hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết.
Trắng đêm chạy lũ
Sáng 23-7, nhiều xã vùng cao của tỉnh Nghệ An ngập sâu trong biển nước sau trận lũ lịch sử. Các hộ dân xã Mường Xén sống dọc bên bờ sông Nậm Mộ hầu hết đã bị ngập tầng 1, nhiều nhà cấp 4 ngập sâu tận nóc. Đêm 22-7, người dân hối hả di dời đồ đạc, tài sản lên cao. Nhiều hộ dân phải bỏ nhà cửa, chỉ mang theo một số vật dụng cá nhân để sơ tán đến trụ sở Trung tâm chính trị huyện để trú nhờ. Chính quyền địa phương đã chủ động các lực lượng Công an, bộ đội, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên… hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.
Chị Trần Thị Bình (trú xã Mường Xén) là một trong những người dân được sơ tán khẩn cấp khỏi vùng lũ, nghẹn ngào cho biết: “Nước lên quá nhanh, tài sản không kịp di dời. Chúng tôi hoảng loạn, chỉ biết kêu cứu. May mắn, chúng tôi được lực lượng chức năng đưa ra khỏi nhà và sống sót. Cả gia đình giờ trắng tay”.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén cho hay, trận lũ lịch sử khiến nhiều khu vực trên địa bàn xã ngập sâu. Có 9 khối, bản nằm trong vùng lòng hồ và khu vực hạ du Thủy điện Nậm Mộ bị ngập sâu từ 1-3,5m. Nhiều bản vẫn đang bị cô lập do sạt lở đường giao thông và nước lũ dâng cao tràn qua mặt đường. Trong đêm các lực lượng đã trắng đêm giúp dân ứng phó. Đến ngày 23-7, nước đang rút xuống, lực lượng chức năng cùng người dân tranh thủ dọn dẹp với phương châm “nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó”.
Nước lũ cuồn cuộn đổ về đã khiến cầu treo tại bản Quạnh, xã Mường Quàng bị cuốn đứt, một bản có hơn 100 hộ dân đã bị cô lập hoàn toàn.
Tại xã Chiêu Lưu, Quốc lộ 7 đoạn qua địa bàn ngập sâu, khiến giao thông bị chia cắt, cô lập nhiều nhà dân và trụ sở UBND xã. Trong đêm 22-7, chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ di dời người dân các điểm nguy cơ cao đến nơi an toàn. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ xe khách với 20 hành khách bị mắc kẹt do đường ngập nước tại bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm cũ) đến nơi cao ráo, an toàn và cắt cử lực lượng tổ chức tiếp tế cho hành khách trong điều kiện giao thông đi lại khó khăn, thực phẩm khan hiếm.

Tại xã Tương Dương, nước lên nhanh đã khiến 21 thôn bản bị cô lập hoàn toàn, với 2.210 hộ dân bị ngập sâu hơn 2m, trong đó hơn 1.700 hộ dân bị 100%. Lũ cũng làm sập, cuốn trôi 3 cầu treo trên địa bàn xã, gồm cầu treo Đền Vạn Cửa Rào, cầu treo bản Chắn và cầu treo bản Lau. Trước tình hình đó, BCH phòng, chống lụt bão (PCLB) xã Tương Dương đã huy động tất cả lực lượng, tổ chức tuyên truyền, vận động và di dời các hộ dân khu vực ngập sâu đến nơi an toàn. Các phương tiện cứu hộ như thuyền, phao, thuyền mảng... cũng đã được huy động, phục vụ cho công tác cứu hộ, di dời, sơ tán người dân.
Nghệ An hiện có 23 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Trong đó 8 hồ chứa đang thực hiện vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng), các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ.
Ngày 23-7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cùng đoàn công tác tỉnh, các lực lượng PCLB đã có mặt tại xã Con Cuông nắm bắt tình hình, chỉ đạo các phương án ứng phó lũ lụt. Đoàn công tác sẽ đến các địa điểm, xã xảy ra lũ để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo địa phương phòng chống lũ, nguy cơ rủi ro và việc bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Hiện các lực lượng chức năng địa phương đang huy động các phương tiện máy móc, cố gắng dọn dẹp lại sau lũ ở khu vực trung tâm xã. Công an tỉnh Nghệ An đã huy động 100 CBCS chia thành 2 đoàn đến các xã Nhôn Mai, Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Mường Xén, Con Cuông hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống.
Dương Hóa
Hỗ trợ sản phụ vượt lũ đi sinh Khoảng 7 giờ ngày 23-7, chị Kha Thị May (1990, trú tại bản Xốp Thặp xã Hữu Kiệm, Nghệ An) mang thai tháng thứ 9 lên cơn chuyển dạ. Do đoạn đường từ nhà chị May đến Trung tâm Y tế Kỳ Sơn (khoảng 20km) đang bị ngập nước và bùn nhiều, người thân sản phụ đã báo với chính quyền địa phương với mong muốn được hỗ trợ. Nhận được thông tin, Công an xã Hữu Kiệm đã kịp thời cử cán bộ cùng phương tiện đến nhà, hỗ trợ đưa chị May đi sinh. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng Công an xã, sản phụ May đã được đưa đến Trung tâm Y tế an toàn, sức khỏe bình thường và sinh con thành công. D.Hóa |