Dẹp nạn "vàng tặc" ở Đa Quyn

Thứ ba, 12/04/2022 18:17
Suốt thời gian dài nạn "vàng tặc" khai thác vàng trái phép tại 5 xã vùng Loan của H. Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) trong đó trọng điểm là tại các xã Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng gây bức xúc dư luận. Với quyết tâm dẹp nạn "vàng tặc", CAH Đức Trọng đã tổ chức lực lượng đẩy đuổi, xử lý kiên quyết và thực tế nạn "vàng tặc" giảm hẳn.
Lực lượng Công an phá hủy các chòi tạm và tiêu hủy các vật dụng thủ công của các đối tượng khai thác vàng.
Lực lượng Công an phá hủy các chòi tạm và tiêu hủy các vật dụng thủ công của các đối tượng khai thác vàng.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, tình trạng khai thác vàng trái phép tại đây lại rộ lên. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban Giám đốc Công an tỉnh, CAH Đức Trọng đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường (CSMT) tiếp tục vào cuộc, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.

Biện pháp đầu tiên mà CAH Đức Trọng thực hiện là nắm chắc đặc điểm hoạt động của các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép như cần nhân công, phương tiện máy móc đặc thù và hoạt động trá hình lén lút với vỏ bọc các công ty hợp pháp và thường lén lút hoạt động về đêm để phối hợp với Công an các xã tổ chức kiểm tra đột xuất các công ty trồng cỏ nuôi bò, san lấp mặt bằng tại các xã vùng Loan như Phượng Đỏ Đà Loan, Kim Sơn Nam, công ty CP đá quý và vàng Lâm Đồng. Theo ghi nhận, các công ty này đều đang tạm ngưng hoạt động khai thác khoáng sản. Riêng các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân có xe ben, máy múc và hoạt động trong lĩnh vực san lấp, cải tạo mặt bằng được lực lượng Công an nhắc nhở đồng thời yêu cầu viết cam kết không lợi dụng việc thực hiện dự án để vi phạm pháp luật.

Song song với việc chủ động đẩy đuổi, phòng ngừa, CAH Đức Trọng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, phát động phong trào Toàn dân BVANTQ, cung cấp số điện thoại liên lạc, nhóm zalo để người dân sinh sống tại các khu vực từng xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kịp thời tố giác tội phạm, bảo vệ môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản.

Thượng tá Lê Thái- Trưởng CAH Đức Trọng khẳng định: "Đối với nạn "vàng tặc" chúng tôi kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm và hoàn toàn không có vùng cấm. Công tác đấu tranh với tội phạm này được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ CAH và triển khai thực hiện thường xuyên, không có tình trạng "mất bò mớ lo làm chuồng". Chúng tôi đã lập các tổ công tác gồm nhiều lực lượng, thường xuyên kiểm tra tại các khu vực có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép, ít nhất 2 lần/tháng".

Với quyết tâm cao, trong năm 2021 CAH Đức Trọng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan, điển hình như lập biên bản vi phạm hành chính đối với công ty Phượng Đỏ Đà Loan về hành vi "hủy hoại đất", lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lê Tự Quốc Trung (1986) trú thôn Đà Giang, xã Đà Loan về hành vi "hủy hoại đất", tạm giữ 2 xe máy múc..

Cũng trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, CAH Đức Trọng đã tổ chức hơn 20 đợt tuần tra, truy quét, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại các xã vùng Loan. Quá trình truy quét các tổ công tác đã phá hủy 9 chòi tạm, 6 hầm của các công ty phục vụ thăm dò khoáng sản, tịch thu tang vật gồm 6 máy múc, 3 máy nổ, 6 máy xay, 3 máy dập cùng nhiều phương tiện khác, đẩy đuổi hơn 100 lượt đối tượng, đã lập biên bản vi phạm hành chính 18 vụ với 18 đối tượng, xử phạt hành chính tổng số tiền là 63.000.000 đồng. Đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính 19 vụ, 19 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 44.000.000 đồng.

Có thể thấy, việc đấu tranh với nạn khai thác khoáng sản trái phép ở H. Đức Trọng là nghiêm túc và triệt để. Tuy nhiên trong "cuộc chiến" này còn nhiều khó khăn như, các "đầu nậu" chủ yếu thuê người đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các công việc khai thác kháng sản. Mặt khác, do đời sống khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên không ít người dân tiếp tay, thực hiện các việc làm phi pháp. Ngoài ra, một số chủ dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đầu tư san gạt, cải tạo mặt bằng, thăm dò khoáng sản, trồng cỏ nuôi bò đã lợi dụng ban đêm để khai thác khoáng sản trái phép.

Theo ghi nhận, tại nơi được coi là K vàng - 5 xã vùng Loan của H. Đức Trọng hiện không còn tồn tại những điểm khai thác khoáng sản trái phép, chỉ còn tồn tại một số điểm hoạt động san lấp mặt bằng, sử dụng khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường nhằm phục vụ mục đích xây dựng. Đây cũng là mối lo mà CAH Đức Trọng quyết tâm giải quyết trong thời gian tới.

ĐỨC HUY