Dệt may Việt Nam trước cơ hội mới
(Cadn.com.vn) - Ngày 6-9 Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) và tác động đến doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam” dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết. Dự hội thảo còn có nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Dệt May Việt Nam (HHDMVN), các Phó Chủ tịch HHDMVN Nguyễn Đình Trường, Trần Văn Phổ và các doanh nghiệp đầu ngành khu vực miền Trung.
Sân nhà bị lấn
Theo ông Nguyễn Đình Trường, ngành dệt may Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những thành tựu đáng kể và đã trở thành một trong những ngành sản xuất mũi nhọn trong nền kinh tế Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện cả nước có gần 4.000 doanh nghiệp (DN) và khoảng 2,5 triệu lao động dệt may. Năm 2012, ngành dệt may Việt Nam đã tạo doanh thu gần 20 tỷ đô la Mỹ, chiếm 15% GDP. Mặc dù doanh thu lớn nhưng giá trị gia tăng tạo ra trong nước không nhiều, do lệ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu và chủ yếu là nhận gia công. Cụ thể, cả nước hiện có hơn 5 triệu cọc sợi và hằng năm sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên liệu gồm bông tự nhiên chiếm 420.000 tấn và xơ các loại chiếm 400.000 tấn. Thế nhưng, năm 2012, bông nhập khẩu là 415.000 tấn, chiếm 99% và bông trong nước chỉ đáp ứng được 1%, tương tương 5.000 tấn; về xơ các loại, tổng nhập khẩu năm 2012 là 220.000 tấn, chiếm 54%. Ngành may năm 2012, có nhu cầu sử dụng khoảng 6,8 tỷ mét vải trong khi tổng lượng vải sản xuất trong nước đạt khoảng 0,8 tỷ mét, nhập khẩu 6 tỷ mét, tương đương 88%.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo hàng loạt thách thức tiềm ẩn từ Hiệp định TPP. Đón đầu xu thế TPP, nhiều DN dệt may cả nước mở rộng sản xuất, phát triển chi nhánh sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hầu hết số DN này thuộc về DN dệt may có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc, Trung Quốc... Điều này khiến DN nội địa, nhỏ dễ mất chỗ đứng, “chết lâm sàng” ngay trên sân nhà.
Đáng lo ngại, TPP đặt ra quy định khắt khe về xuất xứ đối với hàng dệt may khi áp dụng công thức từ sợi chở đi, việc khép kín quy trình sản xuất chưa có lời giải khi hầu hết các địa phương đều không mặn mà phê duyệt nhà máy dệt, nhuộm vì lo tác động môi trường, thay vì chỉ cần quy định các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường để các DN chủ động. Hiện, số KCN cả nước có dự án nhà máy dệt, nhuộm vải đếm trên đầu ngón tay.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Cơ hội vào sân chơi lớn
Đánh giá sự tác động của Hiệp định TPP đối với ngành dệt may Việt Nam, ông Trường cho rằng, việc tham gia vào Hiệp định TPP sẽ mang đến những cơ hội giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển KT-XH, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lợi ích về thuế quan: Hiện thuế suất trung bình của hàng dệt may Việt nam vào Mỹ là 17,5% và EU là 9,6%. Nếu ký kết thành công TPP, các bên tham gia đàm phán sẽ đưa thuế xuất của tất cả các mặt hàng về 0%, trong đó có dệt may. Ngoài ra, TTP còn có điều kiện thuận lợi cho dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang các nước tham gia đàm phán TPP như: Canada, Peru, Australia và Chile...
Theo đánh giá của các đại biểu tại hội thảo, giải pháp để phát triển ổn định khi Việt Nam tham gia TPP là phải liên kết chuỗi để chủ động nguồn lực, thiết bị công nghệ và thị trường; đầu tư vào khâu dệt – nhuộm – hoàn tất để giải quyết “nút thắt cổ chai” của ngành dệt may; gia tăng giá trị bằng cách giảm dần gia công; tiếp tục mở rộng thị trường và phát triển ngành công nghệ may thời trang. Đặc biệt, Chính phủ cần có chiến lược rõ ràng nhằm hoạch định vùng phát triển dệt nhuộm, đặc biệt là nhuộm khi nhiều địa phương truyền thống không còn mặn mà với khâu này. Bên cạnh đó, nguồn lao động có kỹ thuật cần được tái tạo để tham gia vào quá trình phát triển toàn diện của ngành dệt may Việt Nam. Khi “đá trên sân nhà”, giữa việc đi mua nguyên vật liệu từ nước ngoài thì thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tạo nên chuỗi hưởng lợi gián tiếp từ DN trong nước. Đây còn là cơ hội liên doanh liên kết của DN Việt để phát triển thương hiệu, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường tiềm năng.
Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết nhấn mạnh, tỷ lệ số lượng DN tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung chiếm 10% cả nước nhưng tiềm năng để phát triển dệt may là vô cùng thuận lợi. Các tỉnh miền Trung là một lựa chọn để mở rộng sản xuất, đầu tư mới. Hiện tại trên địa bàn Đà Nẵng có 80 DN dệt may lớn nhỏ, là TP trọng điểm có vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành dệt may của khu vực. Với cam kết sẽ dành nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các DN dệt may của ngân hàng Đông Á, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành dệt may.
Xuân Đương