Đi câu cá đối, cá dò

Thứ hai, 04/11/2013 12:36

(Cadn.com.vn) - Chủ nhật, anh bạn rủ tôi đi câu cá đối, một kiểu câu rất lạ lùng và nếu ai đó lần đầu tiên nhìn thấy cách câu này chắc chắn sẽ cười ồ lên vì thích thú. Các “cần thủ” là gọi người đi câu chứ đi câu cá đối có bao giờ dùng tới những chiếc cần câu đâu.

Bộ đồ nghề đi câu cá đối tự chế rất đơn giản: các vỏ chai nước ngọt nho nhỏ, tốt nhất là loại nước Sting, cắt bỏ cổ chai, ra chợ Hàn mua vài miếng chì kẹp vào một bên chai nước ngọt, cước và ống quấn cước để buộc vào chai nữa là xong. Việc kẹp chì vào chai chỉ có ý nghĩa để chai khi ném xuống nước mau chìm và hạn chế việc lăn khi bị sóng xô đẩy.

Tuy nhiên, kiểu chế “cần câu” cũng còn một số ống nhựa khác nữa, riêng mồi để câu cá đối chỉ duy nhất có một loại mà thôi, đó là bột mì. Khi ra đến bờ biển, chúng tôi chọn một vị trí ngồi cho thích hợp, múc một phần ba nước vào chai, cho vào đó một muỗng cà-phê bột mì, khuấy đều, đục trắng như sữa rồi ném xuống biển, tùy theo người câu thích ném xa, gần khác nhau. Những chú cá đối háu ăn khi thấy chai chứa nước bột mì trắng xóa thì chúng sẽ chui ngay vào chai.

Không như các loại cá khác, loài cá đối đã vào trong chai rồi thì chúng cứ nhằm phía trước mà tông thẳng chứ ít khi chúng lui trở ra phía miệng chai. Nghe tiếng động dây cước, nói đúng hơn là cảm giác cá đối đã vào,  cứ thế người câu ung dung quấn cước từ từ để kéo chai lên. Có khi cá đối nhiều, bọn chúng tranh ăn chui vào cùng lúc hai, ba chú nằm cứng ngắc trong chai trông  thật thích thú.

Câu cá đối ở vịnh Mân Quang.

Tôi đã đi câu cá đối hơn chục năm rồi nhưng thú thật vẫn không nắm được quy luật để câu loài cá này. Có lúc chúng ăn mồi vào nước ròng, lúc khác khi triều dâng cao, cũng có khi giữa trưa, lại có hôm vào xế chiều... nghĩa là đi câu cá đối chỉ chờ vào sự may rủi. Thường chỉ có chút kinh nghiệm nho nhỏ là bất cứ thời tiết nắng, mưa thế nào  nhưng khi trời bắt đầu nhá nhem tối thì nên thu dọn đồ đạc để về chứ đừng bao giờ nấn ná thêm làm gì, bởi vào thời điểm này cá đối không bao giờ chịu chui vào chai nữa.

Những năm trước đây, ở cửa sông Hàn và các vùng quanh bờ biển Đà Nẵng cá đối nhiều vô kể. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi đi câu cũng bắt được cá đối nhưng chừng 3 năm trở lại đây, việc câu cá đối không dễ dàng, bởi có người cả ngày vẫn không bắt được con nào. Ai gặp hên lắm cũng chỉ tóm được hơn chục chú là nhiều.

Có lúc lỉnh kỉnh đồ đạc ra cửa Hàn giang, thấy cá đối lượn lờ, bơi dọc, liếc ngang hằng hà sa số, bụng mừng thầm nhưng khi thả chai xuống, chúng chạy tới chỉ... ngửi mà không chịu chui vào. Những lúc như thế, mấy anh bạn câu xúm nhau bàn luận, nào là do nguồn nước bị ô nhiễm, người lại bảo chúng chưa xơi vì do... thời tiết, song cuối cùng vẫn là điều bí ẩn khó hiểu?

Cá đối câu theo kiểu không làm chúng “đau đớn” này bỏ vào giỏ lưới ngâm nước,  khi mang về chúng còn nhảy tưng tưng đem kho dưa cải hoặc chiên xù giòn rụm, anh em, bè bạn  xúm xít lại làm vài lon bia, hàn huyên đủ điều thì thật là lý thú.

Không như bắt cá đối, việc câu cá dò phải dùng cần và lưỡi rườn (loại bốn chấu nhỏ). Ở Đà Nẵng, thường từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm là mùa câu cá dò. Mồi để câu loài cá này chủ yếu là tép hoặc bột mì trộn nhão với nước và ít nắm ruốc, vo thành cục dẻo như bánh bao. Chỉ cần ngắt một tý nhỏ như hạt đậu xanh tra vào  lưỡi thả xuống biển là có thể câu được cá.

Buông câu ngồi đợi cá dò ăn mồi.

Cá dò loại nhỏ là loài dễ câu nhất nhưng câu được cá lại không dễ chút nào, bởi tuy chúng thuộc loại ăn tạp, song kiểu đớp mồi của chúng rất “khó chịu”.   Hồi mấy người bạn mới rủ tôi đi câu, ai cũng giật được cá ngay, riêng tôi suốt cả buổi vẫn không bắt được chú nào, tức quá tôi gác cần để theo dõi cách câu của họ.

Hóa ra, không như nhiều loài cá khác mỗi khi chộp được mồi là kéo chạy ngay nhưng ngược lại, cá dò có kiểu ăn rất “nhẹ nhàng”, thường chúng ria rỉa mồi ngay tại chỗ nên chỉ phát hiện chiếc phao nổi trên mặt nước hơi bị động đậy chút xíu thôi. Họa hoằn lắm mới có chú kéo lút phao. Thấy phao nhay nháy, tôi nghĩ chúng ăn “chưa chắc” nên cứ chờ  đợi cho đến lúc... hết mồi, còn mấy anh bạn tôi khi đó là giật nhẹ ngay nên cá dò cứ níu đầu  cần câu đến sướng! Học được cách này, từ đó tôi mới tóm được cá dò chẳng thua kém.

Câu cá dò rất khoái, song cũng rất... sợ? Tôi đã bị vây không ít loài cá dưới biển  chích rồi nhưng ớn nhất vẫn là cá dò. Mỗi khi gỡ câu, chẳng may vây của chúng đâm vào tay một tý thì coi như nghỉ giải lao để ôm chặt phần da thịt bị chích mà xuýt xoa vì cái  nhức buốt đến tê dại.

Chính vì thế nên có người mới đi câu, khi thấy chú cá dò đang lơ lửng cùng sợi cước, thích quá, xòe bàn tay chộp ngay chúng rồi hoảng hốt quăng cần, vứt cá bởi cái nhức nhối đến rợn người. Ngay cả lúc  chúng đã chết cứng rồi nhưng khi làm cá cũng hết sức cẩn thận, không khéo phải ôm tay kêu trời!

Có người dù rất bận bịu với bao công việc, song trong tuần phải dành chút thời gian để đi câu. Ai đã mê câu thì không kể nắng, mưa, trưa, tối. Họ mang chai, vác cần ra biển không phải cơm gạo mà để kiếm tìm chút cảm giác trong sự đam mê, thích thú đến  say lòng.

Thái Mỹ