Di dân chưa ấm chỗ, gặp mưa nhiều hộ phải đi ở nhờ
Vừa chuyển đến khu di dân vùng Cửa Truông để tránh ngập lụt chưa ấm chỗ, nhiều hộ dân ở xã Minh Hóa, H. Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) lại phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi nơi ở mới bị sạt lở, hàng nghìn khối đất đá chờ chực ập xuống nhà bất cứ lúc nào, nhất là những khi trời mưa to.
Khu di dân nằm dưới các “bẫy đá”. |
Thực hiện chủ trương di dời để tránh ngập lụt, tháng 6-2019, 41 hộ dân ở các vùng ngập lụt nặng tại xã Minh Hóa (H. Minh Hóa) đã đến ở khu di dân khẩn cấp vùng ngập lụt lên vùng cao Cửa Truông. Dự án này được khởi công xây dựng từ năm 2015, chia thành 2 giai đoạn với tổng kinh phí 26 tỷ đồng do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, hiện tại đã hoàn thành giai đoạn 1 với kinh phí khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Được thoát khỏi nơi trũng thấp, lụt lội suốt nhiều năm nên các hộ dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, khi đến nơi ở mới chưa ấm chỗ, nhiều hộ gia đình đã phải đi ở nhờ nhà người quen vì ở đây lại xảy ra sạt lở, hàng nghìn khối đất đá có thể ập xuống nhà bất cứ lúc nào. “Gia đình tôi có 7 người, trước đây vốn ở thôn 4 Kim Bảng, xã Minh Hóa. Vì thường bị ngập lụt nên tháng 6 vừa qua gia đình tôi được chuyển đến vùng cao Cửa Truông để sinh sống. Khoảng 2 giờ ngày 2-9, khi cả nhà đang ngủ thì bỗng tỉnh dậy vì nghe tiếng ầm ầm rất lớn, khu vực núi phía sau lở, đổ ập xuống, đất đá trút xuống nhà khiến một số đồ dùng của chúng tôi bị hư hỏng, vật nuôi bị đất đá đè chết. Sau đó gia đình tôi đã phải đến nhà bà con để ở nhờ”, chị Trương Thị Thanh, người dân ở khu di dân Cửa Truông kể lại.
Trong những ngày mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua, không chỉ gia đình chị Thanh mà nhiều hộ khác tại Cửa Truông phải đi ở nhờ nhà người quen, Gia đình ông Cao Long Vĩ cũng là một trong những hộ đó: “Được di dời đến đây ở cũng mừng lắm, nghĩ bao đời nay gia đình phải sống nơi ngập lụt vất vả, giờ đến đây thì an toàn rồi. Nhưng đâu ngờ đến đây ở thì bị sạt lở thế này sợ lắm, ngày mưa to phải đi ở nhờ, còn ngày bình thường về ở vẫn sợ vì đất vẫn sạt mà trong nhà có con nhỏ lỡ có chuyện gì xảy ra, mà không ở thì không biết làm sao, giờ nhà cửa đã chuyển lên đây hết rồi, đất ở nơi cũ cũng bàn giao lại cho xã rồi”, ông Vĩ nói.
Sau khi mưa lũ rút, các gia đình bị sạt lở được quay lại nhưng họ không yên tâm sinh sống trong chính ngôi nhà của mình vì phía trên sau nhà là cả một dãy núi bị rạn nứt hàng chục mét. Chỉ cần mưa là quả “bom đất” này có thể đổ ập xuống những ngôi nhà ở chân núi bất cứ lúc nào, hậu quả chắc chắn sẽ khó lường.
Nhiều tảng đá có khối lượng lớn bị nứt ra tách khỏi khối nguy cơ lăn vào nhà dân bất cứ lúc nào. |
Theo người dân tại Cửa Truông, một phần nguyên nhân là do mái ta-luy dương sau khu dân cư không có kè chống sạt lở, nhiều chỗ san bạt cao nhưng thẳng đứng, không được giật cấp nên khi mưa dài ngày đã xảy ra tình trạng sạt lở, đe dọa đời sống người dân.
Theo ông Cao Đình An- Chủ tịch UBND xã Minh Hóa thì mỗi hộ dân khi đến đây được cấp gần 400m2 đất, bề rộng 12,5m, dài 30m. Người dân lại ở quá sát chân núi nên chính quyền đang vận động lùi ra vì phía trước đất còn rất nhiều. Trong khi đó, ông Bùi Anh Tuấn- Chủ tịch UBND huyện này thông tin: “41 hộ dân được di dời lên vùng cao Cửa Truông vào tháng 6-2019 nhưng trong đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua vùng này lại bị sạt lở khiến hơn ngàn khối đất bị sạt xuống, ảnh hưởng đến đời sống bà con. Sau khi kiểm tra tình hình, huyện đã trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ xã tiến hành bốc hết phần đất sạt lở, giúp người dân ổn định cuộc sống, tuy nhiên đấy mới chỉ là biện pháp tình thế, lâu dài phải xử lý triệt để để đảm bảo an toàn cho người dân”.
Trả lời về vấn đề khu di dân lại phải di dời, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Nguyễn Quốc Út cho biết, dự án Di dân khẩn cấp vùng ngập lụt lên vùng cao Cửa Truông được UBND tỉnh phê duyệt và khởi động từ năm 2012, nhưng đến năm 2015 mới có vốn để triển khai giai đoạn 1, còn giai đoạn 2, hiện chưa có vốn để thực hiện. “Về địa điểm thì xã chọn và có tờ trình xin tỉnh, Chi cục chỉ quản lý về mặt Nhà nước. Trong quá trình làm, Cty Ánh Dương đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế, và hoàn thành 3 năm rồi. Trải qua 2 năm 2016, 2017 có mưa lũ lớn, nhưng không xảy ra tình trạng sạt lở, nên giờ mới xảy ra nên chúng tôi rất bất ngờ. Trước mắt, xã và huyện đã đưa máy xúc vào xử lý tạm thời”, ông Út nói.
Cũng theo ông Út, dự án này vừa được Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh thanh tra có kết luận vào tháng 8-2019, ghi nhận không có vấn đề gì nên mới đưa người dân lên sinh sống.
Được biết, nơi ở cũ là vùng trũng thấp, mỗi mùa mưa lũ về bà con luôn sống trong cảnh lo âu thấp thỏm. Nay đến nơi ở mới cuộc sống người dân lại tiếp tục bị đặt trong tình huống nguy hiểm không kém. Mùa mưa lũ vừa mới bắt đầu, người dân rất mong các cấp chính quyền có phương án xử lý, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, tránh điều đáng tiếc xảy ra.
DUY NGỌC