Di dời khẩn cấp 42 hộ dân vùng sạt lở

Thứ tư, 12/07/2017 10:11

(Cadn.com.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu vừa ký quyết định di dời khẩn cấp 42 hộ dân ở các huyện: Đại Lộc, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh và thị xã Điện Bàn ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao đến các khu tái định cư. Là một trong số những hộ dân nằm trong diện di dời khẩn cấp lần này, ông Huỳnh Châu (trú xã Điện Minh) thở dài: "Cả gia đình 5 miệng ăn trông cậy hết vào 3 sào hoa màu. Vậy mà mỗi năm sông lấn đất đi một ít rồi cuối cùng tới cái nhà của mình cũng sắp dâng cho hà bá. Nhiều lần chính quyền địa phương xuống vận động, chúng tôi cũng muốn đi lắm nhưng lấy cái gì mà chuyển đi rồi đi thì lấy cái gì mà sống?", ông Châu thở dài. Cả một đời làm nông, ông Châu vẫn nhớ như in những thửa đậu xanh, đậu phộng mơn mởn ven bờ Vu Gia của gia đình. Nhưng đó chỉ còn là chuyện dĩ vãng,  nay những thửa đất màu mỡ của phù sa sông đã trả về lại cho dòng sông.

Khu vực bờ kè xã Tam Hải bị sóng đánh sập uy hiếp hàng trăm hộ dân sinh sống ven biển.

Ông Châu cho biết trong đợt này tỉnh hỗ trợ người dân 20 triệu đồng/hộ nhưng ông lo lắng nhất là việc đi lại học tập làm việc của cả gia đình sẽ bị xáo trộn. "Vô khu tái định cư thì yên ổn phần ở nhưng chỗ con tôi học khá xa và công việc của tôi cũng gắn liền với ngôi nhà cũ. Bây giờ tiền di chuyển đồ đạc sắm sửa cho nơi ở mới cũng mất khá nhiều rồi, tôi chưa biết tính làm sao đây. Nghe thông tin di dời khẩn cấp mà cả gia đình tôi đứng ngồi không yên ", ông Châu chia sẻ.

Còn tại thôn Bình Trung (xã Tam Hải, H. Núi Thành) chỉ trong vòng vài năm trở lại đây biển đã lấn sâu đất liền cả trăm mét. Báo Công an Đà Nẵng đã có nhiều tuyến bài phản ánh việc sạt lở bờ biển nơi đây nhưng nay trở lại tình hình đã diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Ngay cả dự án kè chống lở của Hà Lan cũng bị sóng đánh tan tác. Qua quan sát của PV, hàng trăm mét bờ biển đã lấn sâu vào đất liền. Nhiều ngôi nhà của những hộ dân đã di dời nay nằm chơi vơi sát mép biển. Nhiều người tiên lượng cứ tiếp diễn tình trạng này chẳng bao lâu nữa xã Bình Trung sẽ bị xóa sổ.

Anh Trần Văn Tế (34 tuổi), trú thôn Bình Trung, xã Tam Hải cho biết: "Sạt lở bắt đầu xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây. Những hộ dân ở gần nhà tôi do có điều kiện kinh tế đã di dời hết chỉ còn lại một số hộ nuôi trồng thủy sản như gia đình tôi là ở lại. Thôi thì đợt này có sự hỗ trợ của tỉnh gia đình tôi quyết di dời. Ở đây không sớm thì muộn cũng phải bỏ của chạy lấy người". Quyết tâm là vậy nhưng anh Tế vẫn lo lắng vì bao lâu nay gia đình anh sống phụ thuộc vào ao nuôi tôm thẻ đào sát biển. Di dời đến nơi ở mới đồng nghĩa với việc anh Tế phải tìm sinh kế mới cho gia đình. Hai vợ chồng trẻ, 2 đứa con nhỏ với một cuộc sống mới đầy khó khăn khiến anh Tế không khỏi bất an.

Những ngôi nhà nằm sát mép biển bị bỏ hoang, người dân đã đi nơi khác sinh sống.

Được biết từ năm 1997 đến nay toàn tỉnh đã di dời hơn 16 nghìn hộ dân sinh sống ở vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới an toàn, song hiện nay vẫn còn khoảng 6.000 hộ dân sinh sống ở vùng sạt lở  cần phải di dời. Tuy nhiên, đây không phải là con số cố định mà còn tùy thuộc vào tình hình mưa lũ xói lở hằng năm trên địa bàn. Trao đổi với ông Nguyễn Đức Chơi-Trưởng phòng nông nghiệp thị xã Điện Bàn cho biết, là vùng rốn lũ lại có những 3 con sông lớn Thu Bồn, Vu Gia, sông Yên thế nên việc sạt lở đã không còn là chuyện xa lạ với người dân nơi đây. Thế nhưng vài năm trở lại đây tốc độ sạt lở càng trở nên nhanh hơn và mạnh hơn vào mùa hè. Thời tiết bất thường, hút cát quá mức và nhiều nguyên nhân khác khiến đất đai xói lở, còn người nông dân phải gánh chịu hậu quả. Chỉ trong thời gian ngắn nhiều hộ dân đã phải di dời nhà cửa. Nếu không tiến hành sớm thì hậu quả khôn lường. "Nhiều hộ dù đã nằm trong nguy cơ sạt lở cao tuy nhiên vẫn cố nán lại. Chính quyền địa phương đã nhiều lần xuống làm công tác tư tưởng cho người dân hiểu nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản nhưng nhiều hộ vẫn chưa thông", ông Chơi cho biết.

Là địa phương có nhiều xã miền núi nên H. Phú Ninh đang có hàng chục trường hợp phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên đây chỉ mới là di dời tạm thời đến nơi an toàn còn việc ổn định chỗ ở, vào khu tái định cư vẫn phải đợi thông tin từ tỉnh. "Vừa rồi khi có thông báo từ Sở nông nghiệp chúng tôi cũng đã đề xuất hàng chục trường hợp cần phải di dời.  Tuy nhiên hiện nay huyện vẫn chưa nắm được có bao nhiêu hộ dân được hỗ trợ trong dịp này. Đây là vấn đề phức tạp lâu dài mà huyện đang phải đối mặt".

ĐỒNG DAO