Di dời nhà máy thép lên H. Nam Giang là phù hợp?

Thứ sáu, 14/10/2016 10:51

(Cadn.com.vn) - Chiều 13-10, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo để thông tin nội dung liên quan Dự án đầu tư Nhà máy thép Việt Pháp của Cty TNHH Thép Việt Pháp (viết tắt: NMT V-P) tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ (H. Nam Giang, Quảng Nam). Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Tuyết Hạnh và Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch đồng chủ trì buổi họp báo.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch trả lời các câu hỏi của P.V đặt ra tại buổi họp báo.

Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của đông đảo phóng viên. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Không ô nhiễm như dư luận lo sợ!

Tại buổi họp báo, đông đảo P.V của các cơ quan thông tấn báo chí đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh các vấn đề về dư luận đang quan tâm như: Nhà máy đi vào hoạt động có gây ô nhiễm hay không? Vì sao không đưa nhà máy này vào các khu công nghiệp dưới đồng bằng mà đưa lên thượng nguồn sông Vu Gia? Nam Giang hiện đang có 2 mỏ sắt có trữ lượng khoảng 2 triệu tấn, vậy việc đưa nhà máy thép lên đó có phải "dọn đường" cho sự ra đời của nhà máy chế biến quặng sắt sau này không? Nhà máy đang sử dụng công nghệ gì để sản xuất thép? Việc nhập thép phế liệu về để luyện thành sản phẩm thép như vậy vô hình chung Quảng Nam trở thành nơi chứa rác thải công nghiệp của thế giới hay không?...

Tại buổi họp báo, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch (nguyên cán bộ Trung tâm Công nghệ Môi trường Đà Nẵng), thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường cho NMT V-P đã trả lời một số nội dung các câu hỏi mà P.V nêu. Tiến sĩ Thạch nhận định: "Việc di dời nhà máy thép lên Nam Giang là hoàn toàn đúng. UBND tỉnh Quảng Nam đã tính đến chuyện phát triển bền vững cho huyện miền núi Nam Giang nên mới dời nhà máy thép lên đây. Có thể di dời nhà máy này vào KCN Chu Lai nhưng hiệu quả việc phát triển KT-XH không bằng đưa lên Nam Giang. Tại TP Đà Nẵng cũng đang tồn tại 4 nhà máy có công nghệ như vậy. Đây là công nghệ mức trung bình khá, thiết bị nhập từ Trung Quốc. Vấn đề bụi đã được dùng công nghệ theo quy trình khép kín; nước thải sản xuất gần như không thải ra bao nhiêu, chỉ lượng nước làm nguội cho sản phẩm cuối cùng nhưng rất ít. Định kỳ khoảng 2 tuần nước thải xả ra một lần nhưng được hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom đưa đi nơi khác xử lý. Còn nước thải vệ sinh và nước thải nhà ăn với khối lượng khoảng 19,5m3/ngày được xử lý sơ bộ sau đó qua bể kỵ khí có vách ngăn mỏng (Bastaf) "bể hiếu khí" bể khử trùng và cuối cùng qua bể sinh học (có lót đáy) xử lý đạt quy chuẩn và thải ra môi trường. Khoảng cách giữa khu dân cư so với nhà máy xa nên ô nhiễm tiếng ồn được bảo đảm".

Nói về việc nhập "rác thải" từ nước ngoài, ông Thạch cho rằng: "Hiện tại do nhu cầu phát triển đất nước nên mình phải chấp nhận nhập sắt thép phế liệu nước ngoài về để tái chế sản xuất lại. Nhưng việc nhập sắt thép phế liệu nước ngoài về sẽ theo quy chuẩn của Nhà nước quy định chứ không phải cái gì cũng nhập được. Cái gì ô nhiễm môi trường, không tái chế được thì sẽ không được nhập".

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Thạch cũng nhận định: "Không thể khẳng định phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến môi trường. Nếu nói dự án nhà máy nào không gây ảnh hưởng đến môi trường là không thực tế. Nhưng việc ô nhiễm đó nằm trong ngưỡng cho phép của các quy định hiện hành của Nhà nước hay không. Nếu đảm bảo các tiêu chí quy định thì được phép hoạt động. Việc NMT V-P không ô nhiễm ra bên ngoài nhưng có ảnh hưởng đến dân cư. Điều đó thể hiện qua việc phân tích các mẫu không ô nhiễm, nhưng người dân lại bất an, lo lắng đó là thực tế. Lo lắng hoàn toàn đúng khi nhà máy hiện tại quá gần khu dân cư. Việc di dời nhà máy lên Nam Giang - nơi cách xa khu dân cư nên sẽ khắc phục được tình trạng đó"- ông Thạch nói.

Lãnh đạo H. Nam Giang mong muốn được đầu tư nhà máy

Còn Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang thẳng thắn cho biết: Quan điểm của tỉnh Quảng Nam không cho phép khai thác các mỏ quặng sắt trên địa bàn để làm nguyên liệu sản xuất sắt thép và cũng không có chủ trương để doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất thép từ các mỏ sắt. "Trong quá trình phát triển, Quảng Nam luôn quan tâm đến quyền lợi khu vực lân cận, trong đó có Đà Nẵng. Quảng Nam xác định không gian vùng để tạo liên kết phát triển bền vững. Đà Nẵng và Quảng Nam tuy hai nhưng một, là anh em trong nhà nên Quảng Nam sẽ không làm những gì gây ảnh hưởng đến Đà Nẵng. Thời gian qua, do thông tin vụ việc chưa rõ ràng nên người dân chưa an tâm. Qua đây tôi cũng khẳng định việc đầu tư nhà máy thép đã được thẩm định, đánh giá tác động môi trường rất kỹ. Do vậy việc ảnh hưởng đến môi trường không như người dân lo lắng"- ông Quang nhận định.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Tuyết Hạnh thông tin thêm, ngày 28-9-2016, Sở TN&MT tỉnh đã tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án trên và đã mời một số chuyên gia có kinh nghiệm về môi trường tham gia thẩm định. Hội đồng thẩm định gồm 9 người, với những nhà khoa học giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường. Theo đó, ý kiến của các thành viên Hội đồng đã thống nhất thông qua nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung 3 nội dung để hoàn thiện báo cáo đánh giá môi trường của dự án trên. 3 nội dung gồm: Các phương án giải phóng mặt bằng, phương án di dời dân và khảo sát nguồn nước cấp tại khe suối gần dự án".

Đại diện chính quyền H. Nam Giang, ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND H. Nam Giang cũng tha thiết mong muôn nhà máy thép này được đầu tư tại địa phương để góp phần phát triển KT-XH: "Thời gian qua, Nam Giang cũng đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp lên khảo sát, đầu tư. Tuy nhiên họ lên rồi đi luôn không quay lại... Quan điểm của H. Nam Giang thống nhất chủ trương cho nhà máy này vào đầu tư để góp phần phát triển địa phương. Qua đây địa phương cũng mong muốn cơ quan báo chí và các ngành chức năng ủng hộ việc đầu tư xây dựng nhà máy để Nam Giang có điều kiện phát triển"- ông Sơn tha thiết nói.

Trần Tân