Liên quan đến Dự án Nhà máy thép Việt Pháp tại H. Nam Giang (Quảng Nam): Lo lắng là chính đáng

Thứ ba, 11/10/2016 11:26

Chính quyền H. Nam Giang lên tiếng

(Cadn.com.vn) - Liên quan đến việc UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương cho phép đầu tư Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa (TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang), ngày 10-10, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông ALăng Mai – Chủ tịch UBND H. Nam Giang nhìn nhận: “Muốn thay đổi miền núi thì phải có doanh nghiệp vào đầu tư, chứ ngân sách của Chính phủ không ăn thua. Trên thực tế đó, vừa qua Cty TNHH Thép Việt Pháp đặt vấn đề khảo sát muốn đầu tư tại Nam Giang. Về tinh thần chủ trương, huyện hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, từ trước đến nay chưa có nhà máy đầu tư về sắt thép, tất nhiên về quy trình chúng tôi phải xin ý kiến của tỉnh. Quy trình đảm bảo thủ tục hồ sơ, một dự án trên địa bàn thì đòi hỏi các quy trình, các bước như thế nào, đặc biệt đối với lĩnh vực thép đang là vấn đề nhạy cảm về vấn đề môi trường vừa qua như Formosa Hà Tĩnh, chúng tôi lưu tâm, lưu ý về vấn đề này.

Ông ALăng Mai – Chủ tịch UBND H. Nam Giang trao đổi với P.V ngày 10-10.

Quan điểm của huyện thì không phải vì mục tiêu hàng đầu phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường. Còn những cái gì về tác động môi trường trong giới hạn cho phép và sự đồng ý chủ trương của tỉnh thì huyện triển khai thực hiện lâu dài. Từ quan điểm như thế thì huyện tổ chức đưa cán bộ huyện, thị trấn đi thăm Nhà máy thép Việt Pháp đang đóng tại TX Điện Bàn. Qua thăm thực tế chúng tôi thấy người ta sử dụng nguyên liệu thép phế liệu để nhập vào sản xuất nấu ra thép. Theo báo cáo của Cty, 1,5 tấn phế liệu thì nấu được 1 tấn thép thành phẩm. Sau khi tìm hiểu về nhà máy, huyện tổ chức họp, qua đó Huyện ủy, Ủy ban thống nhất có chủ trương đồng ý cho Cty TNHH Thép Việt Pháp vào khảo sát tại Cụm công nghiệp Thạnh Mỹ - nơi đang có Nhà máy xi-măng Xuân Thành hoạt động…”.

Về việc UBND TP Đà Nẵng lo lắng dự án nhà máy thép nằm ở lưu vực sông Vu Gia nên đã có công văn gửi tỉnh Quảng Nam, ông A Lăng Mai nhận định: “Việc Đà Nẵng lo lắng là chính đáng. Tôi nghĩ không chỉ riêng Đà Nẵng mà cả vùng hạ lưu Quảng Nam. Nhưng phải hiểu rõ bản chất Nhà máy thép Việt Pháp không như Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, tỉnh cùng với doanh nghiệp phải có phản hồi một cách chính thống. Cái gì tốt, cái gì chưa được thì phải nói để có giải pháp khắc phục về mặt công nghệ, đầu tư. Chứ sau này đầu tư có chuyện gì xảy ra thì không ai mong muốn và địa phương cũng không mong muốn như thế”.

Khu vực thôn Hoa, nơi dự kiến xây dựng Nhà máy thép.

Dự án chỉ được thực hiện khi đảm bảo về môi trường

Cùng ngày, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã ký công văn số 4887/UBND-KTN gửi Bộ TT&TT, UBND TP Đà Nẵng cùng các cơ quan thông tấn báo chí… về việc thông tin một số nội dung liên quan đến dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp. Công văn khẳng định: UBND tỉnh Quảng Nam chỉ thống nhất cho phép Cty TNHH Thép Việt Pháp khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại H. Nam Giang với quy mô khoảng 17,3ha và chưa thống nhất với tổng mức đầu tư của dự án là 975 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư chỉ được UBND tỉnh xem xét tại Quyết định chủ trương đầu tư. Tại thông báo số 420/TB-UBND ngày 23-9-2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy thép Việt Pháp, UBND tỉnh đã yêu cầu Cty TNHH Thép Việt Pháp thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các quy định hiện hành; trong quá trình lập quy hoạch chi tiết (1/500) dự án lưu ý đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, khoảng cách ly,… phù hợp với cấp độ độc hại của nhà máy; đồng thời giao trách nhiệm cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với dự án, trường hợp đánh giá tác động môi trường dự án tại địa điểm này không đạt các yêu cầu về môi trường, Sở TN&MT tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo. Vì vậy, việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư của dự án chỉ được thực hiện khi đảm bảo quy định về đánh giá tác động môi trường và các quy định có liên quan.

Về công nghệ sản xuất nhà máy thép là sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải. Bụi, khí thải được xử lý thông qua 3 công đoạn: Bụi, khí thải từ 4 lò luyện cảm ứng và khí thải trên nóc 2 phân xưởng được thu gom qua quạt hút đến Xyclon màng lọc nước (công đoạn 1) sau đó đến tháp bọt, hấp thụ ướt (công đoạn 2) đến hệ thống hấp thụ ướt dạng sóng và tách nước (công đoạn 3) đến ống khói cao 300m để thải ra môi trường. Đặc biệt đối với chất thải rắn và chất thải nguy hại sẽ hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom xử lý theo đúng quy định. Nguồn nước cấp sử dụng nước ngầm khai thác từ các giếng khoan và nguồn nước từ khe suối gần khu vực dự án.

Như vậy có thể thấy, công nghệ sản xuất của Nhà máy thép Việt Pháp là nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép, khác với Formosa Hà Tỉnh là tổ hợp các nhà máy luyện cán thép, nhiệt điện. “Qua phân tích như trên cho thấy việc các phương tiện thông tin so sánh việc ô nhiễm môi trường giữa Nhà máy thép Việt Pháp với Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai là không có sơ sở nên dẫn đến hiểu nhầm về mức độ ô nhiễm của Nhà máy thép Việt Pháp”- ông Toàn khẳng định.

Ông Toàn cũng cho biết thêm, đây là dự án thuộc diện di dời từ khu vực đông dân cư (TX Điện Bàn) sang địa điểm khu vực xa dân cư. Trước đây mặc dù Cty đã có nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kết quả phân tích mẫu khí thải đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, do nhà máy quá gần khu dân cư nên vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu kiện của người dân. Trước tình hình đó, để giải quyết các ý kiến của người dân và theo đề nghị của UBND TX Điện Bàn, UBND tỉnh đã có chủ trương di dời nhà máy tới khu vực xa dân cư phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh; đồng thời nhằm đảm bảo, khắc phục những hạn chế nêu trên. Đây là dự án sẽ giải quyết việc làm cho lao động tại khu vực miền núi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và dự kiến đóng góp các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Trần Tân

“Thôn Hoa (TT Thạnh Mỹ) có 118 hộ, khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy thép có hơn 20 với 17,2ha bị ảnh hưởng. Còn lại gần 100 hộ nằm cách khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy khoảng 1 km đường chim bay. Nếu nhà máy đưa vào hoạt động, nguồn nước thải không chảy trực tiếp ra sông mà chảy theo khe suối xuống xã Đại Hồng (H. Đại Lộc), sau đó đổ ra sông Vu Gia. Ban đầu công bố chủ trương thì chưa biết mức thiệt hại như thế nào, mức độ ảnh hưởng bao nhiêu. Tuy nhiên, trong thời gian qua qua thông tin đại chúng thì người dân rất lo lắng, hoang mang bởi họ lo sợ khí thải ảnh hưởng đến cuộc sống nên hiện tại bà con không chấp nhận Nhà máy này” Bnướch Sơn – Trưởng thôn Hoa cho biết.