Đi qua vùng thủy điện (3)

Thứ sáu, 04/11/2016 13:17

* Kỳ 3:  Nỗi lo mang tên thủy điện

(Cadn.com.vn) - Sau sự cố vỡ đường ống dẫn dòng của dự án công trình thủy điện (CTTĐ) Sông Bung 2 (H. Nam Giang), nhiều người dân sống dưới vùng hạ du của CTTĐ này lo lắng, bất an. Thậm chí nhiều hộ dân đang tìm phương án di chuyển chỗ ở để đảm bảo tính mạng cho gia đình.

Ám ảnh chạy lũ

Đầu tháng 9 vừa qua, khi hay tin CTTĐ Sông Bung 2 tích nước, hàng trăm người dân trong và ngoài H. Nam Giang đổ xô về khu vực thượng nguồn sông Bung (phía dưới chân đập CTTĐ Sông Bung 2) để bắt cá, đãi vàng. Vì khi CTTĐ tích nước, phía hạ lưu con sông Bung dòng nước sẽ khô cạn nên thuận lợi cho người dân trong việc đánh bắt cá, khai thác vàng sa khoáng. “Thời điểm đó, cũng như nhóm của tụi tôi, nơi đây mỗi ngày có hàng trăm người hành nghề. Rất may sự cố vỡ đường ống dẫn dòng xảy ra cuối giờ chiều, lúc này đa số người dân đã lên bờ nghỉ ngơi, nấu nướng chuẩn bị cho bữa tối nên không thiệt hại về người. Nếu sự cố xảy ra sớm hoặc xảy ra vào ban đêm thì không biết bao nhiêu người bị dòng nước hung dữ cuốn trôi” - ông Trần Đình Nghĩ (1964, trú xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc), một trong những người may mắn thoát chết trong sự cố trên nhận định.

Việc sạt lở nghiêm trọng khu vực hạ lưu CTTĐ Sông Bung 2 khiến nhiều người lo lắng.

Vì biết phía dưới hạ du có hàng trăm người đang mưu sinh, nên ngay sau sự cố trên xảy ra khoảng vài phút,  Phó trưởng CAH Nam Giang Hà Thế Xuyên đã điện thoại cho P.V với tâm trạng rất hoảng hốt, lo lắng vì có hàng chục người dân đã bị dòng nước cuốn trôi mất tích. Đêm đó, Nam Giang không ngủ. Ngay trong đêm, chính quyền H. Nam Giang và các ngành chức năng đã huy động toàn bộ lực lượng để liên hệ đến từng thôn, bản nơi có người dân đang mưu sinh tại khu vực trên để nắm lại số liệu người mất tích. Đến trưa 14-9, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương, Đại tá Lê Quang Vịnh - Trưởng CAH Nam Giang thông báo toàn bộ những người trong danh sách “mất tích” trước đó đã liên lạc được, lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm...

Do ám ảnh những trận lũ kinh hoàng trước đó, cộng thêm việc các hộ dân của xã đang làm ăn dưới chân đập CTTĐ Sông Bung 2 điện về báo “vỡ đập” nên hàng trăm hộ dân 2 xã Đại Sơn và Đại Lãnh (H. Đại Lộc) kéo nhau chạy lên núi lánh nạn. Ông Ngô Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn kể lại: hôm đó, người thân các hộ dân trên địa bàn xã làm ăn ở khu vực CTTĐ Sông Bung 2 điện thoại báo về nói “vỡ đập” khiến cả xã hoảng loạn. Chỉ vài phút sau, thông tin nhanh chóng lan truyền, trong khi nước sông Vu Gia sau mấy ngày mưa đang lên khiến người dân trong xã hoang mang, hầu hết toàn xã với 550 hộ, hơn 2.100 người của cả 7 thôn tự động thu gom đồ đạc tìm lên đồi cao lánh nạn. Chính quyền địa phương cũng nhốn nháo không biết thực hư ra sao để trấn an người dân. Ngoài xã Đại Sơn, hôm đó xã Đại Lãnh cũng có 100 hộ dân vùng thấp trũng bỏ chạy lên núi.

“Còn nhớ năm 2009, khi thủy điện A Vương xả lũ đột ngột khiến nhiều xã ở hạ du vùng Đại Lộc bị lũ kép gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tiếp đến, năm 2013 thủy điện Đắc Mi xả lũ gây xói lở đất, cuốn trôi nhiều tài sản của dân... nên thông tin vỡ đập dù chưa biết chính xác đến đâu cũng làm cho người dân khu vực này lo lắng” - ông Vinh tâm sự.

Toàn cảnh CTTĐ Sông Bung 2 nhìn từ trên cao.

Bất an

Sau sự cố trên, nhiều người dân sống lưu vực đập CTTĐ Sông Bung 2 rất bất an, lo sợ. Gặp chúng tôi, chị Phạm Thị Vân - chủ quán tạp hóa sống gần khu vực Nhà máy CTTĐ Sông Bung 2 than vãn: “Mới một đợt “xả lũ” của CTTĐ Sông Bung 2 vừa qua mà dọc khu vực này đất đai bị sạt lở hết. Tôi đang bàn tính với gia đình chuyển đi nơi khác mưu sinh chứ sống ở đây thấy bất an quá”.

Là địa phương có nhiều CTTĐ đang hoạt động, sau sự cố vỡ đường ống dẫn dòng của CTTĐ Sông Bung 2, chính quyền và người dân H. Nam Giang rất bất an. Ông ALăng Mai - Chủ tịch UBND H. Nam Giang cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 6 CTTĐ, gồm Sông Bung 6, Sông Bung 5, Sông Bung 4A, Sông Bung 4, Sông Bung 2, Đắc Pring, trong đó đã có 4 CTTĐ hoạt động. Ngân sách từ CTTĐ do tỉnh thu chứ không phân cấp về cho địa phương. Địa phương chỉ có được nguồn thu từ tài nguyên nước và thuế giá trị trên sản xuất, nhưng bình quân một năm chỉ hơn 1 tỷ đồng. “Sau sự cố thủy điện Sông Bung 2, người dân sống khu vực hạ lưu rất lo lắng. Nam Giang là địa phương có nhiều CTTĐ, nhưng việc giám sát hoạt động của các thủy điện này ở cấp huyện phần nào cũng còn những hạn chế, do vậy để đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện, các ngành chức năng của tỉnh, của T.Ư cần tăng cường giám sát, đặc biệt trong mùa mưa lũ để tránh những trường hợp đáng tiếc như vừa qua”- ông Mai nói.

Được biết, liên quan đến sự cố vỡ đường ống dẫn dòng của CTTĐ Sông Bung 2, hiện đoàn công tác của Bộ Công Thương đang vào cuộc điều tra, làm rõ.

Bão Bình
(còn nữa)