“Di sản” chiến tranh Iran – Iraq
(Cadn.com.vn) – 35 năm trước, cuộc chiến tranh dài nhất Trung Đông nổ ra. Dù đã kết thúc nhưng 8 năm đối đầu giữa Iran và Iraq để lại nhiều “di sản” đến ngày hôm nay.
Cuộc chiến Hussein - Khomeini
Trong thời kỳ xảy ra chiến tranh, hai nước khác nhau rõ rệt. Iraq dưới sự cai trị của Tổng thống Saddam Hussein, người sau này bị lật đổ, đưa ra xét xử, và xử tử sau khi Mỹ kéo quân vào nước này năm 2003. Nước láng giềng Iran đặt dưới bàn tay nắm quyền của Ayatollah Khomeini, người sống lưu vong trở về nước để lãnh đạo cuộc cách mạng Iran năm 1979 lật đổ Vua Shah. Một cuộc đối đầu với kỳ phùng địch thủ Saddam diễn ra trong bối cảnh ông Khomeini đang đấu tranh để củng cố cách mạng chống những kẻ thù trong nước.
Chiến sự nổ ra vào tháng 9-1980 sau nhiều tháng căng thẳng tại khu vực biên giới. Quân đội Iraq tiến vài trăm ki-lô-mét vào lãnh thổ Iran và máy bay chiến đấu nước này tấn công sân bay Tehran. “Mặc dù Saddam chịu trách nhiệm pháp lý về cuộc xâm lược bất hợp pháp, Khomeini lại thực hiện chiến dịch lật đổ Iraq bằng cách khiêu khích”, giáo sư Mansour Farhang, người từng là Đại sứ Iran tại LHQ và là trung gian quốc tế trong những năm đầu của cuộc chiến, cho biết. Khi chiến tranh kéo dài, cả hai bên nhận được sự hỗ trợ và nguồn cung cấp từ các đồng minh nước ngoài, trong đó Mỹ trở thành nước viện trợ quan trọng về kinh tế và quân sự cho Iraq. Lực lượng chiến đấu của Iran cũng được nhận hỗ trợ từ các tay súng chiến đấu trên các mặt trận.
Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, cuộc chiến dần “bị lãng quên”, ngay cả khi Iran và Iraq ngày càng trả giá quá đắt cho hành động của mình. Thế giới chỉ bừng tỉnh khi quy mô của các cuộc tàn sát lên tới mức đỉnh điểm. Đó là khi ông Saddam bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống Iran. Và mọi việc trở nên cấp thiết đối với Tehran khi máy bay 655 của hãng Iran Air bị tàu tuần dương USS Vincennes bắn hạ vào tháng 7-1988, giết chết 290 người trên khoang. Mỹ bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc”, nhưng Tehran nghi ngờ, Washington sắp trở thành nước trực tiếp tham gia vào các cuộc xung đột lớn này.
Thậm chí, ông Khomeini mô tả quyết định miễn cưỡng trong việc chấp nhận nghị quyết của LHQ nhằm chấm dứt tình trạng chiến tranh là “uống thuốc độc”.
Chiến tranh Iran-Iraq khiến hàng triệu người thiệt mạng. Ảnh: BBC |
Hậu quả để lại
Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến Iran-Iraq tác động sâu sắc đến cách thức mà cả hai nước đang phát triển.
Và tất nhiên, những tổn thất về con người là vĩnh viễn, không thể xóa nhòa. Ước tính, hàng triệu người đã thiệt mạng. Và những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến hầu như bị lãng quên bởi khu vực này hiện vẫn chìm trong đạn pháo. Syria, Iraq và Yemen ngày càng bị chia rẽ sâu sắc: người Shitte chống người Sunni, Vùng Vịnh với Arab và nguy cơ “cuộc chiến tranh lạnh mới” giữa Moscow và Washington.
Iran hiện nay là một nước mạnh trong khu vực, có ảnh hưởng đáng kể đối với người Shitte Iraq và một số lực lượng dân quân vũ trang của nước này. Trong khi đó, kể từ năm 1988, Baghdad tiếp tục rơi vào chiến tranh hiện giờ đang phải chiến đấu với nhóm IS, một phong trào chống Shitte mạnh mẽ. Ayatollah Khomeini đã thử và thất bại trong việc tập hợp đa số người Shitte Iraq về phía mình trong cuộc chiến 8 năm. Nhưng căng thẳng giáo phái hiện nay đang đe dọa sự sống còn của Iraq với tư cách một quốc gia thống nhất. Và nước láng giềng Syria là một bãi chiến trường giữa lực lượng của Tổng thống Assad với các lực lượng vũ trang chống đối được sự ủng hộ của các quốc gia Arab và phương Tây.
Hậu quả lớn nhất có lẽ là sự tuyệt vọng của hàng triệu người phải trốn chạy, thể hiện trong việc những người tị nạn tuyệt vọng đang tìm đường sang Châu Âu.
An Bình
(Theo BBC)