Di tích Chăm ở Đà Nẵng: Nỗi buồn sau khai quật
(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, Đà Nẵng liên tiếp phát lộ nhiều di tích Chăm. Tại những di tích này, giới khảo cổ thu được nhiều hiện vật giá trị và nó cũng hé lộ bí mật về kiến trúc xây dựng đền tháp của người Chăm xưa. Ai cũng bất ngờ khi biết Đà Nẵng tồn tại nhiều di tích Chăm đến thế. Nhưng sau khai quật, công việc tiếp theo sẽ là gì?
Vừa qua, tại thôn Quá Giáng 2 (xã Hòa Phước – Hòa Vang) lại phát hiện di tích tháp Chăm. Tại đây, các nhà khảo cổ thu thập được nhiều hiện vật Chăm rất độc đáo, trong đó có bệ thờ với kích thước lớn được tạo tác từ đá nguyên khối với hình thủy quái Makara. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện được một bệ thờ lớn, được làm bằng đá nguyên khối như thế ở một di tích Chăm. Những gì chúng tôi khai quật được cho thấy đây là di tích tháp Chăm khá lớn, có niên đại cách đây 1.000 năm. Những phát hiện ở di tích Chăm Quá Giáng cho thấy vùng đất Đà Nẵng tồn tại nhiều di tích Chăm độc đáo. Tuy nhiên, những móng tháp mà chúng tôi khai quật đều là tháp phụ, còn móng tháp chính thì nằm dưới nhà dân vì vậy không thể biết được quy mô của cả khu di tích Chăm Quá Giáng. Việc khai quật được hết di tích là rất cần thiết, tuy nhiên hiện chúng tôi không có kinh phí, nên chỉ khai quật một phần, rồi hoàn thổ”-ông Nguyễn Chiều, người trực tiếp khai quật di tích Chăm ở Quá Giáng 2 nói.
Sau 2 năm khai quật, Hố thiêng – di tích Chăm Phong Lệ đã dần xói lở. |
Chẳng riêng gì di tích Chăm ở thôn Quá Giáng 2, khi khai quật các di tích Chăm khác tại Cấm Mít (xã Hòa Phong) hay Phong Lệ (P. Hòa Thọ Đông) giới khảo cổ cũng đã phát hiện được nhiều điều thú vị. Nó cũng cho ta biết giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Đà Nẵng này phong phú như thế nào. Nhưng rồi, sau công bố, phát hiện, những di tích Chăm dường như bị bỏ quên. Cái thì được hoàn thổ trả lại hiện trạng ban đầu, cái khác thì nằm chỏng chơ trước nắng mưa. Di tích Chăm Phong Lệ, được khai quật vào năm 2012. Khi phát hiện ra di tích Chăm Phong Lệ, Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp với Trường Đại học khoa học, xã hội và nhân văn Hà Nội tổ chức khai quật thăm dò trên diện tích 506 m2. Cuộc khai quật đó được ví là “mở vào lòng đất”, chấm dứt giai đoạn trăm năm ẩn mình di tích Chăm Phong Lệ.
Lúc đó giới khảo cổ cả nước thật sự bất ngờ khi lần đầu tiên phát hiện hố thiêng trong di tích Chăm Phong Lệ. Việc khai quật trong lòng tháp là một phát hiện mới, vì trước đó chưa ai biết được cấu trúc cụ thể của lòng tháp Chăm được xây dựng như thế nào. Vì lẽ đó, sau khi khai quật, nhiều người nghĩ đến việc xây dựng nơi đây thành khu vườn khảo cổ hoặc bảo tàng ngoài trời để phục vụ du lịch. Thế nhưng, sau 2 năm khai quật, di tích Chăm Phong Lệ không những không thành nơi phục vụ du lịch, mà trở nên đìu hiu, vắng lặng. Những phiến đá và gạch Chăm phơi mình giữa nắng gió, hố thiêng xói lở...
Việc không triển khai dự định ở di tích Chăm Phong Lệ cũng khiến cho cuộc sống của người dân ở đây gặp khó, nhiều người không thể xây dựng nhà cửa vì đất nằm trên di tích. Về chuyện này, ông Võ Văn Thắng – Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, những cuộc khai quật di tích Chăm ở Đà Nẵng đều vì mục đích nghiên cứu, sau khi khai quật những di tích này đều được hoàn thổ. Riêng di tích Phong Lệ thì đã được thành phố phê quyệt quy hoạch với diện tích 2.000 m2 để nghiên cứu và phục vụ du lịch. “Việc xây dựng, cải tạo ở di tích Chăm Phong Lệ cần rất nhiều thời gian. Phải giải tỏa, đền bù cho người dân, rồi mới tính đến chuyện phát huy di tích” – ông Thắng nói.
Dù thế, nhưng dường như chúng ta chậm trong việc phát huy, gìn giữ di tích Chăm. Bởi nếu chủ tâm thực hiện thì không phải mất nhiều thời gian như thế để di tích Chăm Phong Lệ, cũng như những di tích khác trở thành điểm đến phục vụ du khách. Cần biết rằng, mỗi năm có hàng nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Đà Nẵng tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Và nếu có một bảo tàng Chăm ngoài trời nữa thì sẽ rất hay. Sau nghìn năm ẩn mình trong lòng đất, các di tích Chăm ở Đà Nẵng dần hé lộ, nhưng để gìn giữ, phát huy được giá trị di tích đó thì những cuộc khai quật thôi chưa đủ, mà cần phải được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Hoàng Anh