Đi tìm "công thức hòa bình" cho Ukraine

Thứ ba, 16/01/2024 10:17
Ukraine đang tiếp tục thúc đẩy công thức hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm qua với Nga tại hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 14-1.
Ông Andrii Yermak (trái) tại hội nghị lần thứ 4 của các cố vấn an ninh quốc gia về kế hoạch hòa bình cho Ukraine tại Davos, Thụy Sĩ ngày 14-1. Ảnh: EPA
Ông Andrii Yermak (trái) tại hội nghị lần thứ 4 của các cố vấn an ninh quốc gia về kế hoạch hòa bình cho Ukraine tại Davos, Thụy Sĩ ngày 14-1. Ảnh: EPA

Cuộc gặp có sự tham dự của đại diện 81 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có đại diện đặc biệt của Mỹ về phục hồi kinh tế Ukraine Penny Pritzker cùng Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á - Âu James O'Brien. Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak đại diện cho Tổng thống Zelensky tại các cuộc thảo luận ngày 14-1.

Thụy Sĩ trước đó cho biết các cuộc đàm phán về hòa bình Ukraine nhằm mục đích hoàn thiện các nguyên tắc để đảm bảo "một nền hòa bình lâu dài và công bằng ở Ukraine" ở cấp độ cố vấn an ninh quốc gia. Các nguyên tắc này sẽ tạo cơ sở cho các giai đoạn tiếp theo của tiến trình hòa bình.

Ukraine từ chối đóng băng xung đột

Phát biểu tại Davos về kết quả các cuộc thảo luận quốc tế liên quan đến Công thức hòa bình của Ukraine, ông Andrii Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết Kiev sẽ không chấp nhận đóng băng xung đột và sẽ tiếp tục giành lại các vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát. "Tổng thống Volodymyr Zelensky và đội ngũ của ông ấy sẽ không bao giờ đồng ý, không bao giờ chấp nhận đóng băng xung đột. Đó là điều không thể chấp nhận được với xã hội Ukraine. Ukraine không cần các cuộc xung đột đóng băng, chúng tôi chỉ cần một nền hòa bình lâu dài. Ukraine muốn ngăn chặn bất cứ hành động gây hấn nào trong tương lai", ông Yermak nói.

Tóm tắt kết quả vòng đàm phán thứ tư về kế hoạch chấm dứt xung đột Ukraine, ông Yermak cho hay, tất cả những người tham gia đều có tầm nhìn chung về các nguyên tắc của công thức hòa bình liên quan đến độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Hiến chương Liên hợp quốc. Tuy nhiên, về chi tiết của kế hoạch, ông thừa nhận các bên vẫn có quan điểm khác biệt nhất định. Ông nhấn mạnh: "Quan trọng là tất cả các quốc gia liên quan thực sự muốn tham gia, giúp chấm dứt cuộc chiến này và thiết lập hòa bình. Tuy nhiên, có những quan điểm và ý tưởng khác nhau về cách thực hiện. Điều này là tốt, bởi vì công thức và kế hoạch chung là sự kết hợp của nhiều quan điểm và nỗ lực khác nhau dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc". Ông Yermak cũng một lần nữa khẳng định các đối tác không thúc ép Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga và đưa ra các nhượng bộ lãnh thổ.

Xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu lắng xuống. Giới chức Kiev nhiều lần tuyên bố không chấp nhận đóng băng xung đột với Nga vì cho rằng điều này chỉ tạo điều kiện cho Moscow tập hợp lực lượng cho chiến dịch tấn công thậm chí lớn hơn. Mặt khác, Ukraine tin vào khả năng giành chiến thắng của mình. Trong các bài phát biểu, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, kịch bản này có thể trở thành hiện thực khi hiện giờ Ukraine đang được tăng cường năng lực quân sự. Ông nhấn mạnh thêm: "Chúng ta sắp có thêm những tin tốt về phòng không, sẽ có thêm tên lửa, hệ thống tác chiến điện tử. Ukraine có đủ tiềm năng để vượt qua giai đoạn khó khăn và giành chiến thắng".

Nga: phương Tây ngừng cung cấp vũ khí nếu muốn đàm phán

Hôm 15-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố nếu phương Tây muốn đàm phán về xung đột Ukraine thì nên ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev. Theo hãng thông tấn TASS, bà Zakharova đưa ra lời kêu gọi trên khi bình luận về tuyên bố của Ủy viên phụ trách ngoại giao của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, ông Ignazio Cassis nói rằng Nga nên được đưa vào các cuộc đàm phán hòa bình. Ông nhấn mạnh rằng một hội nghị hòa bình không thể được tổ chức nếu không có sự tham gia của Nga.

Bà Zakharova nói với tờ Izvestia: "Nếu nói về mong muốn của một số quốc gia muốn tìm lối thoát khỏi ngõ cụt mà họ đã bị Washington lôi kéo thì đây là một vấn đề. Trong trường hợp này, họ nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và ngừng đưa ra các tuyên bố chống Nga". Bà nhấn mạnh nếu những nỗ lực này hướng đến việc lôi kéo Nga vào một quá trình nào đó theo cách của phương Tây nhằm tác động đến các cách tiếp cận có nguyên tắc của Nga, thì Moscow sẽ không rơi vào cái bẫy này.

Trước đó, ngày 14-1, tân Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock tuyên bố hai quốc gia này sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi còn thấy cần thiết.

AN BÌNH