"Đi trước" mưa bão

Thứ tư, 17/09/2014 10:35

(Cadn.com.vn) - Quảng Nam có 9 huyện miền núi. Do địa bàn rộng lớn, nhiều núi cao lại có nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện, sông ngòi chia cắt, nên về mùa mưa lũ, nhiều địa phương phải đối mặt với tình trạng sạt lở núi, bị nước lũ bao vây, cô lập. Vì vậy, trước khi mùa mưa lũ đến, các vấn đề như giao thông, dự trữ lương thực thực phẩm, phòng tránh sạt lở núi và lũ quét, phương án di chuyển dân sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi hoặc lũ quét, đặc biệt là quy trình vận hành và xả lũ hồ chứa thủy điện đã được đặt ra... và có kịch bản phòng chống.

Ông Trần Thanh An, Phó Giám đốc Sở GT-VT Quảng Nam cho biết, ngoài tuyến QL 1A, đường Hồ Chí Minh, ngành GT-VT tỉnh đang được Bộ GT-VT ủy quyền quản lý các tuyến QL như 14 B, 14D, 14E và QL 40B. Trước mùa mưa bão năm nay, với phương châm 4 tại chỗ, ngoài việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và xây lắp hệ thống rãnh thoát nước dọc, gia cố các mái ta-luy, xử lý các cầu, cống, ngầm tràn, lắp đặt biển cảnh báo, ngành GT-VT tỉnh bố trí lực lượng và phương tiện, vật tư thường trực trên tất cả những đoạn xung yếu thường xuyên bị sạt lở để kịp thời xử lý các sự cố.

Các thủy điện (ảnh) cam kết báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình xả lũ, thời gian xả lũ, tốc độ xả lũ...

Tại các tuyến đường như Tỉnh lộ 611 nối H. Quế Sơn với huyện miền núi Nông Sơn, Tỉnh lộ 610 (Duy Xuyên- Nông Sơn), Tỉnh lộ 615 (Phú Ninh- Hiệp Đức), những điểm sạt lở đã được khắc phục hoặc cải tạo, nâng cấp. Tại các bến đò ngang, các lòng hồ thủy lợi, thủy điện, lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định bắt buộc đối với phương tiện vận tải và người điều khiển phương tiện, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ hàng ngày để đảm bảo ATGT đường thủy, nhất là trong mùa mưa lũ sắp đến.

Rút kinh nghiệm các năm trước, trong mùa mưa lũ năm nay tỉnh vẫn sử dụng phương châm "4 tại chỗ" nhưng linh hoạt hơn, phù hợp với thực tế hơn để kịp thời ứng phó với diễn biến của thời tiết. Đối với các huyện miền núi, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng thường xuyên bị sạt lở núi gây ách tắc giao thông, tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị dự trữ lương thực thực phẩm đủ dùng trong thời gian từ 10 đến 15 ngày, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu đói trong mùa mưa lũ; tổ chức cứu người và di chuyển người đến nơi an toàn. 

Đến thời điểm này, các huyện miền núi ở Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành việc bố trí tái định cư và hỗ trợ làm lại nhà ở cho những hộ dân sống ở những khu vực sạt lở núi năm trước cũng như những khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi và lũ quét. Với các hồ chứa, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương bố trí lực lượng trực thường xuyên tại các khu vực xung yếu để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện qua lại, nhất là đảm bảo ATGT trên các bến sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Vấn đề đặc biệt quan trọng trong mùa mưa lũ năm nay đã sớm được đặt ra là công tác quản lý vận hành và điều tiết việc xả lũ từ các hồ chứa, nhất là các hồ chứa thủy điện. Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết: "Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa nước lớn nhỏ, hầu hết các hồ chứa đều nằm ở khu vực miền núi. Mùa mưa lũ năm nay, việc quản lý, vận hành và điều tiết xả lũ từ các hồ chứa, nhất là thời gian xả lũ, tốc độ xả lũ từ các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện A Vương, thủy điện Đăk Mi 4... là mối quan tâm hàng đầu của địa phương.

Thực tế cho thấy công tác điều tiết xả lũ từ các hồ chứa thủy điện trong những mùa lũ trước đây đã gây ra không ít hệ lụy cho người dân vùng hạ du. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành hồ chứa đối với các công trình thủy điện, trước mùa mưa lũ năm nay, Ban Chỉ đạo PCLB tỉnh đã phối hợp với các nhà máy thủy điện xây dựng phương án chi tiết trong việc đón lũ, xả lũ để giảm thiểu mức ảnh hưởng đối với vùng hạ du.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo các nhà máy thủy điện đã ký quy chế phối hợp trong công tác vận hành hồ chứa. Theo đó, lãnh đạo các nhà máy thủy điện có trách nhiệm báo cáo kịp thời khả năng lũ đổ về các hồ chứa, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình xả lũ, thời gian xả lũ, tốc độ xả lũ cho các cơ quan chức năng và các địa phương để chủ động trong công tác phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại.

M.T