Địa đạo Phú An- Phú Xuân: Khó khăn trong trùng tu và quản lý di tích

Thứ năm, 07/06/2018 11:56

Niềm tự hào của người dân đất Quảng

Năm 1965 quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng tiến hành các cuộc hành quân càn quét, mở rộng vành đai chiếm đóng. Quân ngụy chia H.Đại Lộc, Quảng Nam làm hai vùng A và B, lập đồn bốt, tổ chức nhiều cuộc hành quân đánh phá lấn chiếm vùng giải phóng. Trước tình hình đó, Huyện ủy Đại Lộc vừa củng cố lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ địa phương, vừa vận động nhân dân rào làng chiến đấu, đào hầm cất giấu tài sản, hầm bí mật, giao thông hào... gấp rút để các lực lượng vũ trang bám trụ chiến đấu. Tháng 3-1965 đến  4-1967, địa đạo Phú An-Phú Xuân do đồng chí Phan Thanh Thủ-Bí thư Huyện ủy Đại Lộc lúc bấy giờ chỉ huy được thực hiện. Việc đào địa đạo rất bí mật, khẩn trương với sự tham gia của lực lượng An ninh Quảng Đà, du kích địa phương và nhân dân. Địa đạo có chiều dài 2.300 m nằm sâu trong lòng đất với 21 ngõ ngách xuyên qua các lũy tre, bụi cây, nhà dân các thôn Phú Bình, Phú Long... và tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Phú An, Phú Xuân, xã Đại Thắng. Cùng với đó là hệ thống giao thông hào và đường giao thông chằng chịt xung quanh... tạo thế liên hoàn, tránh sự phát hiện của địch cũng như hỗ trợ nhau trong chiến đấu. Trong địa đạo có hầm cấp cứu, hầm dự trữ lương thực, hầm hội họp, hầm chỉ huy... Địa đạo Phú An - Phú Xuân mang một tầm vóc chiến lược là một trong những căn cứ tiền phương của Đặc khu ủy Quảng Đà. Nơi đây tổ chức tiếp nhận các nguồn cán bộ và quân chủ lực từ hậu phương miền Bắc, là nơi làm việc, hội họp của Đặc khu ủy Quảng Đà, Khu ủy khu V, Mặt trận 44 từ những năm 1965 đến năm 1972. Đặc biệt, là nơi trú chân an toàn của các đồng chí: Võ Chí Công-nguyên Bí thư Khu ủy khu V, Đại tướng Chu Huy Mân-nguyên Tư lệnh Quân khu V, Đại tướng Đoàn Khuê -nguyên Phó Chính ủy khu V cùng nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh khác đã từng chiến đấu, công tác tại chiến trường Quảng Đà.

Ngày 30-12-2002, Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 39/QĐ-BVHTT công nhận địa đạo Phú An-Phú Xuân là di tích lịch sử cấp Quốc gia và nơi đây trở thành biểu tượng đáng tự hào của người dân đất Quảng Nam-Đà Nẵng.

Miệng hầm địa đạo và nhà trưng bày hiện vật lưu niệm đang bị xuống cấp.

Khó khăn trùng tu di tích 

8 năm sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, địa đạo Phú An-Phú Xuân đứng trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ  bị xóa sổ, dự án trùng tu, tôn tạo di tích Địa đạo Phú An - Phú Xuân mới được khởi động với kinh phí đầu tư ban đầu hơn 2 tỷ đồng, sau bổ sung thành 3,2 tỷ đồng, từ nguồn vốn xây dựng cơ bản của tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia về trùng tu di tích của Chính phủ. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp, bàn bạc, kinh phí thực hiện dự án chỉ còn... 1,2 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: nhà trưng bày hiện vật, 2 miệng và hầm địa đạo dài 120m được trát vữa bê-tông chống thấm... và đến năm 2011 tiến hành khởi công đến năm 2013 mới hoàn thành. Thế nhưng, trong quá trình thiết kế, thi công, chủ đầu tư và đơn vị thi công không lường trước được những sự cố về địa chất, vật liệu... nên công trình bị thấm nước. Do vậy, đến năm 2016, UBND xã Đại Thắng mới nhận bàn giao, quản lý, khai thác và cũng từ đây phát sinh nhiều khó khăn mới. Ngày 5-6-2018, làm việc cùng chúng tôi, ông Phan Văn Trình-Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao H. Đại Lộc, trao đổi: Ngày 24-3-2016, UBND H. Đại Lộc ban hành Công văn số 526 có nội dung tăng cường quản lý, phát huy giá trị các di tích cấp quốc gia. Theo đó, giao UBND xã Đại Thắng quản lý, khai thác giá trị tinh thần... của di tích địa đạo Phú An-Phú Xuân. Để tạo điều kiện, hàng tháng cấp kinh phí 5 triệu đồng cho xã chi phí cho các dịch vụ, cụ thể: trả lương nhân viên thuyết minh: 2 triệu đồng, nhân viên bảo vệ: 2 triệu đồng, tiền điện, nước: 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Tám-cán bộ phụ trách VH-TT xã Đại Thắng, cho biết: Mỗi năm di tích địa đạo Phú An-Phú Xuân tiếp khoảng 30 đến 40 đoàn khách tham quan  nhưng việc quản lý, khai thác đối với di tích vô cùng khó khăn. Trước hết là hệ thống điện bị hư hỏng hoàn toàn do thấm nước, 2 máy bơm được trang bị để hút nước cũng hư hỏng, số tiền 5 triệu đồng không đủ chi nên hàng tháng xã phải trích kinh phí từ ngân sách địa phương để bù vào. Ngoài ra, do lương thấp nên lao động hợp đồng làm công việc thuyết minh xin nghỉ việc, chưa có người thay thế. Hiện tại, toàn bộ công trình đang bị xuống cấp trầm trọng cũng chưa có kinh phí sửa chữa... vì thế chưa phát huy hết tiềm năng văn hóa, lịch sử của di tích. Một vấn đề nữa làm lãnh đạo địa phương quan tâm là năm 2011 xã vận động gia đình bà Nguyễn Thị Huề và ông Nguyễn Ánh đổi 408m2 đất đang ở để Nhà nước trùng tu di tích và nhận 3 lô đất tái định cư. Việc trao đổi được thực hiện nhưng đến nay 2 hộ dân này vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Trả lời câu hỏi: Theo quy định, di tích cấp quốc gia do cấp huyện quản lý, tại sao H. Đại Lộc giao cho xã quản lý?, ông Phan Văn Trình, trả lời: do Đại Lộc có 4 di tích cấp quốc gia nhưng ở huyện chỉ có 1 cán bộ phụ trách di tích nên không thể "kham" hết công việc nên phải giao cho xã.

Theo chúng tôi, di tích địa đạo Phú An-Phú Xuân mang tính lịch sử, nhân văn và tính giáo dục cao đối với dân tộc Việt Nam. Nó thể hiện ý chí quật cường của người dân Quảng Nam-Đà Nẵng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Vì vậy, các cơ quan chức năng tại H. Đại Lộc cần chú trọng hơn nữa đến công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của nó, đừng để khó khăn "chất chồng" lên di tích.

M.T