Địa Trung Hải “dậy sóng” bởi Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ năm, 20/08/2020 15:45

Với việc thúc đẩy hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển mà Hy Lạp tuyên bố chủ quyền, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang gia tăng thêm nguy cơ dẫn đến xung đột đa quốc gia tại vùng biển này.

Tàu nghiên cứu địa chấn của Thổ Nhĩ Kỳ Oruc Reis hoạt động trên Biển Địa Trung Hải ngày 12-8. Ảnh: AFP

Không lui bước

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gia tăng động thái trong việc khoan thăm dò ở Địa Trung Hải, bất chấp sự phản đối của Hy Lạp vào cuối tuần qua. Động thái này báo hiệu rằng ông sẽ không lui bước trước nỗ lực kiểm soát xung đột của Pháp.

Phát biểu trước những người trung thành với đảng Công Lý và Phát triển (AKP) tại thành phố Rize ở Biển Đen hôm 15-8, ông Erdogan cho biết: "Chúng tôi sẽ không bao giờ cúi đầu trước hành vi ăn cướp trên thềm lục địa của mình, cũng như sẽ không lùi bước trước các lệnh trừng phạt và đe dọa".

Bài phát biểu thách thức của ông Erdogan được đưa ra vài ngày sau khi các lực lượng Pháp cùng các tàu chiến và máy bay của Hy Lạp và CH Síp tham gia tập trận quân sự ở Đông Địa Trung Hải, động thái đe dọa sẽ có sự quốc tế hóa lớn hơn nữa đối với tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Một tuần trước, Ankara đã điều một tàu thăm dò và khoan dầu khí, dưới sự hộ tống của hải quân, đến khu vực biển mà Hy Lạp tuyên bố chủ quyền từ lâu. Để đối phó với hoạt động của tàu Oruc Reis, Athens đã đặt các lực lượng vũ trang của mình trong tình trạng báo động cao. Hôm 11-8, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ "chấm dứt các hành động phi pháp phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Athens sẽ không "thỏa hiệp" trong việc thực hiện các quyền chủ quyền của mình.

Sự leo thang này diễn ra sau nhiều tháng Hy Lạp, CH Síp và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những tuyên bố trái ngược về chủ quyền và ranh giới hàng hải ở khu vực này. Những tranh chấp này hiện cũng liên quan đến các quốc gia Bắc Phi như Libya và Ai Cập, sau khi Ankara đạt được một thỏa thuận về ranh giới biển với chính phủ Libya được LHQ công nhận tại Tripoli vào tháng 11 năm ngoái. Còn Athens thì đã nhất trí với Cairo về thỏa thuận một phần liên quan đến giới hạn hàng hải vào tuần trước.

Thỏa thuận Hy Lạp-Ai Cập – điều Ankara bác bỏ - đã kích hoạt việc triển khai tàu Oruc Reis và làm lu mờ hy vọng đối với tiến trình đàm phán giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết các tranh chấp gần đây. Các cuộc đàm phán này đang được tiến hành dưới sự bảo trợ của Đức – nước đang giữ vai trò Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU). Cuộc đối đầu mới này khiến Paris kêu gọi châu Âu hành động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 13-8 thông báo rằng Pháp sẽ "tạm thời củng cố" sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, để đánh dấu "quyết tâm duy trì luật pháp quốc tế".

Không coi trọng Hiệp ước Lausanne?

Đối với Ankara, phần lớn vấn đề bắt nguồn từ Hiệp ước Lausanne năm 1923, văn bản thiết lập biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ sau Thế chiến. Theo đó, hầu hết các đảo ở Biển Aegean - phần mở rộng về phía đông bắc của Đông Địa Trung Hải - thuộc về Hy Lạp. Tuy nhiên, nhiều hòn đảo trong số này nằm rất gần bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Công ước gần đây nhất của LHQ về Luật Biển, những hòn đảo này giúp mở rộng ranh giới biển của Hy Lạp tiến rất gần đến bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. CH Síp - trên thực tế đã bị chia cắt kể từ cuộc xung đột năm 1974 - cũng có các tuyên bố chủ quyền hàng hải, điều khiến Ankara cảm thấy mình có rất ít quyền tiếp cận các vùng biển xung quanh.

Giáo sư Altug Gunal từ Đại học Ege của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Thổ Nhĩ Kỳ đang bị siết chặt vào một vùng biển rất nhỏ và bất công. Không chỉ chính phủ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ, mà bất kỳ chính phủ nào khác cũng sẽ làm hết sức mình để phá vỡ những bức tường đang được xây dựng xung quanh họ ở Địa Trung Hải".

Khi các Cty dầu khí quốc tế phát hiện ra trữ lượng khí đốt trong vùng biển mà CH Síp tuyên bố chủ quyền vào năm 2011, giá trị của các khu vực biển này cũng được nâng cao. Kể từ đó, nhiều mỏ khí đốt cũng được phát hiện ở vùng biển của CH Síp.

Năm ngoái, Ankara đã cử các tàu khảo sát địa chấn và tàu khoan của riêng mình vào vùng biển này, khiến Síp phẫn nộ. Pháp cũng đứng ngồi không yên bởi tập đoàn Total của Pháp là một trong những Cty dầu khí quốc tế đứng sau việc phát hiện trữ lượng khí đốt ở đây.

Thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Libya tháng 11-2019 cũng mở rộng các yêu sách hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ ngay trên phần Đông Địa Trung Hải, nằm giữa Hy Lạp và CH Síp. "Điều này đã thúc đẩy Hy Lạp thực hiện một thỏa thuận với Ai Cập", Phó Giáo sư Sotiris Serbos từ Quỹ Hellenic về chính sách Châu Âu và Đối ngoại có trụ sở tại Athens cho biết. Khu vực được quy định trong thỏa thuận Hy Lạp-Ai Cập cắt ngang khu vực được nêu ra trong thỏa thuận Libya-Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến "một cuộc chạy đua giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nhằm ký kết các hiệp ước mới với các quốc gia Địa Trung Hải".

Theo ông Serbos, "mỗi bên đang tìm cách củng cố hồ sơ pháp lý và lập trường của mình", bằng cách lôi kéo các nước láng giềng ủng hộ họ, nhằm chuẩn bị cho bất kỳ cuộc đàm phán quốc tế nào trong tương lai. "Bằng cách ký một thỏa thuận với Ai Cập, Hy Lạp muốn cân bằng với Thổ Nhĩ Kỳ", ông Gunal nói, "và họ hy vọng có thể ngồi vào bàn đàm phán với các điều khoản tương đối bình đẳng".

AN BÌNH