Dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát trở lại
SXH đang có dấu hiệu gia tăng
Theo Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) (cùng kỳ năm 2017 là gần 4.900 ca). Địa phương có số người mắc SXH cao là các quận: Liên Chiểu (554 ca), Thanh Khê (349 ca), Hải Châu (301 ca), Sơn Trà (252 ca)... Tuy có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số trường hợp mắc SXH mới đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây, trung bình mỗi tuần toàn thành phố ghi nhận hơn 100 ca mắc SXH mới, đây là tỷ lệ cao nhất trong năm 2018 tính đến thời điểm hiện tại. Ngành y tế cũng đã phát hiện trên 150 ổ dịch, trong đó từ tháng 7 đến tháng 9 đã phát hiện 118 ổ dịch.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân diệt bọ gậy, lăng quăng, phòng chống dịch SXH. |
Bs Tôn Thất Thạnh-Giám đốc TTYTDP TP Đà Nẵng cho rằng, ngành y tế thành phố xác định công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và SXH nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm nên đã tập trung nhân lực xử lý ngay từ đầu năm. Đồng thời, ngành y tế cũng tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh SXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cơ sở, khu dân cư. Đặc biệt, vận động người dân tích cực thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy và chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh để kịp thời thu dung, điều trị sớm bệnh nhân. Hạn chế thấp nhất biến chứng và tử vong do bệnh SXH...
Đến nay tất cả các ổ dịch đều được ngành y tế phun hóa chất xử lý. Cùng với đó, TTYTDP TP và Đội Y tế dự phòng các quận, huyện cũng tăng cường giám sát, tổ chức các đợt ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy tại các phường, xã có nguy cơ cao xuất hiện SXH. "Ngoài nguyên nhân thời tiết diễn biến phức tạp, một nguyên nhân khác khiến SXH trên địa bàn TP Đà Nẵng đang có dấu hiệu gia tăng là do sự chủ quan của người dân, đặc biệt là sinh viên, công nhân thuê trọ và trú ngụ ở các lán trại. Vì thế, để hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng, nhất là nêu cao vai trò của bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, cộng tác viên dân số-sức khỏe trong công tác phòng, chống SXH. Bởi, so với cùng kỳ năm 2017 thì tỷ lệ này có giảm nhưng nếu không có biện pháp kịp thời, khả năng SXH sẽ bùng phát và kéo dài đến hết năm 2018 là rất cao. Nhưng để làm được điều đó lại không hề dễ vì nhiệm vụ này cần sự cung tay của ngành y tế, địa phương và bản thân mỗi người dân", Bs Thạnh khẳng định.
Theo Bs Tôn Thất Thạnh, cái "gốc" của phòng chống dịch SXH là diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách vệ sinh xung quanh môi trường sống, thu dọn các vật dụng chai, lọ, lốp xe có khả năng chứa nước mưa và hợp tác với y tế trong việc phun hóa chất... Chính vì thế, vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động và ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trong khu dân cư là rất lớn. "Cần nhấn mạnh là một mình ngành y tế không thể lo hết được mà chỉ hỗ trợ, hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật và cung ứng thuốc, hóa chất cho các địa phương. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nơi vẫn chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này, thậm chí khi nhân viên y tế đi phun hóa chất còn bị nhiều người dân không hợp tác, không muốn cho vào nhà phun thuốc", bác sĩ Thạnh chia sẻ.
Ngành y tế triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại các khu dân cư. |
Người dân cần chủ động phòng chống dịch
Dạo một vòng qua những địa bàn P. Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu), P. Hòa Khánh Nam, P. Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), P. An Khê (Q. Thanh Khê), P. Khuê Trung, P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ) vào những ngày này, chúng tôi không khó phát hiện hàng ngàn lô đất hoang, những bãi cỏ mọc um tùm và lốp xe, bể cá, xô, thùng, chậu cảnh, lon sơn, thùng xốp... chứa nước phát hiện có nhiều lăng quăng, bọ gậy-nguyên nhân chính dẫn đến bệnh SXH. Chị Nguyễn Thị L. (trú P.Hòa Hiệp Nam) cho biết: "Sau khi các ngành chức năng ra quân dọn vệ sinh những lô đất bỏ hoang gây ô nhiễm, người dân ở đây ai cũng mừng. Nhưng do không được dọn vệ sinh thường xuyên nên hiện cỏ đã mọc lại um tùm, trở thành nơi sinh trưởng cho các loài bọ gậy, lăng quăng, muỗi. Do trên địa bàn phường có nhiều khu đất bỏ trống nên chúng tôi luôn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm và luôn sống trong nỗi lo sợ dịch SXH bùng phát". Ngược về các P. Hòa Hải, P. Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn), P. Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, Thọ Quang (Q. Sơn Trà), chúng tôi tiếp tục gặp những khu đất trống, một số con đường mới cỏ mọc um tùm, rác, xà bần đổ đầy và phát hiện rất nhiều vật dụng chứa nước thải có bọ gậy, lăng quăng đang phát triển... Chị Bùi Thị P. (trú P. Thọ Quang) cho biết: "Các khu đất trống dọc những con đường trên địa bàn quận nói chung và phường này nói riêng đều có chung tình trạng cỏ mọc um tùm... Thấy thế nhiều người dân đã vô tư mang rác, chiếu rách, các vật phẩm hư hỏng ra vứt... cho tiện mà không nghĩ đến hậu quả khó lường đó là tạo điều kiện cho bọ gậy, lăng quăng, muỗi phát triển dẫn đến dịch bệnh SXH tăng cao".
Đem những câu chuyện ghi nhận được tại những khu đất trống bỏ hoang trao đổi với một số lãnh đạo địa phương, chúng tôi đều nhận được câu trả lời như nhau: Địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực, nhiều cách để xử lý môi trường tại các lô đất trống. Tuy nhiên, việc kiểm soát về môi trường ở các khu đất trống là rất khó khăn và tốn kém. Bởi ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa cao, vẫn còn thích vứt rác và các vật phẩm chứa nước vào những khu đất trống gần nhà... cho tiện.
Theo Bs Tôn Thất Thạnh, qua khảo sát cho thấy, hầu hết người dân đều nhận thức được việc không có bọ gậy, lăng quăng thì không có SXH nhưng lại ngại ra tay "xử lý" mà chủ yếu giao phó hết cho cán bộ ngành y tế... Kinh nghiệm cho thấy, ở địa phương nào chính quyền quan tâm công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác vận động người dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy thì ở địa phương đó tình hình dịch bệnh được khống chế và ổn định. "Việc phòng chống dịch SXH là công việc của toàn dân, không riêng ngành nào, cấp nào, nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho công việc khống chế, dập tắc dịch. Diệt muỗi, lăng quăng bằng mọi biện pháp và nằm màn khi đi ngủ (cả ban ngày và ban đêm) là 3 biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc chống dịch SXH", Bs Tôn Thất Thạnh nhấn mạnh.
LÊ HÙNG