Dịch Covid-19 khiến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung lâm nguy
Dịch Covid-19 tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu, có nguy cơ làm hỏng thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 đang đe dọa thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung gặp nguy hiểm khi dịch Covid-19 làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, khiến Bắc Kinh khó thực hiện các cam kết của mình. Mỹ cũng phải đối mặt với sự gián đoạn lớn từ đại dịch chết người này trong khi những cãi vã ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington có nguy cơ làm hỏng thỏa thuận giai đoạn một sau hơn một năm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong thỏa thuận được ký hồi tháng 1, Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm so với năm 2017 - trước khi chiến tranh thương mại nổ ra dẫn đến mức thuế quan hàng tỷ USD đối với thương mại hai chiều. Nhưng nhiều người lo ngại, các điều kiện của thỏa thuận không thể được đáp ứng vì nền kinh tế thế giới đang bị đe dọa khi cả hai chính phủ đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh, bao gồm kiểm dịch, cấm đi lại và đóng cửa các không gian công cộng. Thị trường toàn cầu đã giảm mạnh, giá dầu giảm và Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong tuần này cảnh báo rằng tăng trưởng năm 2020 sẽ giảm xuống dưới mức 2,9% của năm 2019 theo “bất kỳ kịch bản nào”. Ông Tsang cho rằng, Mỹ- Trung khó có thể hoàn thành các điều khoản của thỏa thuận giai đoạn một.
Thương mại lao dốc
Làn sóng đóng cửa kinh doanh không chỉ làm gián đoạn hoạt động sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng thế giới.
Nhiều Cty cho biết đã gặp phải nhiều xáo trộn do cuộc chiến thương mại gây ra, và nay lại phải tiếp tục đối mặt với sự bùng phát dịch Covid-19. Cty thương mại Qingzhou Ruiyuan đã khởi động lại việc nhập khẩu đậu nành từ Mỹ trong tháng này, nhưng doanh số đã giảm ít nhất 20% so với năm ngoái. Tổng giám đốc Cty họ Li cho biết, ông không chắc có thể thúc đẩy kinh doanh nhanh đến mức nào một khi dịch bệnh chấm dứt. “Chúng tôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, và tác động là khá lớn” ông Li nói, đổ lỗi cho nhu cầu trong nước giảm. “Chúng tôi không thể kiểm soát thị trường”, ông cho biết thêm.
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong hai tháng đầu năm nay do tác động của dịch Covid-19, giảm 17,2% so với một năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 4%. “Dịch bệnh đe dọa các cam kết nhập khẩu của Trung Quốc, theo nội dung trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một”, Rory Green, nhà kinh tế tại Cty nghiên cứu TS Lombard, cho biết.
Trung Quốc đồng ý mua thêm hàng hóa nông sản và hải sản của Mỹ, các mặt hàng sản xuất như máy bay, máy móc và thép, và các sản phẩm năng lượng. Nhưng theo ông Green, thỏa thuận có những điều khoản cho phép trì hoãn việc tuân thủ và cả hai nước phải chấp nhận điều này. “Hiện tại Trung Quốc không có cơ hội hoàn thành các mục tiêu nhập khẩu trong khung thời gian được thiết lập trong thỏa thuận”, ông Green cho biết.
Không tin tưởng nhau
Nền kinh tế Mỹ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, với việc chính phủ đã đưa ra những hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Châu Âu và thị trường chứng khoán khổng lồ sụp đổ.
Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc cũng bùng lên trong đợt bùng phát dịch bệnh. Washington đã yêu cầu cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cắt giảm số lượng nhân viên Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ sau khi Bắc Kinh trục xuất 3 phóng viên của tờ Wall Street Journal. Hai nước cũng mâu thuẫn về đại dịch, với việc Mỹ ban hành lệnh cấm những người đến từ Trung Quốc khiến Bắc Kinh tức giận. Gần đây, Washington đã cáo buộc Bắc Kinh gây ra dịch bệnh này và Trung Quốc - nơi virus được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12-2019 - đã thúc đẩy các thuyết âm mưu cho rằng SARS-CoV-2 bắt đầu ở Mỹ.
Ông Tsang cho rằng, trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, Tổng thống Donald Trump sẽ không đề cập đến việc Trung Quốc không thể đáp ứng tất cả các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Thay vào đó, ông Trump sẽ sử dụng thỏa thuận để ghi điểm. Nhưng cuộc chiến thương mại đã dẫn đến sự mất lòng tin của nông dân ở cả hai quốc gia, và có thể làm suy yếu thành công của thỏa thuận.
Trong cuộc khảo sát mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, một số nông dân nước này cho biết việc mua hàng nông sản của Trung Quốc đã không thành hiện thực và đã bày tỏ lo lắng rằng dịch bệnh sẽ được sử dụng như một cái cớ để bỏ lỡ các mục tiêu thương mại trong tương lai. Bà Liu Lingxue, Giám đốc Cty thương mại nông nghiệp Quảng Châu Liangnian, cho biết lợi nhuận của Cty đã giảm ít nhất 1/3 trong đợt bùng phát dịch Covid-19. Nhưng bà không muốn nhập khẩu lúa mạch và đậu nành từ Mỹ. “Trước tiên, chúng tôi sẽ xem xét các quốc gia khác thân thiện hơn với Trung Quốc”, bà cho biết.
AN BÌNH