Dịch Covid-19 vẫn hoành hành khắp thế giới

Thứ hai, 08/06/2020 11:00

Số người chết trên toàn thế giới do Covid-19 đã lên đến hơn 400.000 vào ngày 7-6 với tỷ lệ tử vong đang gia tăng ở Mỹ Latinh, trong bối cảnh các nước sản xuất dầu đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng để bù đắp sự sụp đổ về giá do đại dịch gây ra.

Bảo tàng Prado ở Madrid, Tây Ban Nha đã mở cửa trở lại với số lượng khách hạn chế.

Gần 7 triệu người mắc Covid-19

Theo thống kê mới nhất của ngày 7-6, số ca mắc Covid-19 ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã lên đến gần 7 triệu người, trong đó hơn 400.000 người thiệt mạng. Châu Mỹ và Nam Á tiếp tục chứng kiến đà tăng phi mã số ca mắc mới.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới. Nhưng Tổng thống Donald Trump nói rằng đất nước của ông đã trở lại. “Chúng ta đã có nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Và sức mạnh đó cho phép chúng ta vượt qua đại dịch khủng khiếp này, hầu hết mọi khó khăn đã qua, tôi nghĩ chúng ta đã làm rất tốt”, ông nói với các phóng viên. Khi đất nước quay trở lại sau loạt biểu tình rầm rộ trong những ngày qua nhằm phản đối sự phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát, ông Trump – đang đối mặt với cuộc bầu cử lại vào tháng 11 - nhắc lại lời kêu gọi giảm bớt các biện pháp giãn cách. Điều này theo sau số lượng việc làm lạc quan đáng ngạc nhiên cho thấy Mỹ đã đạt được 2,5 triệu việc làm trong tháng 5.

Brazil hiện có số người chết vì virus cao thứ ba thế giới, nhưng Tổng thống Jair Bolsonaro đã đe dọa sẽ rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “theo gương” của Mỹ. Ông Bolsonaro nằm trong số những người lập luận rằng, lệnh phong tỏa gây thiệt hại kinh tế nặng nề còn tồi tệ hơn cả virus - và ngành công nghiệp dầu mỏ đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Cú đánh mạnh vào ngành công nghiệp dầu mỏ

OPEC+ đã đồng ý gia hạn một thỏa thuận đưa ra hồi tháng 4, cắt giảm sản lượng cho đến tháng 7, mục đích thúc đẩy sự phục hồi của giá dầu sau khi bị giảm mạnh do nhu cầu sụt giảm.

Theo đó, OPEC+ sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng mỗi ngày đến cuối tháng 7, thay vì giảm 7,7 triệu thùng sau tháng này như kế hoạch trước đó. Ngoài ra, Iraq và Nigeria đã cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp kiềm chế sản xuất và giảm thêm sản lượng từ tháng 7 đến tháng 9 để bù đắp cho việc không đạt được mục tiêu vào tháng 5 và tháng 6. Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận này là chiến thắng cho cả Saudi Arabia và Nga khi 2 quốc gia này đã dành cả tuần để thuyết phục các quốc gia thành viên thực hiện đúng nghĩa vụ. Thái tử Abdulaziz bin Salman đồng thời là Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia cho biết, ông đã liên tục thúc đẩy các quốc gia thành viên ngừng gian lận trong áp đặt hạn ngạch kể từ cuộc gặp vào năm ngoái.

Theo thống kê, sự suy giảm sâu hơn trong xuất khẩu dầu đang xuất hiện tại cường quốc sản xuất của thế giới. Các nhà máy ở Ấn Độ cũng đang phải vật lộn để khởi động lại vì tình trạng thiếu lao động, khi đất nước này dần dần mở cửa sau một lệnh phong tỏa quy mô lớn trên toàn quốc khiến hàng triệu lao động nhập cư trở về làng quê xa xôi của họ. OPEC+ sẽ gặp lại vào nửa cuối tháng 6 để xem xét lại về thị trường dầu mỏ. Các cuộc thảo luận được lên kế hoạch vào ngày 18-6 và dưới sự giám sát của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) nhằm bàn về khả năng gia hạn thêm thời gian cắt giảm sản lượng nếu cần thiết và đưa mức cắt giảm tới tháng 8.

Châu Âu nỗ lực mở cửa

Trong khi đó, EU cũng mở lại biên giới và tìm cách hồi sinh các ngành du lịch quan trọng kịp thời cho mùa hè này.

Liên minh Châu Âu (EU) cho biết có thể mở lại biên giới cho khách du lịch từ bên ngoài khu vực vào đầu tháng 7, sau khi một số quốc gia trong khối mở cửa trở lại cho du khách Châu Âu. Cao ủy EU phụ trách đối nội Ylva Johansson thông báo, hầu hết các nước EU sẽ mở cửa biên giới nội bộ đến ngày 15-6 nhưng vẫn còn một số nước chưa sẵn sàng và phải chờ đến cuối tháng. Cũng vì lý do nói trên, EU đã thống nhất gia hạn lệnh cấm người nước ngoài đến các nước thuộc khối Schengen thêm 2 tuần cho đến ngày 1-7. Tại Pháp, Cung điện Versailles mở cửa trở lại mà không có khách du lịch đến từ  Mỹ và Trung Quốc, vốn thường chiếm 1/3 số du khách đến đây. Tại Tây Ban Nha, Bảo tàng Prado ở Madrid đã mở cửa trở lại với số lượng khách hạn chế.

Theo tạp chí Forbes, với việc gia hạn lệnh cấm thêm chỉ 2 tuần thay vì 30 ngày là dấu hiệu tích cực cho thấy đại dịch Covid-19 tại Châu Âu đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Các chính phủ ở lục địa này cũng ngày càng tập trung vào việc sửa chữa thiệt hại kinh tế. Nhưng dữ liệu ảm đạm từ hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á cho thấy, con đường để phục hồi lắm gian nan.

KHẢ ANH

>> Mỹ kiện công ty Trung Quốc bán hơn nửa triệu khẩu trang dởm