Điểm lại những sự cố buồn của ngành giáo dục
Chỉ còn vài ngày nữa là khép lại năm 2018. Với ngành GD-ĐT, bên cạnh những dấu ấn về đổi mới “căn bản, toàn diện”, đây cũng là năm của những sự cố buồn với nhiều vụ dính “phốt” gây rúng động dư luận.
Họp báo về vụ gian lận thi cử ở Hà Giang. |
Sự vụ gây chấn động dư luận nhất là vụ bê bối trong gian lận thi cử, “phù phép” điểm thi ở 3 tỉnh phía Bắc gồm: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Đã có trên dưới 10 người của 3 tỉnh này bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam, trong đó có một Phó Giám đốc Sở GD-ĐT. Niềm tin của người học, của xã hội đối với nền GD-ĐT nước nhà bị lung lay. Chưa dừng lại ở đó, các vụ bạo lực, bạo hành và xâm hại học sinh (HS) xảy ra trong năm 2018 như “giọt nước” tràn ly về niềm tin của xã hội đối với nghề giáo- nghề được xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Đó là câu chuyện đáng buồn, đáng lên án của cô giáo chủ nhiệm ở Quảng Bình bắt cả lớp tát 230 cái vào mặt một HS vì bị tố nói tục, là vụ phạt HS súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng vì “tội” nói chuyện riêng trong giờ học của một giáo viên ở Hải Phòng. Mới đây nhất là vụ hiệu trưởng của một trường phổ thông dân tộc nội trú ở Phú Thọ bị tố cáo về hành vi dâm ô, xâm hại tình dục đối với các HS nam. Vị Hiệu trưởng này hiện đã bị cơ quan chức năng khởi tố để điều tra làm rõ.
Cùng với những sai phạm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người thầy, một sự cố được dư luận cho là “có sự sắp xếp”, “cố ý bung ra” nhằm “đánh lạc hướng” sự chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV về những tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT 2018 ở một số tỉnh phía Bắc. Đó là “sự cố” Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư về Quy chế công tác HS-SV đối với các trường CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp đào tạo giáo viên, trong đó có phần nội dung SV sẽ bị buộc thôi việc nếu hoạt động mại dâm lần thứ 4! Dù thực tế Quy chế này được ban hành từ năm 2007, sau đó được sửa đổi vào năm 2016 và theo như đại diện Bộ giải thích vấn đề này nằm trong kế hoạch rà soát, nghiên cứu để sửa đổi đối với các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, nhưng lý giải này đã không được xã hội chấp nhận. Tại phiên chất vấn Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều ĐBQH bức xúc cho rằng xã hội đang nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý GD-ĐT. Đó là ý kiến hoàn toàn xác đáng. Bởi môi trường trường học không chấp nhận có tai tệ nạn. HS-SV vi phạm pháp luật thì có các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Không phải ngẫu nhiên khi ngày càng có nhiều gia đình, đặc biệt gia đình có điều kiện kinh tế tìm hiểu và cho con đi du học nước ngoài. Nếu như trước đây, độ tuổi HS Việt Nam ra nước ngoài du học thường là sau khi hoàn tất chương trình THPT và SV, thì nay, độ tuổi HS đi du học ngày càng trẻ hơn. Thậm chí, có gia đình còn tính chuyện cho con đi du học khi con trẻ vừa hoàn tất chương trình THCS hoặc đang học dang dở THCS. Phần lớn, những gia đình này đều có người thân đang định cư ở nước ngoài. Không có cha mẹ nào muốn xa con khi chúng đang còn quá nhỏ, cần sự quan tâm, chăm sóc và quản lý của người lớn. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao lại cho con đi du học quá sớm, nhiều người trong số đó tâm sự rằng vì muốn con được học tập trong môi trường giáo dục tốt, ít áp lực về chương trình, chú trọng phát triển các kỹ năng và thể chất.
Vẫn biết, việc lựa chọn môi trường giáo dục tốt là quyền của các bậc cha mẹ và quyền của người học. Nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, đây được xem là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đáng để nền giáo dục nước nhà suy ngẫm, tìm ra giải pháp căn cơ để “kéo” người học lại với mình. Hướng đi tất yếu là cần có một cuộc cách mạng thực sự trong đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Việc đổi mới này phải phù hợp với thực tiễn cũng như xu thế phát triển trong thời hội nhập. Muốn thế, bản thân những người làm công tác trên lĩnh vực giáo dục từ đội ngũ các nhà quản lý đến các nhà nghiên cứu giáo dục, đội ngũ giáo viên, giảng viên cần phải thực sự cầu thị, đổi mới trong tư duy và hành động. Không phải là kiểu đổi mới nửa vời, không có lộ trình, khiến không chỉ có người học, cha mẹ HS không theo kịp mà ngay bản thân người dạy, người quản lý cũng cảm thấy mệt mỏi vì theo không kịp...
KHÁNH YÊN