Điểm mặt dàn “xe dù” lộng hành tuyến Đà Nẵng - Huế (2)

Thứ bảy, 05/11/2016 10:35

Bài cuối: Cần liều thuốc đặc trị

“Xe dù” bóp nghẹt xe cố định

(Cadn.com.vn) - Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng vào chiều 1-11 tại Bến xe Trung tâm, anh Phạm Xuân Thủy, chủ 2 đầu xe (1 xe thuộc HTX Hải Vân, 1 xe thuộc HTX du lịch), bức xúc: Chỉ cần xe của hãng HAV lộng hành vài tháng, tất cả những xe đang chạy tuyến cố định sẽ phải bán xe vì sạt nghiệp. Anh Thủy nhẩm tính, với 2 đầu xe, mỗi ngày xuất bến 4 lần (2 lần đầu Đà Nẵng, 2 lần đầu Huế) tổng cộng đã hết 600.000 đồng, chưa kể phí cầu đường. Trong khi đó lượng khách mỗi ngày một ít, có hôm chạy tới Huế trên xe chỉ được 40-50% lượng khách. “Kinh doanh khó khăn là vậy, nay cả chục đầu “xe dù” của HAV tổ chức đón khách thường xuyên tại trung tâm thành phố, làm sao xe của chúng tôi cạnh tranh cho lại. Vì thế, có hôm xe của tôi chạy đi Huế chưa đầy 10 khách. Nếu cộng dồn phí bến bãi, cầu đường, tài phụ, coi như bù lỗ”, anh Thủy nói.

Cần một liều thuốc đặc trị kiểu kinh doanh trái pháp luật của HAV. 

Tương tự, hàng chục chủ xe khác đang có đầu xe hoạt động tuyến cố định Đà Nẵng – Huế (thuộc HTX Hải Vân, du lịch, HTX Đà Nẵng, Liên Chiểu…) có khả năng phải bán xe, bỏ bến nếu các cấp chính quyền thành phố và cơ quan chức năng không có một “liều thuốc đặc trị” đối với dàn “xe dù” mà HAV đang tung hoành những ngày qua. “Không có lý do gì các cấp, các ngành không vào cuộc giải quyết rốt ráo, trả lại sự công bằng cho những nhà xe tuyến cố định như chúng tôi. Không lẽ, những xe như HAV không có tuyến, không phí bến bãi lại được hoạt động đón khách như đi hội, còn chúng tôi hàng tháng đóng vài triệu đồng tiền phí cho mỗi đầu xe thì chịu cảnh xe bỏ tuyến. Hãng HAV tung ra hàng loạt xe vận chuyển khách trái phép, không lẽ chúng tôi phải làm thinh chờ phá sản”, một chủ xe chạy tuyến cố định Đà Nẵng- Huế nói gay gắt.

Trong cuộc gặp gỡ với phóng viên, một chủ chạy tuyến cố định nói trên còn “tố” rằng, cũng hoạt động lì lợm như dàn xe của HAV, cách đây vài ngày còn xuất hiện thêm một Cty khác cũng sắm xe 7-16 chỗ ngồi công khai hoạt động đón khách từ Đà Nẵng đi Huế, đó là nhà xe DAHUNA. Nếu cả 2 nhà xe “dù” này cùng hoạt động đón khách trái phép như vậy, cánh nhà xe tuyến cố định "chỉ còn nước bán tháo xe mà thôi". 

Câu chuyện của các nhà xe tuyến cố định phản ánh cũng được ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng xác nhận với phóng viên. Theo đó, cuối tháng 10-2016, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện thêm một “xe dù” mang nhãn hiệu DAHUNA, cũng chạy khách tuyến Đà Nẵng – Huế và ngược lại. Để hút khách trong dịp khai trương, xe này đã quảng cáo trên các trang mạng cá nhân và phát tờ rơi nhiều khu vực trên địa bàn Đà Nẵng với nội dung: “Nhà xe DAHUNA sẽ vận chuyển khách, đưa đón miễn phí trong nội thành Đà Nẵng, giao nhận hàng hóa tại nhà, hoạt động từ 5 giờ 30 đến 19 giờ 30 hàng ngày, tần suất 60 phút/chuyến. Trong ngày khai trương, đơn vị này khuyến mãi vé tuyến Huế - Đà Nẵng chỉ 10.000 đồng/vé; từ ngày 29-10 đến 3-11 80.000 đồng/vé (xe 16 chỗ ngồi); 90.000 đồng/vé (xe 7 chỗ)”.

Tờ rơi quảng cáo của nhà xe DAHUNA tuyến Đà Nẵng – Huế.

Cần quyết liệt dẹp bỏ

Ông Nghĩa cho hay, qua công tác nắm tình hình, sáng 28-10 lực lượng liên ngành TTGT và CSTT CATP đã “bắt tại trận” ô- tô 7 chỗ BKS 52U-3321 (thuộc DAHUNA) hoạt động trá hình, chạy dù đón trả khách tại đường Nguyễn Du. Thời điểm trên, trên xe có 5 người, tất cả đều cho biết đã gọi đến chủ xe để được đón đi tuyến Đà Nẵng-Huế. Trong khi đó, lái xe Trần Vĩnh Long (quê Quảng Nam) không xuất trình được hợp đồng vận chuyển, xe không có phù hiệu theo quy định. Cũng hãng này, tại đầu Huế, cùng ngày 28-10, lực lượng CSGT cũng đã “bắt tại trận” ô-tô 16 chỗ BKS 92B-011.78 của DAHUNA đề biển “hợp đồng” nhưng ngang nhiên bắt khách lẻ, chạy “trá hình”. Để “qua mặt” cơ quan chức năng, thời điểm trên tài xế trình ra một “bản hợp đồng” 5 khách, nhưng thực tế trên xe chở đến 8 khách. Tổ TTKS đã lập biên bản phạt 2 lỗi “đón trả khách không đúng nơi quy định và không đúng thông tin hợp đồng”. “Với hàng chục đầu xe của HAV và DAHUNA hoạt động đón khách trá hình kiểu này, các doanh nghiệp có tuyến cố định bức xúc là đúng, bởi sự hiện diện của các “xe dù” sẽ ngốn hết toàn bộ lượng khách của họ là tất nhiên, do đây là dòng xe chất lượng cao, mới, lại có dịch vụ phục vụ chu đáo từ khi khởi hành đến lúc xuống xe” – ông Nghĩa nói.

Theo ông Lê Viết Hoàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP vận tải quản lý bến xe Đà Nẵng, những ngày gần đây, tất cả các nhà xe chạy tuyến cố định Đà Nẵng – Huế rất bức xúc với cách hoạt động kinh doanh lách luật của HAV và DAHUNA. Nếu các cấp ngành không có biện pháp xử lý hiệu quả, hậu quả sẽ rất khó lường do xe của tuyến cố định lâm cảnh ế khách. “Hiện tại bến xe có 38 đầu xe chạy tuyến này. Bình thường mỗi khi xuất bến đạt khoảng 60-70% ghế, nhưng từ khi xuất hiện các đầu xe hoạt động trá hình như HAV và DAHUNA, lượng khách tuyến cố định giảm đi rất nhiều, dẫn đến việc nhà xe khiếu kiện, tố cáo. Mà anh em họ bức xúc là đúng, bởi họ kinh doanh lành mạnh, đóng thuế phí đầy đủ thì chịu thiệt, còn “xe dù, xe ma” tìm đủ cách lách luật lại manh nha hoạt động là điều khó chấp nhận được. Câu chuyện này, thành phố và ngành GTVT phải có ngay cách giải quyết, trả lại công bằng cho hàng chục đầu xe đang hoạt động tuyến cố định trên bến” – ông Hoàng nói.

Đúng là phải có một “liều thuốc đặc trị” để dẹp bỏ hoạt động bất chấp quy định của pháp luật mà những dàn “xe dù” của HAV và DAHUNA đang tung hoành. Giải bài toán  này, chúng tôi xin nhường lại cho sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt từ các cấp ngành...

Công Hạnh