Điểm nhấn ấn tượng của Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V
Chùm phim Việt Nam đương đại là một trong những điểm nhấn ấn tượng của Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V. Theo đó, gần 40 bộ phim của ba thể loại phim truyện, phim tài liệu, và phim hoạt hình Việt Nam sản xuất từ năm 2016 đến nay đã được Ban Tổ chức Liên hoan phim lựa chọn và mang đến công chúng với mong muốn mang đến cái nhìn khái quát về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong thời gian gần đây.
Một cảnh trong phim “Đảo của dân ngụ cư”. |
Chùm phim truyện Việt Nam đương đại với 21 bộ phim truyện hiện đại, thuộc nhiều thể loại và quy tụ khá đầy đủ những phong cách sáng tác của từng đạo diễn, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc từ những bộ phim mang hơi thở đời sống bình dị, phản ánh tình yêu, giá trị nhân văn… Đặc biệt, hầu hết các bộ phim đều được sản xuất bởi các đạo diễn trẻ, các đạo diễn Việt kiều và cả những đạo diễn với phim đầu tay sánh vai cùng các tên tuổi đã có nhiều dấu ấn với điện ảnh trong nước qua các tác phẩm như: 11 niềm hy vọng, Cô Ba Sài Gòn, Đảo của dân ngụ cư, Em chưa 18, Lôi Báo, Sắc đẹp ngàn cân, Tháng năm rực rỡ, Song Lang, Yêu đi đừng sợ… Qua đó, Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội thể hiện cái nhìn sâu rộng, khoáng đạt để tiếp cận nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại, đa dạng về đề tài và hình thức thể hiện. Những bộ phim truyện trong chương trình này sẽ có cơ hội tham dự giải thưởng “Phim truyện được yêu thích nhất do khán giả bình chọn”.
Bên cạnh phim truyện, chùm phim hoạt hình Việt Nam được lựa chọn trình chiếu cũng đã dạng về thể loại với những bài học lịch sử, những kỹ năng sống… được đầu tư về âm thanh, kỹ xảo mang đến những bộ phim thuần Việt nhưng không hề lạc hậu. Có thể kể đến các bộ phim như: Hải âu bé bỏng, Người anh hùng áo vải, Truyền thuyết chiếc khăn Piêu… Với chùm phim tài liệu, khán giả lại có cơ hội đến gần hơn với cuộc sống, những câu chuyện về con người, thiên nhiên, đất nước Việt Nam một cách chân thực. Các bộ phim tài liệu nổi bật được trình chiếu như: Hồi sinh, Khát vọng Hoàng Sa – Trường Sa, Tâm tình của Gốm, Việt Nam thời bao cấp…
Đ.A