Điểm nhấn chuỗi liên kết phát triển du lịch vùng cao Quảng Nam
Trong khuôn khổ hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên vừa diễn ra tại TP Huế (tỉnh TT-Huế), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (xã Mà Cooih, H. Đông Giang, Quảng Nam) do Tập đoàn FVG làm chủ đầu tư. Đây được xem là dự án trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Tập đoàn FVG nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đã ký Quyết định số 295/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang với tổng diện tích 120ha. Dự án do Cty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) đầu tư, với tổng nguồn vốn hơn 400 tỷ đồng được chia làm 4 khu vực chính, hoạt động trong vòng 50 năm, kể từ năm 2018. Dự kiến khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ quý III đến quý IV-2019. Đến quý III-2021 hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào hoạt động chính thức.
Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang là nơi hội tụ của các địa danh du lịch nổi tiếng như Hang Gợp (còn gọi là Cổng Trời), thác 9 tầng, khu di tích lịch sử cấp tỉnh Dốc Gợp Bến Hiên… Cổng trời được tạo nên bởi vòm núi đá vôi khổng lồ nối 2 đỉnh đồi tạo thành cái cổng nên được người dân địa phương gọi là Cổng Trời, dưới cổng có dòng sông Bhơm Lom chảy ngang qua. Khối núi đá vôi được cấu tạo từ những ngọn thạch nhũ qua hàng trăm triệu năm nhỏ giọt, tạo hóa thành cái Cổng Trời. Khu vực lân cận Cổng Trời có rất nhiều hang động lớn nhỏ với nhiều nhũ hoa đẹp mắt, cùng với hệ thống nhiều ghềnh thác, suối mát... tạo nên không gian rất ấn tượng.
Theo quy hoạch, phạm vi ranh giới, diện tích khu vực lập quy hoạch tại thôn A Sờ (xã Mà Cooih); phía đông giáp xã Kà Dăng, phía tây giáp núi Coong A Lanh, phía nam giáp đường ĐT609, phía bắc giáp núi Coong Our. Khu du lịch sinh thái khi đi vào hoạt động sẽ có sức chứa lưu trú khoảng 100.000 khách/năm; mật độ xây dựng gộp dự án tối đa là 25%; riêng đối với các khu vực có đất rừng phòng hộ tối đa là 5%. Tầng cao xây dựng 1 - 5 tầng; riêng 3 tháp vọng cảnh có tầng cao là 9, 10 và 13 (chiều cao tối đa 42m). Dự án được chia làm 4 khu vực chính gồm: 15,93ha phía Nam với chức năng là nơi đón tiếp, nhà điều hành, quảng trường cây xanh; địa điểm bán vé, hàng lưu niệm, nhà bia di tích lịch sử, chòi nghỉ chân, hành lang đi bộ có mái che, đài vọng cảnh, nhà vệ sinh, khu xử lý nước thải, thu gom rác thải; 60,6ha khu vực trung tâm về phía Nam là dịch vụ du lịch sinh thái; 29,72ha khu vực trung tâm về phía Nam chức năng chính là dịch vụ du lịch văn hóa. Diện tích 13,79ha còn lại được bố trí tại phía Bắc là lưu trú khách sạn, nhà hàng.
Vẻ đẹp hùng vĩ của Cổng Trời. |
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Phó Tổng giám đốc tập đoàn FVG cho biết, tất cả phương án thiết kế đầu tư xây dựng các phân khu chức năng của dự án đều được cơ quan chức năng thẩm định. “Chính quyền Quảng Nam cho phép tới đâu, chủ đầu tư sẽ dựa vào đó mà triển khai. Lâu nay, nhiều dự án du lịch đã bê-tông hóa, tác động quá nhiều vào tự nhiên. Với dự án này, mục tiêu cao nhất của chúng tôi là bảo vệ môi trường sinh thái, cố gắng gìn giữ nền tảng môi trường tự nhiên và hạn chế tối đa tác động đến thiên nhiên. Đây là một trong những dự án trọng điểm mà Tập đoàn FVG rất tâm huyết và thể hiện mong muốn những sản phẩm sinh thái tự nhiên mang tầm cỡ quốc tế sẽ có mặt tại Việt Nam cũng như đem đến cho khách hàng, đối tác thêm sự lựa chọn về một sản phẩm du lịch đẳng cấp của tỉnh Quảng Nam. Qua đó đưa sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc của vùng núi phía tây Quảng Nam đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần làm cho du lịch nước nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”- bà Nguyễn Thị Phương Nhung nhấn mạnh.
Còn theo đại diện lãnh đạo H. Đông Giang cho biết: Địa phương có tiềm năng phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Có thể liên kết với các điểm du dịch phía Tây của Đà Nẵng như Bà Nà, Núi Thần Tài, Ngầm Đôi, Suối Hoa; khu du lịch suối nước nóng tại thôn Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, Đông Giang)… Bởi đây là những điểm du lịch độc đáo, có cơ hội phát triển lớn và mang tính đặc trưng của vùng. Bên cạnh tiềm năng về các điểm du lịch sinh thái độc đáo gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Đông Giang còn có lợi thế về giao thông đi lại, là cửa ngõ nối với TP Đà Nẵng theo tuyến QL14G, cũng như các huyện Tây Giang, Nam Giang theo trục đường Hồ Chí Minh. Do vậy, để đón đầu cơ hội phát triển du lịch liên vùng, cần có sự hợp sức từ các địa phương với các chuỗi giá trị sản phẩm độc đáo, phong phú và không thể tách rời nhau. Trong đó, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang là nền tảng, là điểm nhấn tạo nên thành công đó.
BÃO BÌNH