Điểm nóng “bị nguội”

Thứ năm, 28/09/2017 09:39

Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, vốn thường xuyên chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng LHQ (UNGA), dường như đã bị chôn vùi trong phiên họp năm nay.

Ngoài bài phát biểu của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tập trung vào chủ đề gai góc này, nó gần như vắng mặt trong suốt phiên họp của LHQ, ngoại trừ đề cập ngắn gọn về cuộc xung đột của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Netanyahu nói rằng, đất nước ông “cam kết đạt được hòa bình với tất cả các nước láng giềng Arab, kể cả người Palestine”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel thậm chí không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về cách giải quyết xung đột. Điều này cho thấy, chừng nào Thủ tướng Netanyahu còn nắm quyền, ông sẽ cố gắng biến nó thành vấn đề không đáng quan tâm trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh nổi lên quá nhiều vấn đề cấp bách hơn trong chương trình nghị sự quốc tế, cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ nay được xem là ít quan trọng nhất trong tương lai gần, bởi vì tất cả các bên đều cho rằng, đây là “căn bệnh kinh niên” không thể giải quyết một sớm một chiều. Với ông Netanyahu, điều này đã là một thành công. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí không đề cập đến cuộc xung đột trong bài phát biểu của ông.

Cộng đồng quốc tế đã đồng thuận rằng, giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để giải quyết xung đột. Nhưng sau nhiều năm dưới áp lực của chính phủ Thủ tướng Netanyahu, chính quyền mới của ông Trump cuối cùng gây ra cú đánh chết người cho ý tưởng về nhà nước Palestine - động thái khiến tiến trình hòa bình cho Trung Đông lại đi vào ngõ cụt.

Palestine nổi giận. Trong bài phát biểu của mình, ông Abbas cảnh báo, giải pháp hai nhà nước “đang lâm nguy” và rằng “không có nơi nào cho người Palestine” trong các hoạt động định cư của Israel ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Tại phiên họp UNGA năm ngoái, vấn đề Palestine nổi bật trong chương trình nghị sự. Nó được đưa ra mổ xẻ trong những ngày cuối cùng tại nhiệm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước.

Vào thời điểm đó, ông Netanyahu cảm thấy áp lực để thực hiện một cam kết về giải pháp hai nhà nước khi đứng ở bục diễn thuyết của LHQ. Chính phủ của ông sợ rằng, ông Obama sẽ có những bước đi để thúc đẩy một nghị quyết ràng buộc của LHQ đối với Israel. Nhưng mọi chuyện chưa thể đi đến đó. và giờ đây, nó lại bất ngờ bị gạt ra bên lề những vấn đề nóng khác như Triều Tiên, Iran, Syria, mối đe dọa khủng bố…

THANH VĂN