Điểm sáng hòa giải

Thứ bảy, 05/11/2016 10:10

(Cadn.com.vn) - Tuần qua đánh dấu thời kỳ mới đầy hy vọng cho Lebanon – quốc gia Trung Đông rơi vào tình trạng vô chính phủ trong 29 tháng qua.

Sau khi đã bầu chọn được Tổng thống – cựu chỉ huy quân đội Michel Aoun và là đồng minh của nhóm vũ trang Hezbollah  - Lebanon tiếp tục theo đuổi thỏa thuận chia sẻ quyền lực giáo phái đã đề ra khi tiếp tục chọn được thủ tướng mới. Đó là ông Saad al-Hariri – một nhân vật Hồi giáo dòng Sunni và là nhân vật quan trọng hỗ trợ đắc lực để ông Aoun giành được vị trí tổng thống như hiện nay.

Việc thành lập được một chính phủ như thế này không chỉ đánh dấu nỗ lực của nước này trên con đường hòa giải các phe phái tôn giáo, mà còn cho thấy cách Lebanon có thể trở thành mô hình đáng học hỏi cho các nước Trung Đông khác vốn đang bị “giam cầm” trong bạo lực tôn giáo. Khi nhiều cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Trung Đông do vấn đề khác biệt tôn giáo, Lebanon quyết định phải giữ chặt hơn nền dân chủ lập hiến và đặc biệt là “công thức độc đáo” cho sự chung sống hòa bình giữa các giáo phái.

Nền chính trị Lebanon khá phức tạp nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các lực lượng bên ngoài, nhất là cuộc chiến kéo dài và đẫm máu ở nước láng giềng Syria. Rõ ràng, Lebanon không chỉ “ngắm nhìn cuộc chiến từ bên ngoài”. Hiện nay, 1 trong 4 người ở Lebanon là người tị nạn Syria. Và nhóm Hồi giáo Shiite mạnh mẽ Hezbollah ở Lebanon cũng góp sức vào cuộc chiến này.

Trung Đông có lẽ cần nhiều mô hình như Lebanon để cho thấy các tôn giáo khác nhau có thể chia sẻ quyền lực một cách hòa bình. Có lẽ, nước này đã học được điều này từ chính cuộc nội chiến giáo phái đẫm máu 1975-1990. Ngoài ra, những người trẻ tuổi ở nước này cũng đòi hỏi một chính phủ thế tục. Ước tính tại Lebanon hiện nay có khoảng 20% những cuộc hôn nhân giữa các giáo phái, giữa người Sunni và người Shiite hoặc giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo.

Tất nhiên, nền chính trị ở Lebanon vẫn phải phát triển dựa trên các nhà lãnh đạo chính trị giáo phái. Tổng thống và thủ tướng mới sẽ cần phải vượt lên trên các cử tri tôn giáo để giải quyết nhiều vấn đề của đất nước, chẳng hạn như cải cách bầu cử. Đằng sau hậu trường, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đã bắt tay nhau để ủng hộ một nền dân chủ lập hiến, mà trong đó các tôn giáo thiểu số được tôn trọng.

Cùng với điển hình ở Tunisia, Lebanon tiến một bước lớn để có thể trở thành điểm sáng trong một khu vực đang bị tàn phá bởi bạo lực tôn giáo.

Thanh Văn